Có thể bạn không thích hoặc không có thói quen chia sẻ về thành công của mình cho sếp và đồng nghiệp. Nhưng trên thực tế, trong sự nghiệp, việc khoe khoang và kể về thành tựu chính là cách rất tốt để bạn có được sự công nhận xứng đáng.
Dưới đây, Cosmopolitan đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp bạn khoe khéo thành tích cá nhân mà không bị đánh giá hợm hĩnh.
Thành tựu nào cũng xứng đáng được tán dương
Đầu tiên, bạn cần hiểu rằng mình không cần giành những giải thưởng lớn lao để khoe với mọi người. Ngay cả những thành tích nhỏ cũng đáng để bạn tự hào.
Nhiều người trong chúng ta gặp một hội chứng tâm lý mang tên "kẻ mạo danh". Đó là khi bạn cho rằng mình không tài giỏi, thông minh như những gì người khác nghĩ; hoặc bạn chỉ bạn đạt được thành công nào đó nhờ may mắn.
Nỗi lo lắng, né tránh khoe khoang cũng bắt nguồn từ tâm lý này. Bạn có thể cảm thấy mình không xứng đáng được công nhận hoặc việc chia sẻ thành tựu sẽ khiến mọi người cười chê, ghét bỏ.
Tuy nhiên, theo Meredith Fineman, tác giả cuốn sách Brag Better: Master the Art of Fearless Self-Promotion, sự lo sợ chính là một dấu hiệu cho thấy bạn làm tốt công việc của mình. Những người đang nỗ lực cho dự án thường cảm thấy mình cố gắng chưa đủ.
Nếu không khoe, chẳng ai biết bạn làm được
Nhiều người tin tưởng vào "hữu xạ tự nhiên hương", tức là chỉ cần làm tốt, người khác sẽ luôn biết đến thành công của họ.
Tuy nhiên, đây là một sai lầm phổ biến. Hầu hết đồng nghiệp chỉ đều tập trung vào công việc và các vấn đề của riêng họ.
Khoe khoang không chỉ thể hiện kết quả khả quan bạn đạt được, mà còn truyền cảm hứng cho những người khác làm công việc của họ tốt hơn.
Do đó, việc thể hiện những gì đã làm sẽ giúp bạn trở thành một đồng đội, người quản lý và nhân viên tốt.
Khoe ra sao để không lố?
Cosmopolitan gợi ý 4 cách giúp bạn chia sẻ thành tích của mình một cách chiến lược.
Thứ nhất, nếu mong muốn kể về thành tựu của mình với cấp trên, bạn hãy hỏi họ về một cuộc đối thoại nhằm đánh giá kết quả làm việc.
Lúc này, bạn có thể trao đổi với sếp những gì mình đạt được trong thời gian qua. Đó có thể là những điều cấp quản lý đã nhìn thấy dựa trên số liệu; hoặc những nỗ lực của bạn mà họ chưa thể quan sát.
Lưu ý: Bạn nên hỏi sếp cách tốt nhất để chia sẻ vấn đề công việc của mình cho họ. Nếu sếp thích được đọc các báo cáo, việc trao đổi qua điện thoại hoặc cuộc gặp có lẽ không phù hợp.
Thứ hai, bạn hãy nhờ một người bạn hoặc đồng nghiệp cùng ăn mừng chiến thắng với mình. Người đó có thể giúp bạn chia sẻ thành tựu lên mạng xã hội, hoặc khen bạn trong cuộc họp chung tại văn phòng. Đây chính là "người đưa tin", giúp bạn khoe được thành tích một cách khách quan và gián tiếp.
Thứ ba, bạn nên chủ động chia sẻ một cách khéo léo những thành tựu của bạn lên mạng xã hội, hoặc cho những người quản lý, đồng nghiệp quan trọng của mình. Chính những tâm sự tự nhiên này lại khiến mọi người dễ chịu và quý mến.
Tuy vậy, bạn không nên làm phiền mọi người với quá nhiều thành tích nhỏ nhặt. Hãy chỉ nói ra những điều quan trọng, ví dụ như sự tăng trưởng của dự án, những kỹ năng, chứng chỉ bạn vừa học hỏi thêm hoặc lời khen từ đối tác lớn. Những điều nhỏ hơn, bạn hãy để dành cho những cuộc hội thoại phù hợp.
Và cuối cùng, khi được sếp hoặc đồng nghiệp khen ngợi, bạn không nên giả vờ hoặc tỏ ra quá khiêm tốn. Những phản ứng như "không có gì đâu, chỉ là một dự án nhỏ mà thôi" hoặc "việc đó quá dễ, ai cũng làm được ấy mà" đôi khi sẽ khiến người khác không còn thoải mái. Thậm chí, họ sẽ đánh giá thấp thành tích của bạn như cách bạn từ chối lời khen.