Trong bối cảnh áp lực lạm phát chưa có dấu hiệu hạn nhiệt, các nhà kinh tế dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lên mức 2,25-2.5%. Động thái này đánh dấu nhịp độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất của cơ quan này kể từ đầu năm 1981.
Dưới đây là 4 điều mà các nhà phân tích và giới đầu tư sẽ nghe ngóng sau cuộc họp diễn ra trong hai ngày 26 và 27/7, và phát biểu của Chủ dịch Fed Jerome Powell tại họp báo sau đó, theo MarketWatch.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Getty Images
Điều gì sẽ xảy ra tại cuộc họp chính sách tháng 9
Các bên tham gia thị trường đã bắt đầu tranh luận về việc Fed có thể sẽ tăng lãi suất bao nhiêu tại cuộc họp vào tháng 9 tới, sẽ là một bước nhảy 0,5 điểm phần trăm hay thêm tiếp tục là 0,75 điểm phần trăm.
Một câu hỏi nữa là liệu ông Powell có phát đi tín hiệu rõ ràng về bước nhảy sắp tới hay không – điều mà ông đã làm tại hai buổi họp báo sau cuộc họp chính sách trước đó.
Các nhà kinh tế tại Deutsche Bank dự báo Chủ tịch Fed sẽ có hành động tương tự. Tuy nhiên, nhiều người lại dự báo ngược lại. Họ lập luận rằng, cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 21/9, cách đây hai tháng. Trước lúc đó sẽ có hai báo cáo về lạm phát giá tiêu dùng và hai báo cáo về việc làm. Vì vậy, nhiều khả năng ông Powell sẽ chưa phát tín hiệu về bước nhảy lãi suất sắp tới.
Hiện tại, lạm phát “nóng” được cho là sẽ khiến Fed tiếp tục tăng lãi suất. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ đã tăng 9,1%. Đây là mức cao nhất của lạm phát ở Mỹ trong hơn 40 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 8,6% ghi nhận trong tháng 5.
“Chúng tôi vẫn chưa thấy CPI lõi giảm”, Jim Caron, giám đốc chiến lược vĩ mô tại Morgan Stanley Investment Management, cho biết. “Với tôi, nếu đây là ngưỡng lớn với Fed thì họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh. Chủ tịch Fed có thể phát đi thông điệp này.
Không tính giá lương thực-thực phẩm và giá năng lượng, CPI lõi ở Mỹ trong tháng 6 tăng 0,7% so với tháng 5 và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chấm dứt việc tăng lãi suất siêu mạnh?
Vẫn liên quan tới cuộc họp tháng 9, thị trường đang quan sát thận trọng để xem liệu ông Powell có xác nhận rằng Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt chính sách vào tháng 9 do lo ngại về suy thoái kinh tế hay không. Giới quan sát lưu ý rằng Chủ tịch Fed trước đó từng nói ông cho rằng việc tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm là bất thường.
Tuy nhiên, việc đảo chiều chính sách là điều tương đối nan giải. Theo đánh giá của ông Tim Duy, nhà kinh tế trưởng tại SGH Macro Advisors, Fed không muốn có động thái cho thấy cơ quan này có vẻ đang giảm thắt chặt chính sách tiền tệ, bởi điều này có thể vô tình kích hoạt việc nới lỏng không mong muốn các điều kiện tài chính.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 3% từ mức gần 3,5% vào thời điểm cuộc họp chính sách trước của Fed. Do đó, nhà kinh tế trưởng Ellen Zentner tại Morgan Stanley nhận định ông Powell sẽ “phát đi thông điệp khiến thị trường phải đoán xem liệu động thái tiếp theo sẽ là xuống mức tăng 0,5 điểm phần trăm hay là tiếp tục tăng đều 0,75 điểm phần trăm”.
Liệu sẽ xảy ra suy thoái?
Nhà kinh tế Michael Gapen tại Bank of America Securities dự báo ông Powell sẽ nói rằng kịch bả cơ bản của Fed vẫn là “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế. Nếu bị thúc ép, Chủ tịch Fed sẽ thừa nhận rằng sự suy thoái có thể xảy ra và không loại trừ khả năng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh hơn.
“Sẽ có một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm nay, dựa trên việc Fed nói cơ quan này tin rằng chống lạm phát là nhiệm vụ số một của mình”, ông nói.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Greg Daco tại EY Parthenon nói ông cảm thấy rằng các nhà hoạch định chính sách nhận ra “không có lối thoát dễ dàng” trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
“Giảm lạm phát đồng thời duy trì một thị trường lao động vững chắc sẽ là rất khó, nếu không muốn nói là không thể”, ông Daco nói trong một báo cáo và dự báo suy thoái sẽ xảy ra vào mùa thu tới.
FED sẽ phải đi xa hơn tới đâu?
Theo nhà kinh tế trưởng Scott Anderson của Bank of the West, Fed sẽ vẫn phải tiếp tục thắt chặt chính sách cho tới khi sự suy yếu của nền kinh tế trở nên rõ ràng hơn trong dữ liệu về việc làm hoặc lạm phát.
“Việc này giống như một trong những bộ phim kinh dị, khi mà âm thanh rùng rợn phát lên nhưng nhân vật vẫn tiếp tục bước vào ngôi nhà bỏ hoang. Bạn biết việc này sẽ không kết thúc tốt đẹp dù chưa chắc chắn điều gì sắp xảy ra”, ông Anderson viết trong một báo cáo gửi khách hàng.