Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng toàn cầu về nguồn cung cấp thực phẩm đang dẫn đến một bước ngoặt đáng báo động, đe dọa các thành phần quan trọng đối với dinh dưỡng của thế giới.
Giá lúa mì và ngũ cốc đã giảm trong những tháng gần đây, làm giảm bớt lo ngại về khả năng tiếp cận một số mặt hàng chủ lực. Tuy nhiên, việc giá hành tây tăng cao đang làm rung chuyển thị trường rau quả, xương sống của chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững.
Cung không đủ cầu
Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo trong tháng này rằng ngoài hành tây, các thực phẩm khác như cà rốt, cà chua, khoai tây và táo cũng không đáp ứng đủ nhu cầu trên toàn thế giới.
Tại châu Âu, các kệ hàng trống rỗng đã buộc các siêu thị ở Anh phải hạn chế việc mua một số loại trái cây và rau củ sau vụ thu hoạch yếu kém ở miền Nam Tây Ban Nha và Bắc Phi.
Cindy Holleman, nhà kinh tế cấp cao tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, cho biết: “Chất lượng chế độ ăn uống là mối liên hệ quan trọng giữa an ninh lương thực và dinh dưỡng. Chất lượng chế độ ăn uống kém có thể dẫn đến các dạng suy dinh dưỡng khác nhau”.
Hành tây là nguyên liệu chính của nhiều món ăn trên khắp thế giới, là loại rau được tiêu thụ nhiều nhất sau cà chua. Khoảng 106 triệu tấn hành tây được sản xuất hàng năm - gần bằng tổng số cà rốt, củ cải, ớt, tiêu và tỏi cộng lại.
Chúng được sử dụng trong mọi thứ, từ hương liệu cơ bản của món cà ri và súp cho đến lớp phủ chiên trên xúc xích ở Mỹ.
Yếu tố thời tiết
Lũ lụt thảm khốc ở Pakistan hay việc sương giá làm hư hại các kho dự trữ ở Trung Á đã khiến giá hành tây tăng vọt.
Trong khi đó, ở Bắc Phi, nông dân phải vật lộn với hạn hán nghiêm trọng và sự gia tăng chi phí hạt giống và phân bón.
Thời tiết xấu cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến những người nông dân ở Morocco. Tại một khu chợ ở quận Ocean, trung tâm thủ đô Rabat (Morocco), người dân cho biết giá rau vẫn “cao ngất ngưởng” ngay cả khi chính phủ nước này ban hành lệnh cấm vận chuyển hành tây và cà chua đến Tây Phi trong tháng này.
Bảo vệ nguồn cung
Ở Philippines, khan hiếm hành tây cũng đã ảnh hưởng tới tình trạng thiếu thốn muối, đường trong vài tháng qua. Giá cả trở nên cao một cách vô lý đến mức trong một thời gian ngắn, giá hành tây được ghi nhận đắt hơn cả thịt. Các tiếp viên hàng không thậm chí bị bắt quả tang buôn lậu chúng ra khỏi Trung Đông.
Bloomberg cho biết Philippines tiêu thụ khoảng 17.000 tấn hành mỗi tháng. Hành tây đỏ được bán với giá 650 peso/kg (hơn 276.000 đồng) và hành tây trắng có giá 600 peso/kg (hơn 255.000 đồng). Theo dữ liệu giá bán lẻ các mặt hàng nông sản của Bộ Nông nghiệp Philippines, mức giá này cao gấp ba lần thịt gà và cao hơn 25% thịt bò.
Trước tình trạng trên, Chính phủ của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đẩy mạnh nhập khẩu để chế ngự lạm phát cao nhất trong 14 năm qua.
Tại Kazakhstan, giá hành tăng vọt đã khiến các nhà chức trách phải khai thác các kho dự trữ chiến lược. Bộ trưởng Thương mại nước này kêu gọi mọi người không mua hành tây theo bao tải trong bối cảnh người dân hoảng loạn tìm nguồn cung tại các siêu thị địa phương.
Bộ trưởng Nông nghiệp Uzbekistan hôm 20/1 đã tuyên bố cấm xuất khẩu hành tây trong 4 tháng sau khi mức giá của loại rau thân củ này tăng gấp đôi trong 3 tuần liên tiếp khiến thị trường nội địa hoảng loạn.
Ấn Độ, nhà xuất khẩu nguyên liệu chế biến lớn nhất thế giới, vào năm 2019 cũng đã buộc phải cấm xuất khẩu hành tây vì giá cả tăng cao.