Tại một thị trấn ven biển phía đông bắc Nhật Bản, các công nhân nhà máy đang tháo dỡ từng chiếc pin xe điện cũ để chúng có một “cuộc đời thứ hai”. Quá trình tái sử dụng này giúp ngành công nghiệp ô tô thực hiện đúng lời hứa tạo ra một công cuộc chuyển đổi xanh thực sự, song nhiều năm qua vẫn tồn tại mà không hề có lãi.
Những mẫu xe điện đầu tiên của Nissan, được bày bán cách đây gần 13 năm, bắt đầu hết tuổi thọ. Pin của chúng sẽ được thu thập tại các đại lý của Nissan tại Mỹ và Nhật Bản, sau đó gửi đến nhà máy ở Namie, Fukushima để xử lý. Tại đây, các kỹ sư được điều hành bởi 4R Energy - liên doanh của Nissan với công ty thương mại Sumitomo - sẽ dành hàng giờ xử lý pin trước khi chúng được tái sử dụng cho xe điện hay một thiết bị nào đó khác, chẳng hạn như máy phát điện dự phòng.
Việc thu thập và tái sử dụng pin xe điện giúp pin không bị vứt bỏ ngoài các bãi chôn lấp và giải phóng chất độc hại. Nó cũng giúp ngành công nghiệp EV giảm sự phụ thuộc vào việc khai thác các nguyên liệu hiếm đắt đỏ, chẳng hạn như lithium và coban, đồng thời cắt giảm lượng khí thải carbon liên quan đến việc sản xuất pin xe điện.
Dự án được kỳ vọng giúp Nissan hoàn thành mục tiêu làm cho xe điện trở nên bền vững và phổ biến, vậy nên lợi nhuận chưa bao giờ là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Dẫu vậy, 4R hy vọng rằng theo thời gian, mảng kinh doanh này sẽ sớm có lãi và sinh lời.
Thoạt nhìn, nhà máy trông không được tân tiến cho lắm. Hầu hết công việc được thực hiện thủ công bằng tay bởi một dây chuyền 9 người, chủ yếu là các kỹ sư địa phương.
Theo nhà phân tích Tatsuo Yoshida của Bloomberg Intelligence, pin EV được tái sử dụng có giá chỉ bằng một nửa so với pin mới. Điều khiến Nissan trở nên khác biệt là 4R đang tập trung tái sử dụng pin thay vì tái chế. Việc tái sử dụng chỉ đòi hỏi công ty thay thế các bộ phận pin xuống cấp để kéo dài tuổi thọ, trong khi quá trình tái chế buộc Nissan phải sản xuất một chiếc pin mới hoàn toàn.
Tại nhà máy, công nhân ban đầu cắt nhỏ pin để đánh giá tình trạng chung thông qua một công đoạn có tên “xông hơi khô”, tức liên tục cho pin tiếp xúc với nhiệt độ cực cao và cực thấp. Dữ liệu thu thập được, cùng các thông tin cơ bản về chủ sở hữu trước đó, sẽ phác hoạ chi tiết cách pin xe điện xuống cấp theo thời gian, từ đó tạo nền tảng cho những cải tiến mới.
Theo các chuyên gia, cách 4R tái sử dụng pin hoàn toàn trái ngược với phương pháp tái chế đang được các nhà sản xuất ô tô như Tesla và BYD áp dụng. Cả hai phương pháp đều giúp pin cũ tránh bị đưa vào các bãi phế liệu, song quá trình thử nghiệm rộng rãi của 4R Energy cho phép công ty tận dụng được nhiều hơn những gì còn lại của một chiếc pin. Dẫu vậy, do phải thu thập dữ liệu, quá trình này sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
Theo chuyên gia phân tích Colin McKerracher của BloombergNEF, quy trình tái chế pin có thể dễ dàng mở rộng khi khối lượng tăng lên. “Việc tái sử dụng pin tốn nhiều thời gian hơn so với tái chế, nhưng lại giúp công ty chúng tôi tái sử dụng nhiều vật liệu làm pin hơn”.
4R không tiết lộ báo cáo tài chính chi tiết, ;chỉ biết quy mô nhà máy lớn hơn sẽ giúp họ có được lợi nhuận. Được biết, lượng pin tiêu thụ của 4R tăng gấp đôi hàng năm kể từ năm 2018 và hiện công ty có thể sản xuất được “hàng nghìn cục pin” mỗi năm. Tuy nhiên, ngay cả với mức tăng trưởng như vậy, vẫn chưa rõ liệu 4R có đạt được quy mô cần thiết để có lãi.
Dòng xe Leaf của Nissan chỉ bán được 646.000 chiếc kể từ khi bắt đầu sản xuất vào năm 2010. Người dùng có ý thức bảo vệ môi trường đã sớm chuyển sang xe lai hybrid của Toyota hay các mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện của Tesla.
“Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản cần phải bắt kịp”, Masato Inoue, cựu Giám đốc điều hành Nissan hiện đang giảng dạy tại Istituto Europeo di Design ở Turin, Italy, cho biết. “Có thể mọi thứ đã quá muộn”.
4R Energy hiện chỉ xử lý pin dòng xe Leaf cũ, tuy nhiên đang lên kế hoạch mở rộng sang Sakura - một mẫu xe điện mới phổ biến ở Nhật Bản.
Tooru Futami, một nhân viên đang làm việc tại 4R Energy, cho biết pin EV ngày nay có phạm vi hoạt động tốt hơn, tuổi thọ dài hơn và vì vậy, giảm lợi thế của những chiếc pin cũ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, theo thời gian, người đàn ông này tin rằng khoảng cách sẽ sớm thu hẹp lại.
Theo các chuyên gia, việc những chiếc EV đời đầu sắp hết hạn sử dụng đồng nghĩa với việc lĩnh vực tái chế và tân trang pin mới chuẩn bị nở rộ. Doanh số bán xe điện tăng đột biến gần đây cũng có thể là một trong những yếu tố hậu thuẫn.
Theo Bloomberg, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vẫn đang bị bỏ lại khá xa so với Tesla và một số hãng khác. Việc các nhà sản xuất Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng pin EV, từ khai thác, lắp ráp đến tái chế, sẽ khiến 4R Energy áp lực.
“4R đang dẫn đầu ở Nhật Bản, nhưng có rất nhiều công ty tương tự như vậy ở Trung Quốc. Vấn đề bây giờ không phải lợi nhuận. Đó là nỗ lực cắt giảm chi phí để chuẩn bị cho sự tăng trưởng trong tương lai”, Hideki Kidohshi, chuyên gia cấp cao về năng lượng và giao thông vận tải tại Viện nghiên cứu Nhật Bản cho biết.
Được biết, ngay cả khi giá xăng tăng cao, trong khi các ưu đãi của chính phủ thúc đẩy nhu cầu đối với xe điện, người tiêu dùng vẫn không thực sự bị thu hút bởi các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản, trong đó có Nissan. Xe của họ đôi khi còn gặp lỗi kỹ thuật và phải tạm dừng bán.
“Nissan đã đánh mất lợi thế của người đi đầu. Có thể các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong việc bắt kịp đối thủ, trong đó nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc. Thông báo đầu tư cho điện khí hóa bây giờ là quá ít và quá muộn”, cựu Chủ tịch Nissan nói.
Theo: Bloomberg