Cha của Gates là một luật sư giàu có ở Seattle, và mẹ ông là con gái một chủ nhà băng phát đạt. Từ khi còn là một đứa trẻ, Bill đã sớm tinh khôn và nhanh chóng thấy chán ngán việc học hành. Vậy nên cha mẹ đã chuyển ông ra khỏi trường công và, vào đầu năm lớp bảy, gửi ông đến Lakeside, một trường tư dành riêng cho các gia đình danh giá ở Seattle. Vào khoảng năm học thứ hai của Gates tại Lakeside, nhà trường bắt đầu mở một câu lạc bộ máy tính.
“Câu lạc bộ Các bà mẹ của trường tổ chức dịp bán đồ giảm giá hàng năm, và luôn lơ lửng một câu hỏi rằng khoản tiền ấy sẽ đi về đâu”, Gates nhớ lại. “Một ít đổ vào chương trình mùa hè, nơi những đứa trẻ nội thành sẽ tề tựu tham gia trong khuôn viên trường học. Một ít sẽ rơi vào túi các giáo viên. Năm ấy, họ chi 3.000 đôla cho một bộ thiết bị đầu cuối máy tính ở căn phòng nho nhỏ vui vẻ này mà sau đó chúng tôi được kiểm soát. Đó thật là một thứ hay ho”.
Đó là một “thứ hay ho”, tất nhiên rồi, bởi vì hồi ấy là năm 1968. Vào những năm 1960, hầu hết các trường đại học còn chưa có được những câu lạc bộ máy tính. Điều đáng chú ý hơn nữa chính là loại máy tính mà Lakeside mua về. Trường này không để học sinh học lập trình bằng hệ thống thẻ máy tính nặng nề, như hầu hết mọi người đều làm hồi những năm 1960.
Thay vào đó, Lakeside cài đặt cái được gọi là ASR-33 Teletype, một bộ thiết bị đầu cuối sử dụng đồng thời, kết nối trực tiếp đến một máy tính trung tâm ở khu trung tâm mua sắm Seattle. “Toàn bộ ý tưởng về sử dụng đồng thời chỉ được phát kiến hồi năm 1965”, Gates tiếp tục. “Ai đó đã thực sự biết nhìn về tương lai”.
Bill Joy có được một cơ hội phi thường, sớm sủa để học lập trình trên hệ thống sử dụng đồng thời khi còn là sinh viên năm nhất trường đại học, năm 1971. Bill Gates lại được lập trình thời-gian-thực hồi là một cậu học sinh lớp tám vào năm 1968.
Từ giây phút ấy trở đi, Gates đã sống trong phòng máy tính. Ông và những người khác bắt đầu tự học cách sử dụng thiết bị mới lạ này. Đương nhiên, việc mua thời gian của máy tính trung tâm mà ASR đang kết nối vào rất là đắt đỏ - kể cả đối với một cơ sở giáo dục giàu có như Lakeside - và chẳng bao lâu thì số tiền 3.000 đôla được Câu lạc bộ Các bà mẹ tài trợ đã sạch nhẵn. Các bậc phụ huynh lại gây thêm quỹ. Học sinh lại tiêu đi. Và rồi một nhóm lập trình viên tại Đại học Washington đã lập nên một hãng có tên gọi Computer Center Corporation (C-Cubed) cho các doanh nghiệp địa phương thuê thời gian sử dụng máy tính.
Tình cờ làm sao, một trong những sáng lập viên của hãng - Monique Rona - lại có một cậu con trai học ở Lakeside, trước Gates một năm. Liệu câu lạc bộ máy tính của Lakeside, Rona tự hỏi, có muốn chạy kiểm tra các chương trình phần mềm của công ty vào dịp cuối tuần đổi lại bằng thời gian lập trình miễn phí không? Chắc chắn rồi! Sau giờ học, Gates nhảy xe buýt đến văn phòng của C-Cubed và lập trình đến tận tối mịt.
C-Cubed cuối cùng bị phá sản, nên Gates và các bạn bắt đầu quanh quẩn ở trung tâm máy tính tại trường Đại học Washington. Trước đó, họ theo đuổi một hãng có tên gọi là ISI (Information Sciences Inc.), nơi đồng ý dành cho họ thời gian sử dụng máy tính miễn phí đổi lại bằng việc chạy một phần mềm để tự động hóa hệ thống trả lương trong công ty. Trong khoảng thời gian bảy tháng hồi năm 1971, Gates và nhóm bạn của ông đã sử dụng máy tính suốt 1.575 giờ đồng hồ trên máy chủ của ISI, tính trung bình là tám tiếng một ngày, bảy ngày một tuần.
“Đó là nỗi ám ảnh với tôi”, Gates nói về những năm đầu tiên ở trung học của ông. “Tôi bỏ tiết thể dục. Tôi đến đó vào ban đêm. Chúng tôi lập trình vào cuối tuần. Hiếm hoi lắm mới có một tuần mà chúng tôi không tiêu tốn vào đó 20 hay 30 tiếng đồng hồ. […]
Trong những ngày tháng sơ khởi của cuộc cách mạng máy tính, những lập trình viên với kinh nghiệm chuyên môn kiểu ấy rất khó tìm. Nhưng Pembroke biết chính xác người ông phải gọi: những chàng trai trung học đến từ Lakeside đã vận hành máy tính hàng nghìn giờ đồng hồ trên máy chủ ISI.
Lúc ấy, Gates đang học năm cuối, và bằng cách nào đó cậu đã gắng thuyết phục các giáo viên cho phép cậu bùng học để tới Bonneville dưới chiêu bài một dự án nghiên cứu độc lập. Ở đó cậu đã trải qua cả mùa xuân viết code dưới sự hướng dẫn của một người đàn ông có tên là John Norton, người sau này Gates nói rằng đã dạy mình về lập trình nhiều hơn bất cứ ai.
5 năm đó - từ lớp tám tới cuối trung học, chính là khoảng thời gian Hamburg của Bill Gates, và xét theo khía cạnh nào đó, ông cũng đã được ban tặng một loạt cơ hội thậm chí còn phi thường hơn cả Bill Joy.
Cơ hội thứ nhất là việc Gates được chuyển đến Lakeside. Liệu có bao nhiêu trường trung học trên khắp thế giới được tiếp cận với một bộ thiết bị đầu cuối hồi năm 1968?
Cơ hội thứ hai là việc các bà mẹ ở trường Lakeside có đủ tiền bạc để trả các khoản phí máy tính của trường.
Thứ ba là, khi số tiền đó cạn sạch, một trong số các vị phụ huynh bỗng nhiên lại làm việc ở C-Cubed, nơi bỗng nhiên cần ai đó kiểm tra code vào dịp cuối tuần, và điều cũng ngẫu nhiên xảy ra là họ chẳng thèm bận tâm việc những ngày cuối tuần lại trở thành những đêm cuối tuần.
Thứ tư là chuyện Gates bỗng nhiên lại phát hiện ra ISI, và ISI lại bỗng nhiên cần đến ai đó làm việc với phần mềm chấm công trả lương của họ.
Thứ năm là Gates lại sống ở một khoảng cách đủ gần để có thể đi bộ tới Đại học Washington.
Thứ sáu là trường đại học này bỗng nhiên lại có khoảng thời gian máy tính rỗi rãi từ ba đến sáu giờ sáng.
Thứ bảy là TRW bỗng nhiên lại gọi Bud Pembroke.
Thứ tám là những lập trình viên mà Pembroke biết là phù hợp nhất với vấn đề cần xử lý bỗng nhiên lại là hai cậu choai trung học.
Và thứ chín là việc trường Lakeside đồng ý để cho hai cậu bé viết code trong cả mùa xuân ở một nơi cách đó nhiều dặm.
Vậy hầu hết tất cả cơ may đó có điểm gì chung? Chúng mang lại cho Bill Gates khoảng thời gian phụ trội để luyện tập. Đến thời điểm Gates ra khỏi trường Harvard sau năm thứ hai để thử bắt tay vào công ty phần mềm riêng của mình, trên thực tế cậu đã lập trình không ngừng nghỉ trong suốt bảy năm liên tiếp.
Cậu Gates trẻ tuổi khi ấy đã có được con số lớn hơn 10.000 tiếng đồng hồ rất nhiều. Liệu có bao nhiêu thanh thiếu niên trên khắp thế giới có được thứ trải nghiệm giống như Bill Gates?
“Tôi không tin là có quá 50 người trên toàn thế giới có thể được như vậy”, ông nói. “Những việc chúng tôi làm ở C-Cubed và hệ thống tính lương, rồi đến TRW - tất cả việc đó gộp lại. Tôi được đặt vào bối cảnh của ngành phát triển phần mềm ở lứa tuổi trẻ hơn bất cứ ai thời bấy giờ, và tất cả là do cả loạt cơ hội may mắn phi thường như thế”.
Trích từ cuốn sách: Những kẻ xuất chúng
Tác giả: Malcolm Gladwell / Alpha Books và NXB Thế giới