Khoảng một tháng qua, Tường Vy mở thêm cửa hàng online để cải thiện tình hình tài chính.
Bước vào quý cuối năm, công ty mỹ phẩm mà cô làm việc cho ra mắt hàng loạt dự án mới. Bận rộn từ 8h đến 17h tại công sở, chuyên viên marketing này vẫn cố gắng làm thêm việc phụ để thêm thu nhập.
“Giá cả sinh hoạt liên tục tăng lên mà lương của tôi vẫn ì ạch. Cuối năm là giai đoạn cần mua sắm, chi tiêu nhiều hơn, tôi buộc phải có thêm tiền nếu không muốn thiếu hụt như năm ngoái”, Tường Vy chia sẻ cùng Zing.
Xu hướng giới trẻ tìm đến “side job, side hustle” (công việc phụ, việc ngoài giờ) khá phổ biến, đặc biệt vào những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Side Hustle Nation được công bố vào tháng 1/2022, 45% nhân viên tại Mỹ (tương đương khoảng 70 triệu người) có việc làm phụ song song công việc chính thức. Con số này ở thế hệ Millennials là 50%, Gen Z là 46%.
Tại Việt Nam, theo khảo sát của QandMe vào năm 2015 trên 300 người lao động, 66% cho biết có làm thêm công việc phụ, trong đó 70% làm với mức độ thường xuyên.
Làm thêm việc
Tường Vy tập tành bán hàng online theo lời khuyên của bạn bè. Cô chọn sản phẩm liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe bởi đây cũng là mối quan tâm của cô và nhiều nhân viên văn phòng khác. Tháng đầu tiên mở hàng, được người quen ủng hộ, cô thu về 3-4 triệu đồng tiền lãi.
Nếu tình hình buôn bán tiếp tục khả quan, đến Tết Nguyên đán, cô sẽ có khoản thu kha khá để chi tiêu.
“Việc kinh doanh không hề dễ dàng, đặc biệt khi tôi vẫn có công việc full-time bận rộn và chỉ có một mình xoay xở”, Tường Vy nói.
Tương tự Tường Vy, Nguyễn Phúc (25 tuổi, TP.HCM) cũng “ôm” thêm một công việc phụ nhằm tạo thêm thu nhập cho giai đoạn nhiều lễ hội nhất trong năm.
Anh đặt mục tiêu giảm bớt gánh nặng tiền bạc trong 3 tháng tới, đặc biệt sẽ có khoản dự trữ đủ nhiều để chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, với kinh nghiệm viết lách, nhân viên nội dung này liên hệ đến một số doanh nghiệp để nhận viết bài quảng cáo. Mỗi bài viết, anh được trả thù lao 1,5-2 triệu đồng.
Nếu thuận lợi hoàn thành 10 sản phẩm như vậy cho mỗi tháng, anh yên tâm có thêm gần 50 triệu đồng cho quỹ tiêu Tết.
“Nhiều tháng qua, công ty tôi gặp khó khăn trong kinh doanh khiến khối lượng công việc của nhân viên giảm đi hơn 40%. Điều này đồng nghĩa với việc lương của chúng tôi cũng sụt giảm đáng kể. Thậm chí, sếp còn động viên nhân sự tự kiếm thêm dự án riêng để đảm bảo sinh hoạt phí”, anh chia sẻ.
Trong khi đó, chứng kiến bạn bè, đồng nghiệp đang nhận thêm 1-2 công việc phụ nhằm kiếm thêm thu nhập, Lê Anh Việt (27 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng sốt ruột. Vốn độc thân, lại có thu nhập ổn định, song anh vẫn lo lắng bởi mỗi Tết lại chi tiêu thêm nhiều tiền. Không chỉ biếu tiền cha mẹ, anh còn muốn sắm sửa nhiều đồ dùng mới cho gia đình.
Gần đây, chuyên viên lập trình này tìm đến các hội nhóm việc làm trên mạng xã hội để kiếm việc làm thêm.
Ban ngày, anh vẫn đến công ty hoàn thành công việc, tối về nhà, anh dành thêm 3-4 tiếng làm tiếp công việc freelance. Dù được khá nhiều đối tác mời làm, nhưng Anh Việt chỉ nhận khối lượng công việc hạn chế để không xao nhãng công việc chính thức của mình.
“Năm nay Tết Nguyên đán đến khá sớm, nếu không chạy thêm việc từ giờ, có lẽ tôi không kịp kiếm thêm một khoản tiền mua sắm. Đồng nghiệp của tôi còn tích tiền tiêu tết từ 3-4 tháng qua”, anh kể lại.
Không dễ kiếm tiền nhanh
Sau vài tuần thử sức với công việc ngoài giờ, Anh Việt có dự định dừng lại. Anh cho biết đã cố gắng tính toán, sắp xếp để luôn có lúc nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Tuy vậy, anh gần như không có thời gian thả lỏng.
“Nói là việc phụ, nhưng tôi vẫn phải chịu trách nhiệm cùng sự kiểm soát rất chặt chẽ của cấp quản lý. Họ đặt ra deadline khá gấp gáp, yêu cầu sự chính xác cao. Phải tập trung tối đa liên tục, tôi rất căng thẳng”, Việt nói.
Trong khi đó, Tường Vy cũng bắt đầu nhận thấy việc kinh doanh của mình trở thành gánh nặng.
Vừa chạy deadline tại công ty, vừa tính toán thời gian bán hàng, cô không hiểu tại sao người khác vẫn đảm đương trơn tru, giỏi giang đến thế.
“Sau giờ hành chính, tôi về nhà ngồi gói hàng, chụp ảnh sản phẩm, chỉnh sửa ảnh, nghĩ nội dung quảng cáo rồi đăng bài lên mạng xã hội. Từng đầu việc này khó khăn và mất thời gian hơn tôi nghĩ”, cô cho hay.
“Tôi phải sắp xếp lại thời gian để chăm chút cho thương hiệu riêng. Nếu có khách đặt hàng, tôi mới đóng gói, gửi đi. Còn các khâu làm hình ảnh, xây dựng thương hiệu sẽ gác lại. Dù gì, đây vẫn là nguồn thứ 2 của tôi”, Tường Vy nói thêm.
Còn với Nguyễn Phúc, mục tiêu viết 10 bài quảng cáo/tháng trở nên xa vời. Anh cho biết mình khó tiếp cận đối tác, cũng khó thương lượng được mức thù lao như nhiều đồng nghiệp.
Ngoài ra, việc viết bài cũng không mấy thuận lợi khi khách hàng liên tục yêu cầu chỉnh sửa, thay đổi. Anh dành một ngày hoàn thiện bài, song mất thêm 1-2 tuần chờ nhận xét, góp ý.
Mở màn hình máy tính với bản thảo bị khách trả về, ghi chú chi chít bằng dòng bôi đỏ, Nguyễn Phúc chỉ biết thở dài.
“Từ giờ cho đến Tết, tôi khó lòng kiếm được số tiền như dự định. Sang năm mới, tôi sẽ tìm cách nhảy việc và cố gắng tiết kiệm từ đầu năm. Thú thực, năm nào tôi cũng tự hứa như vậy", anh nói.