Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi giám sát tại Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM về “Việc thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 01/01/2016 - 31/12/2021”.
Cởi mở về các thủ tục hành chính, vay vốn
Thông tin về các chỉ tiêu phát triển nhà ở tại thành phố giai đoạn 2016-2021, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết các chỉ tiêu đều đạt, riêng chỉ tiêu về nhà ở xã hội là không đạt, mới thực hiện được hơn 69%. Năm 2021, thành phố không phát triển thêm được diện tích nhà ở xã hội.
Cụ thể, TP.HCM đã xây dựng, đưa vào sử dụng 19 dự án với tổng diện tích đất 24,67ha, hơn 1 triệu m2 sàn xây dựng, quy mô 14.954 căn hộ.
Trong đó, có 2 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách với quy mô 366 căn, 16 dự án sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô 13.870 căn, 1 dự án vừa sử dụng ngân sách vừa sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô 718 căn. Trong giai đoạn này vốn ngân sách chỉ chiếm hơn 4%, vốn doanh nghiệp chiếm 96%.
Đối với nhà lưu trú công nhân, đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 dự án, tổng diện tích đất 7ha, quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 5.796 chỗ ở cho công nhân.
Về thực hiện cho vay vốn cho đối tượng thu nhập thấp, theo ông Ngô Tấn Phát, Phó Giám đốc Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM, quỹ đã thực hiện giải ngân 1.794 tỷ đồng cho 5.459 đối tượng có thu nhập thấp vay tiền để tạo lập nhà ở, vượt 5,5% kế hoạch trong giai đoạn 2016 – 2021.
Lũy kế từ khi thành lập đến ngày 17/5/2022, quỹ đã giải ngân cho 5.594 đối tượng có thu nhập thấp vay tiền để tạo lập nhà ở, với số tiền 2.842 tỷ đồng.
Buổi giám sát Luật nhà ở của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM- Ảnh: VM.
Với những con số trên, nhiều ý kiến cho rằng nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp còn rất thiếu so với nhu cầu rất lớn tại thành phố.
Theo ông Phát, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là hầu hết các đơn vị phát triển nhà ở tại TP.HCM không muốn tiếp nhận, quản lý và khai thác nhà ở cho người thu nhập thấp là do hoạt động quản lý quỹ nhà chung cư xã hội, nhà ở tái định cư vừa không phát sinh lợi nhuận vừa phức tạp.
Ngoài ra, nguồn vốn của Quỹ phát triển nhà ở còn hạn chế, nên nhiều lĩnh vực hoạt động của Quỹ không phát triển, thậm chí phải tạm dừng triển khai.
Cụ thể, đối với hoạt động cho vay đối tượng có thu nhập thấp để tạo lập nhà ở còn giới hạn trong phạm vi đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực hưởng lương ngân sách thành phố, lực lượng vũ trang và cơ quan thuế thành phố.
Hiện quỹ cũng chưa đủ nguồn vốn để mở rộng cho các đối tượng khác có khó khăn về nhà ở trên địa bàn TP.HCM vay tạo lập nhà ở…
Đóng góp ý kiến về Luật Nhà ở để tạo điều kiện cho nhiều đối tượng được hưởng lợi, cân bằng lợi ích giữa các bên, ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, kiến nghị cần xem nhà ở hình thành trong tương lai bao gồm cả nhà ở đã hình thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho chủ sở hữu, nhằm đảm bảo phù hợp với bản chất giao dịch; đồng thời bổ sung quy định quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Đối với các quy định pháp luật khác liên quan đến nhà ở, ông Cường cho rằng cần có quy định thống nhất về cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm đối với nhà ở, bảo vệ quyền lợi cho bên nhận bảo đảm.
Cơ chế đặc thù từ việc quy định thủ tục hành chính trên địa bàn TP.HCM, thủ tục hoàn công sau khi công trình đã xây dựng xong đòi hỏi phải cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi Giấy chứng nhận đã nộp ngân hàng để làm thủ tục bảo đảm tiền vay; từ đó phát sinh thêm thủ tục từ phía ngân hàng nhưng các quy định của pháp luật cho thấy thủ tục này còn khó khăn, phức tạp…
Nên có doanh nghiệp chuyên biệt về nhà ở xã hội
Tại buổi giám sát, các ý kiến cho rằng, nhiều dự án nhà ở xã hội hoàn thành theo tiến độ còn chậm và một số dự án còn gặp một số vấn đề về mặt pháp lý nên chưa thể khởi công xây dựng được theo kế hoạch.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, các quy định hiện hành có ảnh hưởng đến việc triển khai xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Do đó, TP.HCM khó triển khai được nhiều dự án nhà ở loại hình này.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu tại buổi giám sát - Ảnh: VM.
Kiến nghị từ phía Sở Xây dựng TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc, cho rằng đối với nhà ở xã hội, TP.HCM cần kiến nghị Trung ương cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
Ưu tiên sử dụng các quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp cũng như quỹ đất do các cơ quan Nhà nước hiện đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.
Đối với nhà ở tái định cư, TP.HCM có ý kiến kiến nghị Chính phủ hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án nhận chuyển nhượng đất ở trong dự án hoặc trong khu dân cư hiện hữu đã có hạ tầng kỹ thuật để phục vụ tái định cư các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn.
Đồng thời, Chính phủ cho phép UBND TP.HCM phân cấp cho UBND quận, huyện tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án nhận chuyển nhượng nhà ở, đất ở trong dự án hoặc khu dân cư hiện hữu đã có hạ tầng kỹ thuật phục vụ tái định cư.
Về sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành, kiến nghị bổ sung quy định về quy trinh xác định chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư khi bàn giao lại quỹ đất ở 20% trong dự án cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, nghiên cứu quy trình theo hướng đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội…