Nhiều tháng qua, thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng liên tục sụt giảm do ảnh hưởng từ khó khăn chung trên thị trường bất động sản. Riêng trong hai tháng đầu năm nay, dữ liệu của DKRA cho thấy nguồn cung của các phân khúc nghỉ dưỡng đều sụt giảm mạnh, ghi nhận mức thấp nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, cả nước chỉ ghi nhận 3 căn biệt thự nghỉ dưỡng mới và chỉ có một căn được giao dịch. Còn shophouse nghỉ dưỡng có 6 căn mới ra thị trường, đây là mức thấp nhất từ trước tới nay. Dẫu vậy, thị trường không ghi nhận phát sinh giao dịch nào đối với loại hình này.
Đáng chú ý là phân khúc condotel không ghi nhận dự án mở bán mới. Thị trường gần như “đóng băng” sau những tín hiệu hồi phục tích cực giai đoạn đầu năm 2022.
Lý giải về nguồn cung sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm, DKRA cho biết trước áp lực về lạm phát, lãi suất cũng như nguồn vốn tín dụng bị tắt nghẽn chưa được tháo gỡ, nhiều chủ đầu tư có tâm lý thận trọng khi đưa sản phẩm ra thị trường và liên tục dời thời gian triển khai bán hàng do chưa đạt lượng booking như kỳ vọng.
Đối với những dự án mở bán, giá bán sơ cấp không biến động nhiều so với tháng trước, tuy nhiên một số chủ đầu tư có đưa ra chính sách chiết khấu lên đến 30-40% giá bán nhằm kích cầu thị trường giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Đồng thời, những chính sách như hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc... vẫn tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng để hỗ trợ khách hàng. Dù vậy vẫn không kéo thị trường ra khỏi trạng thái "ngủ đông" như hiện nay.
Nhìn lại năm 2022, theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cả nước đón nhận hơn 19.000 sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới. Nguồn cung chủ yếu đến từ khu vực miền Trung với khoảng 42% lượng cung toàn thị trường.
Đơn vị này cho biết lượng giao dịch sản phẩm cũng chưa tốt như kỳ vọng vì còn điểm nghẽn về pháp lý trong bối cảnh ngành du lịch chưa hồi phục, đặc biệt là những tháng cuối năm. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2022, mặt bằng giá bán ở thị trường sơ cấp lại tăng trung bình 12-15% so với năm 2021 cho các dự án mới có mức giá chào bán cao, trên thị trường mức giá này dao động 17-167 triệu đồng/m2.
Dù vậy, ông Morgan Ulaganathan, Trưởng bộ phận Dịch vụ Tài sản & Tư vấn Du lịch - Khách sạn tại Colliers Việt Nam, nhìn nhận bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có tiềm năng lớn khi Việt Nam đang tận dụng đà tăng trưởng của nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng sau dịch từ lượng khách nội địa và quốc tế. Đồng thời, ông dự báo ngành du lịch sẽ tiếp tục hồi phục trong năm nay.
“Các bên tham gia thị trường này có nhiều vốn chủ sở hữu đã có những nước đi táo bạo kể từ lúc cao điểm dịch Covid-19 đến nay. Dù lãi suất tuy trên đà tăng, nhưng rồi sẽ ổn định trở lại. Các quỹ đã và đang gọi vốn để đầu tư vào những tài sản khách sạn ở thời điểm có mức định giá thuận lợi, trước khi doanh thu khách sạn hồi phục hoàn toàn", ông nói thêm.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm tại Việt Nam, đại diện Colliers cho biết thị trường vẫn còn tồn tại các vướng mắc liên quan đến luật và quy định, nếu được giải quyết trong thời gian tới, sự phát triển của phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng kỳ vọng sẽ sôi động hơn.
Các chuyên gia tại DKRA cũng dự báo trong tháng tiếp theo nguồn cung và sức cầu thị trường sẽ tăng nhẹ, tuy nhiên sẽ không có nhiều biến động rõ, tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn thiện và được phát triển bởi các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh.
Riêng nguồn cung biệt thự và condotel thời gian tới tập trung chủ yếu tại Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.