Từ đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục phát đi thông điệp giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức 14%, cao hơn mức tăng 13,61% của năm 2021 và 12,17% năm 2020.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại cỡ lớn cho biết dư nợ tín dụng đã gần chạm trần được giao và xin nới hạn mức này để lấy dư địa tăng cuối năm, tính đến cuối tháng 7, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn chưa nới “room” cho bất kỳ nhà băng nào.
Động thái này của nhà điều hành có thể khiến nhiều thành viên thị trường sốt ruột, đặc biệt là các ngân hàng quy mô lớn, cũng là những nhà băng đã gần cạn "room" tín dụng chỉ sau nửa năm.
Thế khó của NHNN
Từ cuối tháng 5, các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MBBank… đã liên tục đề xuất được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu là các ngân hàng đã tăng trưởng gần chạm trần tín dụng cho phép, trong khi nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp vẫn rất cao.
Báo cáo tài chính quý II của hàng loạt ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng cho vay ở mức cao, thậm chí vượt cả trần tăng trưởng tín dụng được giao từ đầu năm.
Như tại Vietcombank, dư nợ cho vay khách hàng của riêng ngân hàng mẹ sau nửa đầu năm đã tăng 14,6%. Nếu tính cả dư nợ đầu tư trái phiếu, mức tăng trưởng cho vay của ngân hàng này ước đạt gần 14,4%, vượt xa hạn hạn mức 10% được NHNN tạm cấp.
BIDV năm nay được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 10%, nhưng đến cuối tháng 6, số dư cho vay tại ngân hàng mẹ cũng đã tăng 9,8%. Nếu tính cả số dư nợ cấp thông qua đầu tư trái phiếu, tăng trưởng cho vay nửa đầu năm của nhà băng này đã vượt 11%.
Tương tự, trong giai đoạn này, MBBank ghi nhận tăng trưởng cho vay đạt 14,25%, xấp xỉ mức trần tín dụng 15% được cấp; ACB tăng hơn 9,8%, trong khi mức được cấp cả năm là 10%; Techcombank tăng 13,9% trên tổng số 15% được cấp; Agribank và Sacombank cùng được cấp 7%, nhưng sau nửa năm đã dùng hết lần lượt 5,86% và 7%...
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã gần cạn “room” tín dụng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022 và NHNN ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm, áp lực nới “room” còn lớn hơn.
NHNN cho biết mức lãi suất đăng ký hỗ trợ năm nay sẽ vào khoảng 16.035 tỷ và năm 2023 là trên 23.965 tỷ đồng . Với mức phân bổ này, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho khách hàng đủ điều kiện. Số dư này tương đương trên 7,6% tăng trưởng so với cuối năm 2021.
Trong khi đó, đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã là 9,3%. Như vậy, chỉ cộng riêng kế hoạch cho vay hỗ trợ lãi suất này, nếu hoàn thành, tăng trưởng tín dụng cả năm nay đã vượt 14%.
Với các ngân hàng đã gần cạn "room" tín dụng sau nửa năm, nếu không được nới, nhiều ngân hàng sẽ không thể hoàn thành kế hoạch cho vay hỗ trợ lãi suất kể trên.
Từ phía cơ quan quản lý, NHNN cũng không thể thoải mái nới chỉ tiêu này vì còn phải kiểm soát lạm phát và tỷ giá USD/VNĐ, những chỉ tiêu vốn đã gặp nhiều áp lực từ cuối năm 2021 do các yếu tố quốc tế.
Tránh cuộc đua tăng lãi suất
Ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết trong 3 năm gần nhất, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đều đạt trên 20%/năm, vượt xa khả năng quản trị rủi ro của chính ngân hàng và khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế.
Vì vậy, nếu nới “room” theo nhu cầu của các ngân hàng, lượng tiền đổ vào nền kinh tế sẽ rất lớn, từ đó tạo áp lực lên lạm phát. “Bên cạnh đó, việc nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng có thể dẫn đến một cuộc đua tăng lãi suất huy động, từ đó gây ra phản ứng dây chuyền là lãi suất huy động tăng, dẫn tới lãi suất cho vay tăng, rồi dẫn tới nợ xấu tăng”, ông Quang nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, đánh giá lạm phát không phải yếu tố “đau đầu” nhất đối với chính sách tiền tệ của NHNN hiện nay, mà là tỷ giá USD/VNĐ. Thực tế, các hành động gần đây của NHNN luôn hướng tới việc ổn định tỷ giá.
Vị CEO cho biết “room” tín dụng là một công cụ rất quyền lực trong điều hành chính sách tiền tệ. Tại mỗi thời điểm, chỉ tiêu này sẽ được sử dụng theo những cách khác nhau.
“Có lúc room tín dụng được sử dụng để kiểm soát vòng quay của tiền, làm tăng/giảm cung tiền trên thị trường. Nhưng cũng có lúc dùng để can thiệp vào thanh khoản của các ngân hàng thương mại”, ông Báu phân tích.
Theo vị này, hiện tăng trưởng tín dụng ở mức cao, tăng trưởng huy động thấp, trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng đã cạn, nếu NHNN nới “room” tín dụng, không khác gì việc bóp mạnh hơn vào thanh khoản hệ thống ngân hàng. Điều này sẽ khiến các ngân hàng phải tăng huy động đầu vào để có nguồn vốn cho vay đầu ra, dẫn đến cuộc đua lãi suất trên thị trường.
Tiền trong ngân hàng đã ít đi
Ông Trần Ngọc Báu cho biết những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng bình quân vẫn đạt 13-14%/năm, trong khi số dư huy động chỉ tăng 6-7%/năm. Mức chênh này là quá cao nên hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn thiếu vốn.
Sở dĩ mọi năm NHNN nới "room" mà lãi suất huy động không tăng nhiều là do các năm này NHNN đều thực hiện mua vào ngoại tệ với giá trị bình quân 10- 15 tỷ USD /năm, qua đó bơm ra thị trường lượng tiền Đồng tương ứng 300.000-400.000 tỷ. Số dư tiền VNĐ này giúp hệ thống ngân hàng không gặp quá nhiều áp lực khi tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động.
Tuy nhiên, từ đầu năm nay, NHNN không những ngừng mua USD mà còn thực hiện bán ròng ngoại tệ này, xấp xỉ 12- 13 tỷ USD , qua đó rút về lượng tiền VNĐ tương ứng. “Vì vậy, cả khi NHNN không nới room, các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động. So với một năm trước, lượng tiền dự trữ cho vay đã ít hơn rất nhiều”, ông Báu phân tích.
Vị chuyên gia cho biết thêm thực tế các ngân hàng vẫn còn “room” chứ chưa cạn sạch hết, nên các ngân hàng vẫn có thể cho vay mới. Tuy nhiên, cung tiền không còn dồi dào như trước khiến các ngân hàng dè dặt với việc giải ngân mới.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh áp lực lạm phát đến từ cả trong nước và quốc tế hiện nay, rất khó để NHNN đưa ra định hướng nới lỏng hay thắt chặt chính sách tín dụng.
Nới lỏng tín dụng có thể khiến lạm phát tăng cao, nhưng thắt chặt tín dụng lại khiến nền kinh tế thiếu vốn, giảm cung hàng hóa, từ đó đẩy giá cả leo thang và vẫn khiến lạm phát tăng cao.
Ông cho rằng mức tăng 14% năm nay, tương đương với trên 1,46 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế qua kênh cho vay là hợp lý. Trong đó, mức tăng trưởng này sẽ đảm bảo được mục tiêu lạm phát, đồng thời không tạo ra áp lực với việc cung ứng vốn từ nền kinh tế, điều có thể tạo ra một cuộc đua lãi suất huy động cho nửa cuối năm nay.
Ông Trần Ngọc Báu cho rằng NHNN sẽ nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc nới chỉ tiêu này sẽ có chọn lọc và thời điểm nới có thể rơi vào quý IV, khi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định hơn.
Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng NHNN sẽ nới “room” tín dụng trong nửa cuối năm nay, tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ thận trọng hơn trong việc điều hành chính sách này.
Theo đó, hạn mức được cấp thêm dự báo chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện ngân hàng phải hạn chế giải ngân với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Cả năm, SSI dự báo tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế có thể đạt 15-16%, cao hơn 1-2 điểm % so với kế hoạch của NHNN.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng việc nới “room” tín dụng sẽ được NHNN thực hiện vào cuối quý III này.