Nội dung chính:
- Đánh giá chỉ số lạm phát cần so sánh với tương quan tăng trưởng GDP thực tế, không phải lạm phát là xấu, giảm phát là tốt.
- Các yếu tố cấu thành và tỷ trọng giỏ hàng hoá vô tình khiến người dân cảm nhận khác biệt về lạm phát so với số liệu từ Tổng cục Thống kê.
- Nền kinh tế Hoa Kỳ được dự báo có thể suy thoái nhẹ vào năm 2023.
Trong chương trình Đi theo dòng tiền do trang Tài chính và Kinh doanh (AFA Research & Education) tổ chức ngày 04/01 với chủ đề Lạm phát năm 2023, ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital kiêm nhà sáng lập TOPI - đã chia sẻ góc nhìn xung quanh vấn đề lạm phát tại Việt Nam và thế giới.
Nhận định về mục tiêu lạm phát năm 2023, ông Tuấn chia sẻ: “Người Việt có suy nghĩ khá thông thường rằng giảm phát là tốt, lạm phát là xấu. Tuy nhiên, quan trọng là phải so sánh lạm phát với tỷ lệ GDP thực. Lạm phát nhưng tỷ lệ GDP vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát, chứng tỏ đường năng suất về dài hạn vẫn theo chiều hướng đi lên.”
Với mục tiêu tăng trưởng GDP thực khoảng 6% và mục tiêu lạm phát 4,5% năm 2023, ông Tuấn nhận định nhà nước đang ưu tiên cho tăng trưởng. Nhờ đó, các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ nền kinh tế, việc đặt mục tiêu như trên hoàn toàn hợp lý.
Bàn về vấn đề đầu tư trong bối cảnh hiện nay, ông Tuấn cho rằng nhà không cần quá e ngại với tỷ lệ lạm phát từ 4% - 4,5%. Thay vào đó, nên xem xét lãi suất, đặc biệt là chính sách tiền tệ - yếu tố ảnh hưởng đến môi trường chung của sản phẩm đầu tư.
Hiện nay, khi lãi suất huy động tăng cao, người dân có xu hướng gửi tiết kiệm và tiếp tục quan sát số liệu kinh tế vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng GDP quý I/2023, chính sách tiền tệ để quyết định việc đầu tư cho cả năm.
“Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế lớn với kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 700 tỷ USD. Việc xuất nhập khẩu của nước ta phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI… Khi lạm phát tại các nước tăng cao dẫn đến giá nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng theo, dẫn đến giá cả các mặt hàng sản xuất trong nước cũng gia tăng.”
Theo quan điểm của ông Tuấn, việc nhập khẩu lạm phát (hiện tượng giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ) là có nhưng không chiếm tỷ lệ cao bằng những yếu tố đầu vào của nền kinh tế như xăng, dầu.
Nguyên nhân khiến người dân cảm nhận về lạm phát khác với số liệu công bố
Đứng trước ý kiến “Lạm phát năm 2022 đạt 3,15%, nhưng rõ ràng cảm giác về lạm phát của người dân rất khác con số Tổng cục thống kê đưa ra, họ thấy giá cả tăng rất nhanh”, ông Tuấn chỉ ra có 2 cách đo lường mức giá cả của một nền kinh tế.
Thứ nhất, người dân có thể tham gia mua bán để đo lường trực tiếp giá cả hàng hoá. Tuy nhiên, phương pháp này không tối ưu vì gây tốn kém thời gian và nguồn lực.
Thứ hai, tính toán dựa trên mức tăng giá của giỏ hàng hóa, hay còn gọi là chỉ số giá. Theo đó, giỏ hàng hóa sẽ bao gồm một số lượng mặt hàng nhất định, được giữ nguyên trong một thời kỳ.
Tại Việt Nam, tỷ lệ lạm phát được đo lường dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI), phản ánh chênh lệch chỉ số giá của giỏ hàng hoá qua các năm. Để nhận định đúng về lạm phát, cần phân biệt giữa mức tăng giá, giỏ hàng hoá, chỉ số giá, sau đó mới đến tỷ lệ lạm phát.
Ông Tuấn chia sẻ nếu người dân cảm thấy CPI phản ánh không đúng thực tế là do 2 nguyên nhân.
Đầu tiên, giỏ hàng hóa sẽ được thay đổi 5 năm một lần theo mức sống của người dân. Giai đoạn 1995 - 2000 chỉ có 296 mặt hàng trong giỏ hàng hoá, nhưng đến năm 2020 - 2025 đã có đến 754 mặt hàng. Việc mặt hàng được một người dân chi tiêu có thể chỉ chiếm trọng số nhỏ trong giỏ hàng hoá của người tiêu dùng thông thường.
Thứ hai, một mặt hàng chiếm tỷ trọng nhỏ trong giỏ hàng hoá có mức tăng giá cao, trong khi mặt hàng có tỷ trọng lớn hơn lại giữ nguyên giá thành hoặc giảm giá. Trong cơ cấu giỏ hàng hoá, lương thực chiếm đến 34%, xếp sau là nhà ở - vật liệu xây dựng và giao thông. Đáng chú ý, tỷ trọng của giao thông tác động đến CPI ngày càng lớn.
Theo ông Tuấn, trong năm 2022, giá thịt heo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số giá lương thực nhưng không có sự tăng trưởng lớn. Tương tự, giá thép cũng không quá cao. Mặc dù giá xăng - một thành phần quan trọng trong giỏ hàng hóa - tăng mạnh nửa đầu năm, nhưng giá thành đã dần bình ổn sau khi Chính phủ đã đưa ra các khoản trợ cấp, giảm thuế.
Vì thế, người dân nên nhìn tổng thể bức tranh nền kinh tế để xác định đúng mức tăng CPI, thay vì bóc tách giá cả của các mặt hàng riêng lẻ như thịt, cá,... để xác định tỷ lệ lạm phát. Đây chính là lý do khiến nhiều người cảm thấy có sự khác biệt giữa cảm giác lạm phát thực tế và chỉ số lạm phát do Tổng cục Thống kê công bố.
Kinh tế Hoa Kỳ có thể suy thoái nhẹ
Ông Tuấn cho biết CPI là chỉ số chỉ báo muộn, xác định lại những vấn đề tồn tại trong nền kinh tế. Diễn biến CPI tại Mỹ sẽ tác động đến chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của Chính phủ nước này.
Dựa trên các chỉ số của nền kinh tế, ông Tuấn dự báo kinh tế Hoa Kỳ có thể suy thoái nhẹ vào năm 2023, với tốc độ tăng lãi suất quyết liệt trong năm qua, lạm phát tại xứ cờ hoa đã có dấu hiệu bị đầy lùi.
Ông Tuấn kỳ vọng năm 2023 sẽ không có cú sốc nào về giá dầu hay “thiên nga đen” căng thẳng địa chính trị để Mỹ có thể kiểm soát được lạm phát. Từ đó, chính sách tiền tệ được nới lỏng, tác động ngược lại đến nước ta vì Mỹ là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư vào Việt Nam rất lớn.
Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.