Báo cáo của một nền tảng đặt phòng cho thấy Bali đứng đầu danh sách các điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất thế giới. Trong dịp cuối năm này, du khách sẽ phải "đỏ mắt" tìm phòng ở Bali.
Khách sạn tăng giá chóng mặt
Kuta là quận có vị trí sát bờ biển, cách sân bay quốc tế của Bali khoảng 10 phút lái xe. Nơi này từng như "thị trấn ma" trong thời kỳ đại dịch. Lúc này, Kuta đang dẫn đầu danh sách tìm kiếm của một dịch vụ đặt phòng trên toàn cầu từ tháng 7 tới tháng 10.
Made, quản lý một biệt thự 3 phòng ngủ ở làng Cemagi (Bali), cho biết đã nhận được nhiều lượt đặt phòng dịp cuối năm. Thông thường, biệt thự Made quản lý có giá 2 triệu rupiah/đêm (127 USD). Tuy nhiên, do nhu cầu quá lớn của khách, họ đã tăng giá lên 3 triệu rupiah/đêm (195 USD) rồi 5 triệu rupiah/đêm (325 USD).
"Chúng tôi thử xem mình có thể tăng giá đến đâu. Chỉ vài ngày sau, đã có một gia đình từ Jakarta đặt. Lẽ ra, chúng tôi phải tăng giá cao hơn", Made nói.
Made có lẽ đã đúng. Nhu cầu quá lớn khiến du khách sẵn sàng chi số tiền lớn hơn giá trị thực tế nhiều lần để có một chỗ nghỉ ở Bali. Ví dụ, các biệt thự sang trọng ở Four Seasons có giá 3.300 USD/đêm - cao gấp 10 lần mức giá đắt nhất Made đã đưa ra. Tuy nhiên, hầu hết biệt thự đều được đặt sạch từ Giáng sinh tới năm mới.
Tình hình ở các khách sạn cũng không khác gì. Khách sạn 4 sao Manaka by Ovolo tại Kuta đã lấp đầy 98% phòng trong đợt nghỉ lễ cuối năm. Đại diện khách sạn tự tin họ có thể kín chỗ khi vào dịp lễ.
Ở phía đông nam Bali, khu nghỉ dưỡng Sofital Nusa Dua Bali cũng đã lấp đầy 80% công suất phòng. Đây là nơi vừa tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi tháng 11.
"Hy vọng, chúng tôi sẽ lấp đầy 100% phòng vào giữa tháng 12", đại diện khách sạn này nói.
Nusa Lembongan, hòn đảo phía nam bờ biển Bali, cũng đang phục hồi mạnh mẽ. Mitch Ansiewich, đại diện Ohana's, câu lạc bộ bãi biển, nhà hàng và khách sạn, cho biết họ đã chuẩn bị tinh thần cho một năm 2022 khó khăn. Dù vậy, thị trường đã quay lại nhanh hơn dự kiến. Từ tháng 7 tới nay, Ohana's luôn trong tình trạng "cháy" phòng.
Vẫn thiếu nhân viên
Theo Statista, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Đức, những con số ấn tượng này có thể thu hút người lao động tới Bali. Suốt đại dịch, khoảng 41% người lao động ở Bali đã mất việc. Họ đã phải miệt mài xin việc trên các trang như Bali Expats, Bali Jobs... Tuy nhiên, câu chuyện giờ đã khác.
Các doanh nghiệp liên tục quảng cáo nhưng không thể tìm được người làm. Nhiều lao động chất lượng đã rời Bali để tìm công việc mới, bỏ lại chỗ trống khó khỏa lấp. Kit Cahill, quản lý một khách sạn bong bóng nổi tiếng, chia sẻ cơ sở của họ đang đau đầu tìm đầu bếp.
Thực tế, Bali vốn sở hữu lịch sử ấn tượng về việc hồi phục sau thảm họa. Ví dụ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cuộc khủng hoảng chính trị Indonesia năm 1998, vụ đánh bom Bali năm 2002 và năm 2005 hay gần đây là các đợt phun trào núi lửa năm 2017 và năm 2018. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sau đại dịch quá nhanh khiến nhiều người không thể lường trước.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, một hiệp hội thương mại của các hãng hàng không trên thế giới, đã dự đoán du lịch ở Nam Thái Bình Dương sẽ không trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2025. Số liệu về lượng khách đến gần đây nhất do sân bay Bali công bố cũng đứng về phía quan điểm này.
Hơn 291.000 khách du lịch quốc tế đã tới sân bay Bali vào tháng 9 - gấp khoảng 20 lần so với lượng khách đến vào tháng 3. Tuy nhiên, con số này chưa bằng 1/2 so với tháng 9/2019.
Sự phục hồi của Bali là rất ấn tượng. Dù vậy, đây chỉ là con số vào dịp cao điểm cuối năm. Bali vẫn vắng bóng khách Trung Quốc - nhóm khách quốc tế lớn thứ 2 tới Bali trước dịch, chỉ sau Australia. Và khi khách Trung Quốc trở lại trong những năm tới, tình trạng "cháy phòng" ở Bali có lẽ còn nghiêm trọng hơn.