Nếu định nghĩa “du lịch ăn xin” (begpacking) là việc một người du lịch bên ngoài nơi cư trú của họ bằng cách sử dụng tiền kiếm được thông qua việc ăn xin (ví dụ như do người khác quyên góp), điều đó dẫn đến việc nền kinh tế của một địa điểm du lịch nhất định bị khai thác bởi những khách du lịch không có, và cũng không sẵn sàng chi trả phần tiền riêng dành cho việc đi du lịch.
Đây không phải là một thuật ngữ mới mà có nguồn gốc từ các cuộc hành hương thời Trung cổ. Theo đó, từ này vốn để chỉ những người hành hương đến một thánh địa bằng cách dựa vào lòng tốt của người khác.
Những "begpacker" hiện đại lại không giống như vậy. Nhóm khách này đi du lịch hoàn toàn vì mục đích giải trí cá nhân và thường có phần tiền cho chuyến đi. Tuy nhiên, họ không sử dụng khoản tiền đó mà lại thích xin tiền người khác để phục vụ nhu cầu du lịch của mình.
Những du khách bất hợp pháp
Gần đây, khách du lịch ăn xin xuất hiện nhiều hơn ở các nước đang phát triển trong khu vực châu Á như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam.
Với tư cách là một học giả và một nhà giáo dục trong ngành du lịch, cũng như một du khách, tôi nhận thấy hành vi này cần được lên án bởi đây là một cách du lịch vô trách nhiệm.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), khách du lịch là người đi đến một điểm đến bên ngoài môi trường thông thường của họ, ví dụ một quốc gia khác, trong ít nhất một đêm và dưới một năm để phục vụ cho các mục đích khác ngoài hoạt động được trả công.
Hầu hết begpacker đều sử dụng visa du lịch khi nhập cảnh nước sở tại nên không được phép lao động. Xét theo những yếu tố đó, trên lý thuyết và trong các thống kê chính thức, nhóm du khách ăn xin vẫn được tính là khách du lịch.
Tuy nhiên, về mặt đạo đức, tôi không đồng tình với quan điểm trên. Giá trị cốt lõi của du lịch là sự hiểu biết và tôn trọng văn hóa lẫn nhau. Hành vi xin tiền của các du khách trên không đề cao được những giá trị đó mà còn lợi dụng điểm đến, người dân địa phương và các khách du lịch hợp pháp khác.
Thậm chí, sự hiện diện của du khách ăn xin ở các địa điểm du lịch còn có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến cảm nhận của những khách du lịch khác về điểm đến đó.
Nguyên nhân đến từ nhiều phía
Việc gia tăng số lượng du khách phương Tây đến châu Á để du lịch ăn xin không chỉ xuất phát từ quan điểm cá nhân mà còn từ góc nhìn về hình ảnh điểm đến.
Có một vài lý do khiến ngày càng nhiều du khách phương Tây trở thành begpacker:
Lý do đầu tiên là mong muốn được du lịch trở lại sau đại dịch. Ngoài ra, việc các quốc gia phương Tây dỡ bỏ các hạn chế cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các du khách.
Thứ hai, trong mắt của một số du khách phương Tây, đặc biệt là nhóm khách du lịch bụi (backpacker), các quốc gia ở khu vực châu Á khá phổ biến và được xem là điểm đến tiết kiệm, phù hợp với chi phí của họ.
Thứ ba, thế giới và phương tiện truyền thông đại chúng đang định hình du lịch là một hoạt động thiết yếu trong cuộc sống hơn là một thứ xa xỉ.
Tuy nhiên, với nhiều người, du lịch vẫn là một điều xa xỉ. Chính vì vậy, một số cá nhân không có điều kiện tài chính sẽ sử dụng các hành vi như du lịch ăn xin để trang trải chi phí cho các chuyến đi.
Các nước châu Á được xem là mảnh đất màu mỡ của begpacker với nhiều lý do:
Thứ nhất, chi phí sinh hoạt ở hầu hết điểm du lịch châu Á tương đối thấp so với quê hương hoặc quốc gia xuất xứ của du khách ăn xin. Nhờ vào số tiền xin được của người dân địa phương hoặc du khách hợp pháp, họ hoàn toàn có thể đi đến rất nhiều các quốc gia trong khu vực.
Thứ hai, việc thực thi pháp luật đối với người phương Tây nói chung và khách du lịch nói riêng tại các nước này còn hạn chế.
Thứ ba là bản chất tốt bụng của người châu Á. Thực tế, trong một số trường hợp, những du khách phương Tây, người da trắng, vẫn đem đến sự tò mò hoặc gợi cho người dân địa phương cảm giác họ đẳng cấp hơn.
Cuối cùng là sự gia tăng về mức độ phổ biến của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội dành riêng cho “du lịch bụi”. Họ là những người tạo ra và lan truyền các video quảng bá du lịch với chi phí thấp nhất có thể.
Du lịch ăn xin chính là một ví dụ cực đoan về điều đó. Nhiều begpacker không ngần ngại chia sẻ về trải nghiệm xin tiền của họ. Vô tình, hành vi này ngày càng được lan rộng và trở nên phổ biến hơn.
Chính sách visa không phải là kẽ hở
Một số quốc gia phát triển từng xâm lược hoặc áp bức các nước châu Á bằng khai thác tài nguyên mà không trả lại lợi ích gì. Begpacker cũng như vậy, họ lợi dụng vị thế của mình để xin tài trợ cho chuyến đi và không để lại gì hoặc để lại rất ít cho điểm đến.
Du lịch ăn xin như một hình thức của chủ nghĩa thực dân mới.
Tôi đánh giá Việt Nam có một trong những quốc gia có chính sách visa du lịch nghiêm ngặt nhất Đông Nam Á. Theo tôi, nếu so sánh với các điểm đến khác, đây hoàn toàn không phải một kẽ hở để du khách ăn xin lợi dụng cho hành vi của mình.
Gần đây, chính sách visa của Việt Nam đã có những thay đổi tích cực. Sự thay đổi này cho phép nhiều khách du lịch hợp pháp đến Việt Nam và lưu trú lâu hơn, thúc đẩy doanh thu du lịch.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nên có những chính sách cụ thể hơn để chống lại hành vi du lịch ăn xin ở Việt Nam. Điều này đã được thực hiện tại một số quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia...
Chúng ta hoàn toàn có thể yêu cầu họ chứng minh tài chính của mình trước khi cấp visa và sẵn sàng từ chối nếu có dấu hiệu là begpacker. Đồng thời, Việt Nam có thể hợp tác với các Đại sứ quán nước ngoài và chính quyền địa phương để thực thi nghiêm ngặt các quy tắc và quy định liên quan đến việc du khách xin tiền.