Người Mỹ không còn mạnh tay chi tiền để mua sắm đồ hiệu.
Như những mùa lễ hội hàng năm, đây là thời điểm để các tín đồ mua sắm vung tiền cho túi xách hàng hiệu, trang sức cao cấp hoặc món quà đắt đỏ cho bản thân hoặc gia đình.
Tuy nhiên, hiện tượng đó sẽ ít xuất hiện trong năm nay khi người Mỹ không còn mặn mà với đồ xa xỉ, theo Wall Street Journal.
Trong báo cáo mới nhất từ Ralph Lauren, Tapestry Inc (chủ sở hữu của Coach), tâm lý chi tiêu của khách hàng có sự tăng nhẹ trong khi Capri Holdings Ltd (công ty mẹ của Michael Kors) lại sụt giảm 0,17%.
Kate Cheng, người sở hữu một cửa hàng trang sức ở San Francisco, thường tự thưởng cho mình những món đồ đắt tiền trong các dịp lễ. Thế nhưng, với tình hình tài chính bất ổn, cô phải tạm bỏ qua sở thích này vì lo ngại các dự báo về suy thoái kinh tế.
“Tôi sẽ không tiêu xài phung phí trong năm nay khi tiền ngày càng ít đi”, Cheng nói.
Mua đồ rẻ hơn
Theo quan sát của Cheng, khách hàng đã thay đổi thói quen mua sắm trong những tháng gần đây. Thay vì mua kim cương, đá quý, họ lựa chọn phụ kiện vàng, bạc với giá thành rẻ hơn.
Điều đó khiến cô phải tiết chế chi tiêu của mình. Cụ thể, khi mua quần áo, Cheng sẽ đến Uniqlo chứ không ưu ái các sản phẩm của Lululemon, có giá đắt hơn khoảng gấp đôi, như trước.
Ngoài ra, chủ tiệm trang sức cũng hủy một chuyến du lịch đến Maui (4.000 USD) và chuyển sang tour trekking ở New Mexico với giá chỉ bằng một nửa.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu Morning Consult, 72% người tiêu dùng dự định tìm kiếm các chọn lựa thay thế ít tốn kém hơn trong mùa lễ này.
Với lạm phát ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ, người dân xứ cờ hoa đang học cách tiết kiệm nhiều nhất có thể.
Giờ đây, sự lao dốc của thị trường chứng khoán trong nhiều tháng liên tiếp cũng góp phần làm giảm mức độ giàu có của các hộ gia đình có thu nhập trung bình và cao. Đồng thời, điều này cũng kìm hãm sở thích mua sắm thả ga của họ.
Những người có thu nhập cao cũng phải siết chặt chi tiêu trong mùa lễ hội. Ảnh: CNBC.
Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF), doanh số bán lẻ trong tháng 11 và tháng 12, không bao gồm chi tiêu cho ô tô, xăng dầu và nhà hàng, dự kiến tăng từ 6% đến 8% so với một năm trước.
Bên cạnh đó, khi thị trường lao động phát triển mạnh, NRF dự đoán nhiều người sẽ sử dụng tiền tiết kiệm và thẻ tín dụng để đối phó với việc tăng giá.
Thomas Chauvet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về cổ phiếu hàng xa xỉ của Citi’s Europe, cho biết so với năm 2019, phân khúc người tiêu dùng cao cấp có nhiều sự khác biệt.
Sự suy thoái này là do giá trị giao dịch giảm, ngay cả nhóm khách giàu có cũng “thắt lưng buộc bụng”. Theo BofA Securities, những người kiếm được 50.000 USD đến 125.000 USD là nhóm giảm chi tiêu nhiều nhất.
Marc Metrick, giám đốc điều hành của Saks, nền tảng trực tuyến của thương hiệu Saks Fifth Avenue, cho biết khách hàng có thu nhập khoảng 100.000 USD vẫn giữ mức tiêu xài nhưng với tốc độ chậm hơn.
Hàng hiệu khó bán
Jean-Marc Duplaix, giám đốc tài chính tại công ty mẹ của Gucci, nhận xét sức mua đang giảm dần. Trong khi đó, đại diện của Tiffany & Co. (thuộc LVMH) cũng xác nhận sự suy thoái ảnh hưởng không nhỏ đến họ.
“Hoạt động kinh doanh ở Mỹ đã kém mạnh hơn một chút so với trước đây”, Jean-Jacques Guiony, giám đốc tài chính của LVMH, nói với các nhà phân tích vào đầu tháng 10.
Các CEO của Kering và LVMH đều nhận định nhiều người dân xứ cờ hoa đã chuyển túi tiền sang châu Âu do sức mạnh của đồng USD.
David Hampshere (55 tuổi, sống ở Freeport, Florida), hiện sở hữu một công ty đầu tư bất động sản, đã từ bỏ những chiếc áo sơ mi không cài cúc của Ralph Lauren.
“Với việc thị trường chứng khoán sụp đổ và lãi suất thế chấp tăng, tôi buộc phải cắt giảm chi phí của mình”, ông nói.
Ngoài ra, Hampshere đã trả lại một cặp tai nghe chống tiếng ồn trị giá 300 USD và tạm dùng lại đồ cũ.
Sức mua của mặt hàng xa xỉ đang giảm dần khi người dân ngại sắm đồ hiệu. Ảnh: New York Times.
Ông cũng dự định tặng bạn bè và gia đình thẻ quà tặng trị giá 30 USD vào mùa lễ năm nay thay vì những tấm thẻ 100 USD như năm trước.
Stacie Krajchir (54 tuổi), nhà báo sống ở Los Angeles, đã ngừng mua đồ lót của Natori và chuyển sang Target.
“Tôi không cần một chiếc áo ngực 110 USD. Một cái 12 USD là đủ tốt rồi”, Krajchir chia sẻ.
Brett Glickman, cựu giám đốc điều hành của Levi Strauss & Co., bắt đầu trưng bày những mặt hàng có giá thấp hơn ở vị trí dễ nhìn thấy khi chứng kiến sự thay đổi trong hành vi mua sắm của khách hàng.
Chẳng hạn, những chiếc váy ngủ lụa của Pháp trị giá 198 USD được lấy khỏi kệ hàng và thay thế bằng áo len 24 USD.
“Tôi đã phải chuyển khoảng 30% hàng tồn kho của mình sang mức giá rẻ hơn”, Glickman nói.