"Có thể bạn theo đuổi chủ nghĩa tối giản, nhưng với cây xanh trong không gian, mọi thứ sẽ trở nên cuốn hút và liên kết với nhau hơn", Elia Blank, CEO nhà bán lẻ cây trồng trong nhà The Sill, nói trên New York Times.
Năm 2021, Hiệp hội làm vườn Mỹ ước tính mức chi tiêu hộ gia đình dành cho cây trồng trong nhà tăng gần 50% kể từ năm 2016, đồng thời tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, việc trồng cây nội thất không phải lúc nào cũng dễ dàng như mong đợi.
Justina Blakeney, người sáng lập thương hiệu nội thất Jungalow (Mỹ), cho rằng bạn phải lựa chọn được loại cây phù hợp với không gian và khả năng chăm sóc của mình.
"Thực vật cũng là những sinh vật sống. Vì vậy, bạn cần phải dành tâm huyết để chăm sóc chúng phát triển", cô nói.
New York Times đưa ra những gợi ý giúp bạn có thể sử dụng cây xanh để trang trí căn nhà của mình một cách hiệu quả.
Hiểu bản thân và môi trường xung quanh
Một cây sung lá lớn trông ấn tượng trên tạp chí không có nghĩa chúng sẽ đẹp và phát triển được trong căn nhà của bạn.
Danae Horst, chủ cửa hàng cây trồng Folia Collective (Los Angeles, Mỹ), cho biết: "Việc đầu tiên, bạn cần đánh giá ánh sáng xung quanh. Đây là một khía cạnh rất quan trọng, thậm chí hơn cả việc tưới nước hoặc bón phân. Ánh sáng đối với thực vật như thể thức ăn đối với con người".
Cô gợi ý cửa sổ hướng Nam chính là nơi có nhiều ánh nắng mặt trời nhất so với các hướng còn lại, phù hợp để trồng các loại xương rồng cần ít nước.
Hướng Đông và Tây dễ dàng phù hợp với các loại cây nhiệt đới bởi có ánh sáng nhẹ hơn. Còn nếu cửa sổ của bạn ở hướng Bắc, nhận được ít ánh sáng, hãy chọn các loại cây nhỏ như kim tiền hoặc lưỡi hổ.
Ngoài ra, bạn nên trồng loại cây phù hợp với bản thân và thói quen của mình. Liệu bạn có thể dành thời gian tưới cây mỗi ngày? Bạn có hay đi công tác, du lịch triền miên? Hay bạn có tỉ mỉ bón phân cho cây theo định kỳ?
Bạn có cách sống ra sao không quan trọng. Điều cần thiết là bạn lựa chọn được loại cây phù hợp với mình. Đó có thể là loại cây chỉ cần tưới một lần mỗi tuần, không cần nhiều phân bón...
Ấn tượng ban đầu
Hilton Carter, nhà thiết kế nội thất và cây trồng tại Baltimore (Mỹ), cho biết: "Khi phủ xanh không gian của mình, hãy bắt đầu với loại cây mà bạn ấn tượng nhiều nhất. Nó sẽ khiến bạn cảm thấy hào hứng hơn với việc trồng cây".
Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng "ấn tượng đầu tiên của bạn" không ảnh hưởng tới không gian và nội thất xung quanh. Nếu căn phòng nhỏ, hẹp, bạn không nên đặt một chậu cây lớn, tán xòe ở giữa phòng.
Tương tự, các chậu cây dây leo lá rủ không nên treo tại phòng bếp, tránh lá rụng xuống bếp hoặc bồn rửa.
Kết hợp nhiều loại cây
Thay vì bài trí rải rác các chậu riêng lẻ, hãy xếp chúng thành cụm, ví dụ 3 hoặc 5 chậu, để khiến bộ sưu tập cây xanh của bạn trở nên bắt mắt hơn.
Những cụm cây xanh này không cần đồng bộ nhau. Chính sự chênh lệch về màu sắc, chiều cao và kiểu lá sẽ tạo ra "khu vườn" đẹp mắt trong không gian sống.
Elia Blank nhận định: "Một loại lá có họa tiết và dáng thẳng, ví dụ như cây lưỡi hổ, có thể kết hợp cùng các loại cây lá to mềm mại. Và bạn có thể bổ sung một chút màu sắc với hồng môn xung quanh".
Sắp xếp thông minh
Thay vì chỉ đặt chậu cây dưới đất, bạn có thể treo chúng lên tường, tạo ra bức tường cây xanh ấn tượng.
Ngoài ra, bạn cũng nên sắp xếp các chậu cây ở độ cao khác nhau, ví dụ vài cây đặt dưới đất và vài cây khác đặt trên bàn, kệ. Điều này sẽ khiến màu xanh thiên nhiên bao phủ không gian tốt hơn, giúp căn nhà của bạn trở nên mềm mại.
Chậu cây đa dạng
Các loại chậu cây cũng có vai trò rất quan trọng. Theo chuyên gia, sẽ thật lộn xộn nếu bạn sử dụng một dàn chậu có quá nhiều màu sắc, nhưng điều này không có nghĩa tất cả phải đồng nhất với nhau.
Theo đó, bạn có thể chọn chậu gốm sứ thủ công với nhiều họa tiết kết hợp với những chiếc giỏ đan cổ điển.
Lưu ý: Bạn không nhất thiết phải thay toàn bộ chậu cho cây. Nhiều người vẫn trồng cây trong chậu nhựa từ vườn ươm bởi loại chậu này có lỗ thoát nước lớn và có thể dễ dàng di chuyển cây đến bồn rửa để tưới nước.
Bạn có thể đặt những chậu này vào các bình gốm, giỏ đan để trang trí cho không gian của mình, thay đổi liên tục nhằm tạo sự đổi mới.