UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo về việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Rút ngắn thủ tục, đôn đốc thực hiện nhà ở xã hội
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các sở ngành và Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) nghiên cứu đề xuất UBND Thành phố xem xét việc bổ sung các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào chương trình kích cầu đầu tư, thực hiện theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội; Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính về việc bổ sung vốn ngân sách nhà nước (nguồn vốn sự nghiệp) để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường; Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…
Văn bản cũng nêu rõ, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM chủ trì, phối hợp UBND các quận huyện, TP. Thủ Đức, Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm, Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Tây Bắc, Ban Quản lý đô thị mới Nam Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu chế xuất và Công nghiệp thành phố trong quá trình lập, thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng,…
Đồng thời, Sở Xây dựng được giao chủ động phối hợp với các Sở ngành, UBND các quận huyện và TP. Thủ Đức xây dựng, điều chỉnh bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở chấp thuận đầu tư, đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; Xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến năm 2030 trình UBND Thành phố ban hành.
Trong đó, quy định rõ, khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Đối với các khu công nghiệp chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì xem xét nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp đó để dành phần diện tích đất phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê, thiết chế của công đoàn cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật. Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; Rà soát, ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích thực hiện dự án đầu tư khuyến khích…
Đặc biệt, đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp Chủ đầu tư không thực hiện thì tham mưu UBND TP.HCM để thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các chủ đầu tư dự án trên địa bàn nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, đảm bảo chất lượng tương đương với nhà ở thương mại, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật (nếu có)…
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản
Theo ông Bùi Văn Hiếu, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM, Thành phố luôn quan tâm, chú trọng công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhằm góp phần triển khai thực hiện tốt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Thành phố được giao chỉ tiêu 69.700 căn. "Nhiệm vụ này không chỉ phục vụ phát triển, ổn định kinh tế xã hội của Thành phố mà còn là nhiệm vụ chính trị", ông Hiếu nói.
Đánh giá chung về thị trường bất động sản TP.HCM trong quý 2/2023, báo cáo của Sở Xây dựng cho biết thị trường này có tín hiệu hồi phục nhưng chưa ổn định, dự đoán quý 3 năm nay, vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ, do không nhiều dự án được xây dựng mới.
Cũng theo Sở Xây dựng, thời gian qua, TP.HCM đã rất nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản.
"Việc gỡ vướng cho các dự án bất động sản nói chung và từng dự án nói riêng không còn là giai đoạn xây dựng kế hoạch để thực hiện mà thực tế từ cuối năm 2022, Thành phố đã "vào cuộc", tập trung tháo gỡ các vướng mắc pháp lý chung và của từng dự án, có giải pháp phối hợp liên ngành để tháo gỡ những khó khăn khác nhau của các dự án. Đến nay, việc tháo gỡ khó khăn cho dự án bất động sản đã trở thành công việc thường xuyên của chính quyền Thành phố với tinh thần khẩn trương, chủ động", ông Bùi Văn Hiếu chia sẻ.
Cụ thể, Thành phố đã phân loại dự án, phân nhóm vướng mắc (đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, nghĩa vụ tài chính...), thẩm quyền xử lý (sở ngành, quận huyện, UBND Thành phố, bộ ngành, Trung ương,...), để có giải pháp tháo gỡ phù hợp cho từng trường hợp và tổng thể; giao trách nhiệm cho từng sở, ngành giải quyết vướng mắc liên quan đến chức năng của mình cho đến khi vướng mắc được tháo gỡ, không chuyển các sở ngành khác giải quyết; thường xuyên trao đổi, làm việc với doanh nghiệp bất động sản có dự án vướng mắc để hướng dẫn thực hiện...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã kiểm tra và xử lý đối với 207 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (giảm 39 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022). Đồng thời, Thanh tra Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND Thành phố ban hành 22 Quyết định; chuyển Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành 182 Quyết định; Chánh Thanh tra Sở ban hành 23 Quyết định; tham mưu ban hành 04 Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm trật tự xây dựng.