Nội dung chính:
- Dự báo triển vọng nửa đầu năm 2023 của các ngân hàng sẽ không tích cực bằng nửa đầu năm 2022, dựa trên 3 khía cạnh: kinh doanh, dịch vụ và đầu tư.
- Các ngân hàng cho vay kỳ hạn dài ở các lĩnh vực như bất động sản, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản khi thị trường khó khăn.
- Vốn hóa các ngân hàng niêm yết giảm gần 25% trong năm 2022 chủ yếu do chu kỳ đi xuống của thị trường tài chính.
Tối 8/1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất để nền kinh tế “hạ cánh mềm”.
Câu chuyện của năm 2023 vẫn là kiểm soát lạm phát. Ông Long chia sẻ: “Tôi không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất, ít nhất là 6 tháng đầu năm 2023”, trừ khi kinh tế toàn cầu xảy ra biến cố quá lớn buộc các ngân hàng trung ương lớn kéo dài đà tăng lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất điều hành, đồng nghĩa với việc sẽ có biện pháp giảm lãi suất huy động, từ đó hạ thấp mặt bằng lãi suất cho vay.
Ông Long cũng cho rằng năm 2023 sẽ không xảy ra khủng hoảng kinh tế như một số nhà đầu tư lo ngại. “Chúng ta không nên kỳ vọng những điều quá tệ” - ông Long nói.
Triển vọng ngành ngân hàng năm 2023
Nhận định về triển vọng ngành ngân hàng năm 2023, ông Long xem xét trên 3 góc độ:
Góc độ 1: hoạt động kinh doanh. Năm 2023 tiếp tục chịu sức ép lạm phát, tỷ giá và lãi suất, trong khi ngân hàng là ngành nhạy cảm với các biến số vĩ mô trên thị trường.
Góc độ 2: dịch vụ. Do vấn đề về thanh khoản, thu nhập lãi thuần sụt giảm, ngân hàng phải “hy sinh” các khoản phí dịch vụ. Đầu năm 2022, một số ngân hàng đã tiến hành tăng phí dịch vụ nhưng sau đó lại giảm phí để thu hút nguồn tiền từ mảng này. Diễn biến tương tự có thể tiếp tục xảy ra trong năm 2023.
Góc độ 3: hoạt động đầu tư. Phần lớn danh mục đầu tư của ngân hàng là trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá ảm đạm do những diễn biến bất lợi từ vụ việc của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,... ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Xét về triển vọng kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng, ông Long dự đoán kết quả nửa đầu năm nay sẽ không thể bằng nửa đầu năm 2022 do ảnh hưởng từ những yếu tố trên.
Theo ông Long, hệ thống ngân hàng sẽ có tính phân hóa lớn trong năm 2023. Ngân hàng quản trị rủi ro tốt, khẩu vị rủi ro phù hợp với định hướng thị trường, ở mức thận trọng, sẽ giữ vững hiệu quả hoạt động. Ngược lại, ngân hàng hướng đến hoạt động rủi ro cao sẽ chịu tác động lớn khi thị trường tài chính chưa phục hồi mạnh mẽ.
Rủi ro thanh khoản luôn tiềm ẩn
Hiện nay, phần lớn ngân hàng Việt Nam huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn, dẫn đến hình thành“khe hở kỳ hạn” - hiện tượng các khoản thanh toán của người vay không kịp để hoàn trả tiền gửi cho các khoản tiền gửi đến hạn. Nếu khe hở này quá lớn, rủi ro thanh khoản sẽ gia tăng.
Một trong những biện pháp giải quyết vấn đề thanh khoản của ngân hàng là tăng lãi suất để hút tiền gửi. Tuy nhiên, khi cuộc đua lãi suất kéo dài, biên lãi thuần sẽ thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng. Khi lãi suất huy động tăng cao, lãi suất cho vay cũng chịu áp lực gia tăng nhưng trễ hơn.
Nhờ động thái kìm hãm cuộc đua lãi suất của Ngân hàng Nhà nước hồi cuối năm 2022 vừa qua, mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng đã dần bình ổn.
Nhưng thực tế, không phải ngân hàng nào cũng tham gia vào cuộc đua lãi suất.
Ông Long nhận định ngân hàng nào kiểm soát tài sản, cấu trúc tài chính và quản trị rủi ro tốt, không bị lệ thuộc vào cho vay các lĩnh vực “nóng” như chứng khoán, bất động sản, vẫn đảm bảo lợi nhuận kinh doanh tốt trong 2 quý đầu năm 2023. Thế nhưng, số lượng ngân hàng như vậy tại Việt Nam là rất ít.
“Ngân hàng nào cho vay kỳ hạn dài ở các lĩnh vực rủi ro, thanh khoản khó như bất động sản, chắc chắn cũng gặp vấn đề về thanh khoản” - ông Long cho biết.
Hiện nay, dư nợ cho vay và dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản tại các ngân hàng là khá lớn. Riêng quý I/2023, hơn 17.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn. Theo ông Long, cần theo dõi khả năng huy động vốn, giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường bất động sản, từ đó mới xác định được mức độ rủi ro, tác động đến thị trường tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng.
Vốn hóa ngân hàng niêm yết giảm gần 25% trong năm 2022
Ông Long nhận định ngành ngân hàng năm 2022 chịu ảnh hưởng bởi xu hướng suy giảm của thị trường tài chính, trong khi cổ phiếu ngành ngân hàng có tính chu kỳ dẫn đến việc vốn hóa ngân hàng niêm yết giảm gần 25%. Theo ông Long, một cổ phiếu ngân hàng bất kỳ đều chịu ảnh hưởng bởi 2 yếu tố:
Thứ nhất, thị trường chung suy giảm khiến những ngành dẫn dắt thị trường như ngành ngân hàng cũng sụt giảm.
Thứ hai, năm 2022, thế giới thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngành ngân hàng. Điều đó chiết khấu vào giá cổ phiếu nên giá cổ phiếu ngân hàng đi xuống là “điều bình thường”.
Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Triển vọng ngành Ngân Hàng năm 2023. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây