“Sau khi ra trường, tôi có xin cha mẹ cho thuê trọ, dọn ra ở riêng để vừa tự lập và cũng tiện đi làm hơn. Nhà tôi ở quận 12, trong khi chỗ làm ở quận 1. Tuy nhiên, lúc đó gia đình không cho phép vì sợ tôi mới đi làm, chưa đủ ổn định tài chính”, Hảo kể.
Khoảng 2 năm sau đó, cô lại tiếp tục nghĩ đến chuyện ra riêng. Nhưng ý định này nhanh chóng bị dập tắt vì dịch Covid-19.
Công ty gặp khó khăn vì dịch bệnh, phải đóng cửa thời gian dài, Hảo quyết định nhảy việc.
Những lo lắng về việc bắt đầu lại từ con số 0, cô không còn dám đề cập đến chuyện ra riêng với gia đình.
Trong lạm phát, các hộ gia đình có thu nhập thấp là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, người trẻ, nhóm vừa ra trường, đi làm và có thu nhập thấp hơn so với đồng nghiệp lớn tuổi, cũng chịu tác động lớn không kém bởi sự tăng giá của nhà đất, nhu yếu phẩm.
Theo Quỹ liên thế giới, tổ chức từ thiện giáo dục, một người ở độ tuổi 20 chi khoảng một nửa thu nhập của họ cho tiền thuê nhà, xăng dầu và phương tiện đi lại.
Khi lạm phát bắt đầu, những người chuẩn bị ra riêng hoặc đang trong diện ở thuê phải đối mặt với bối cảnh giá thuê tăng vọt nhưng đồng lương lại giảm. Điều này có thể cản trở hoặc đánh gục mong muốn tự lập của nhiều người.
Vật lộn với tiền nhà
Mãi đến đầu năm 2022, sau nhiều đắn đo, Thái Hảo mới quyết tâm thuyết phục cha mẹ thêm lần nữa. Cô rất bất ngờ khi người thân dễ dàng đồng ý. Cha mẹ cũng phụ giúp tìm nhà và hỗ trợ cô một phần tiền sắm đồ nội thất.
“Khi ở chung với cha mẹ, không bao giờ phải tính toán xem ngày ăn bao nhiêu, lương tháng tiêu thế nào vì đã có gia đình lo cho gần hết. Còn lúc ra ở riêng, có hàng trăm khoản phát sinh: tiền nhà, tiền điện nước, tiền dịch vụ, tiền ăn uống, tiền xăng xe…”, Hảo nói.
Chọn sống tự lập ngay thời bão giá, lần đầu tiên Hảo hiểu cảm giác “nâng lên đặt xuống” khi đi chợ và phát hoảng mỗi lần xăng tăng giá.
“Trước đây, mỗi tháng tôi đưa cho mẹ khoảng 20% thu nhập để lo ăn uống trong nhà, còn lại tiêu xả láng vẫn dư ra một khoản kha khá để đầu tư hoặc tiết kiệm. Nhưng bây giờ, phải ăn tiêu chắt bóp lắm mới dư ra được một ít”, cô kể.
Chung cảnh ngộ với nhiều bạn trẻ, cuộc khủng hoảng giá cả cũng khiến Thu Trang (22 tuổi) cũng phải dời kế hoạch sống tự lập lại.
Theo kế hoạch ban đầu, cô sẽ dọn ra riêng vào đầu tháng 5 nhưng không tìm được nhà giá tốt.
Đa số những nơi Trang tham khảo đều có giá thuê cao ngất ngưởng, ngoài khả năng chi trả.
Thậm chí khi cô và bạn sống cùng nâng ngân sách từ 1-1,5 triệu đồng lên 2-2,5 triệu đồng, cả hai cũng khá chật vật.
Nằm vùng các hội nhóm cho thuê nhà suốt 2 tháng, hai cô gái mới kiếm được nơi ở ưng ý - một căn chung cư có giá 5 triệu đồng, nhiều tiện ích xung quanh.
“May mắn nơi này có đủ nội thất nên đợi đến đúng ngày là có thể dọn vào ở, không cần sắm sửa quá nhiều. Lần đầu đi tìm nhà lại vướng ngay bão giá khiến tôi khó xoay xở. Dù đã cắt giảm chi phí ăn uống, vui chơi để bù cho tiền trọ, tôi nghĩ khoảng thời gian sắp tới cũng sẽ khá khó khăn”, Trang bày tỏ.
Nhiều thống kê từ các văn phòng môi giới nhà đất, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết các hợp đồng thuê căn hộ vừa hết hạn thời gian gần đây (kỳ hạn thông thường là một năm) đều được ký mới với mức giá tăng đến 10% hoặc hơn.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc số lượng người hỏi thuê căn hộ ở TP.HCM đã tăng vọt do lao động ngoại tỉnh đã quay trở lại.
Thống kê của chuyên trang Chợ Tốt Nhà cho thấy từ khi TP.HCM được công nhận là "vùng xanh", nhu cầu tìm kiếm phòng trọ, căn hộ cho thuê đã tăng cao trở lại, với 96% tin đăng được khách thuê liên hệ, trong khi tỷ lệ này năm 2020 chỉ đạt 86%. Còn hiện nay, xấp xỉ 99% tin đăng đã được liên hệ.
Còn dữ liệu trên Batdongsan cho thấy mức độ quan tâm tới căn hộ cho thuê trong quý I/2022 tăng vọt 159% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tại TP.HCM, mức độ tăng trưởng đạt gần 62%.
Chủ nhà tăng giá
Sự hồi phục của thị trường cho thuê, trên thực tế, lại là khó khăn cho người trẻ vì chủ nhà có nhiều lựa chọn khách, còn tiền dành cho thuê nhà của khách lại giảm.
Căn hộ ở chung cư TP Thủ Đức của Nguyễn Hoàng Minh Thái (sinh năm 1995) đang có giá 9 triệu đồng cho 2 phòng ngủ, nay tăng lên 11 triệu đồng cùng lời nói của chủ nhà "anh còn nhiều khách chấp nhận giá này".
"Từ sau hôm đó, chủ nhà liên tục đưa khách tới xem phòng. Tôi chỉ có 2 lựa chọn, một là chấp nhận giá thuê mới, hai là rời đi. Cuối cùng, tôi chuyển sang sống tại căn hộ dịch vụ tại quận 9", Minh Thái kể.
Phạm Như Quỳnh (23 tuổi, quận 7), nhân viên văn phòng, vừa dọn ra riêng cách đây một tuần. Cuối năm trước, Quỳnh có ý định ra riêng nhưng thấy thị trường giá nhà cao, cô đành hoãn lại một thời gian.
Đầu tháng 5, vì cơ quan khá xa nhà, Quỳnh quyết tâm tìm nơi ở mới để thuận tiện đi làm. Tuy nhiên, việc kiếm nhà cũng không hề đơn giản, đặc biệt là khi chủ thuê liên tục đổi ý, tăng tiền phòng.
“Tôi đi xem một căn, phòng rộng rãi, có gác, ban công nên khá ưng ý. Chốt với chủ nhà xong xuôi, lúc gần chuyển vào thì người này đòi tăng giá, từ 5,4 triệu đồng lên 5,7 triệu đồng và không hỗ trợ cho thuê dài hạn, chỉ làm hợp đồng 6 tháng. Hai bên không thống nhất được nên tôi kiếm nơi khác. Vài trăm ngàn lúc này có thể là tiền ăn của cả tuần”, Quỳnh kể lại.
Sau nhiều lần tham khảo những căn khác nhau, cuối cùng cô gái 23 tuổi cũng tìm được một nơi có mức giá tạm chấp nhận được ở quận 7.
Trải nghiệm ban đầu của cuộc sống tự lập không mấy trọn vẹn, song Quỳnh không nản lòng. Có không gian riêng lại tiện đường đi làm, cô cho rằng đây là khoản đầu tư xứng đáng.
Trước đây, Quỳnh thường dành ra khoảng 1/3 thu nhập cho sinh hoạt phí hàng tháng. Nhưng giờ thì mức đó phải chia nhỏ ra hơn vì lương không đổi nhưng các khoản chi khác thì tăng.
“Để dọn ra ở riêng, trước đó, tôi phải cắt giảm nhiều sở thích cá nhân như đi mua sắm, cà phê với bạn bè để tiết kiệm tiền. Không có sự hỗ trợ từ gia đình cộng với gánh nặng bão giá khiến tôi chi tiêu dè sẻn hơn. Chỉ khi cầm đủ ngân sách mà bản thân đặt ra thì tôi mới dám sống một mình”, Quỳnh nói thêm.
Cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt tăng cao đang đặt gánh nặng lên nhiều thế hệ, song những người trẻ dưới 30 tuổi là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trước lạm phát, người trẻ thiếu đi những “hàng rào bảo vệ” như tài sản tích lũy, khoản tiền tiết kiệm lớn hay nhà riêng. Nhóm này phải vật lộn với tiền thuê nhà cao ngất ngưởng, lạm phát bữa trưa, giá xăng tăng.
46% Gen Z (những người sinh năm 1997 đến 2012) rơi vào tình trạng căng thẳng về tài chính khi thừa nhận tiền lương của họ chỉ đủ sống qua ngày, theo khảo sát của công ty kiểm toán Deloitte thực hiện với 14.808 người Gen Z trên 46 nước. Ở thế hệ Millennials, tình thế cũng không khấm khá hơn.
Với Thái Hảo, cô giải quyết tiền thuê nhà bằng cách giảm triệt để chi phí tiêu dùng cá nhân, nhận thêm một số job làm thêm.
"Cuộc sống tự lập ở TP.HCM không dễ dàng. Xung quanh tôi, bạn bè, đồng nghiệp nào cũng phải vật lộn với giá nhà", Hảo nói.
Cùng lúc đó, cô vẫn để ngỏ khả năng có thể trở về sống với cha mẹ nếu thu nhập không tăng, không kham nổi sinh hoạt phí.
"Có thể tôi sẽ phải trở về sống cùng gia đình ở quận 12 và tiếp tục đóng góp tiền ăn ở cho cha mẹ. Dù sao, tôi may mắn hơn nhiều những người bạn ở tỉnh khác tới Sài Gòn sinh sống, lập nghiệp vì có người thân ở gần", cô kết luận.