Đức có thể sẽ sớm trở thành một quốc gia "phá sản, rối loạn" nếu vẫn tiếp tục các chính sách tài chính mất cân bằng như hiện tại và không thể giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Wolfgang Kubicki tuyên bố hôm 24/12.
"Nếu chúng ta tiếp tục đi trên con đường ấy [ND: tiếp tục theo đuổi những chính sách tài chính mất cân bằng], thì chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với viễn cảnh nhà nước phá sản", ông Kubicki nói với tờ báo địa phương Bild am Sonntag.
Vị Phó Chủ tịch Quốc hội Đức lập luận rằng Đức hiện đang phải trả thêm một số tiền lớn để nhập khẩu năng lượng từ nguồn cung khác ngoài Nga, và số tiền này buộc phải rút từ những lĩnh vực khác, bởi "tiền không thể tự nhiên in thêm và cũng không thể bắt người nộp thuế chi trả thêm cho điều này."
"Nhiều người nghĩ rằng Đức đang trên con đường trở thành một quốc gia 'rối loạn chức năng'. Cơ sở hạ tầng, chính quyền, giá năng lượng, và việc quân đội không có khả năng bảo vệ đất nước của mình - chúng ta phải có biện pháp đối phó, nếu không thì mọi thứ có thể sẽ trở nên rất tồi tệ", ông Kubicki nhấn mạnh.
Hồi tháng 9 năm nay, khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng các biện pháp trừng phạt không nên tác động mạnh đến châu Âu hơn chính Nga, thì ông Klaus Ernst, chính trị gia cánh tả người Đức và chủ tịch ủy ban năng lượng của Quốc hội Đức cho rằng châu Âu nên đàm phán với Nga với "tinh thần cởi mở".
"Chúng ta [EU] hiện đã áp đặt bảy gói trừng phạt và Gazprom đang thu về lợi nhuận kỷ lục. Trong khi đó, chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra làn sóng phá sản. Do đó: Hãy đàm phán với Nga với tinh thần cởi mở", ông Ernst bình luận.
Nền kinh tế của Đức - nền kinh tế lớn nhất của khối EU - được dự đoán sẽ suy giảm vào năm 2023 do giá khí đốt và điện tiếp tục tăng vọt.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Munich, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra do cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine đang "tàn phá" nền kinh tế Đức và họ dự đoán nó có thể dẫn đến sự sụt giảm 0,3% GDP trong năm 2023.
Bà Sahra Wagenknecht, chính trị gia, nghị sĩ cánh tả của quốc hội Đức đã lên án chính phủ vì đã kéo đất nước vào một "cuộc chiến kinh tế" toàn diện với Nga, nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Đức. Bà Wagenknecht cũng nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt Nga đối với Đức.
Các biện pháp trừng phạt liên tiếp nhằm vào Moskva đã thúc đẩy Đức chạy đua với thời gian nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga trước mùa đông. Các cửa hàng tạp hóa và thực phẩm nằm trong số những đối tượng chịu hậu quả của lạm phát tăng vọt, khiến giá cả tăng 12% trong tháng 6 và sau đó tiếp tục tăng 16,6% trong tháng 8.
Quốc hội Đức cảnh báo rằng "sức khỏe" của nền kinh tế nước này đang bị đe dọa khi giá năng lượng leo thang ngoài tầm kiểm soát - đây sẽ là lời nhắc nhở về "những ngày xưa tươi đẹp".
Trong khi đó, nội bộ Đức cũng đang tranh cãi về vấn đề xuất khẩu khí đốt của Đức. Một số quan chức phản đối việc nước này tiếp tục xuất khẩu dầu khí sang nước khác, trong khi những ý kiến khác cho rằng Berlin không nên bỏ rơi các đồng minh EU của mình.
Đã có những suy đoán rằng Đức có thể sẽ phải tạm thời cắt giảm xuất khẩu năng lượng trong mùa đông, trong đó bao gồm Pháp - một trong những nhà nhập khẩu năng lượng chính của Đức.
Trong nhiều năm qua, Đức được coi là nước xuất khẩu điện chủ lực. Theo dữ liệu từ cơ quan quản lý mạng, năm ngoái, Đức đã cung cấp thêm 17.400 GWh điện cho các quốc gia EU khác so với lượng điện mà nước này nhập khẩu.
Những khách hàng mua điện chính của Đức là Pháp và Áo Theo số liệu thống kê từ tổ chức tư vấn Fraunhofer ISE, Pháp đã nhập khẩu 6.000 GWh điện từ Đức từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, chiếm 5% tổng sản lượng điện của Đức trong khoảng thời gian đó và cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái./.