Kinh doanh gặp khó, Home Credit liên tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh: Int)
Gia tăng phát hành trái phiếu
Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam mới đây đã huy động thành công 300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng, gồm 300 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, đáo hạn ngày 13/3/2024.
Các thông tin về lãi suất hay tài sản đảm bảo đều không được công bố chi tiết.
Trước đó, vào ngày 31/8, đơn vị này đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 600 tỷ đồng thành công. Theo đó, lô có kỳ hạn 24 tháng và đáo hạn vào ngày 31/8/2024. Các thông tin về lãi suất, trái chủ, hay bên đứng ra sắp xếp thương vụ cũng không được công bố. Như vậy, trong chưa chưa đầy 1 tháng, Home Credit đã phát hành tổng cộng 900 tỷ đồng trái phiếu.
Đơn vị này là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực vay tiêu dùng trả góp tại Việt Nam.
Home Credit hiện có hội sở chính tại TP.Hồ Chí Minh, chi nhánh ở Hà Nội và 10 văn phòng đại diện tại các tỉnh/thành phố lớn cả nước. Home Credit có 100% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của PDF Group - tập đoàn do gia đình tỷ phú người Séc quá cố Petr Kellner điều hành. Năm 2020, công ty có vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng.
Home Credit huy động vốn theo hình thức nhận tiền gửi của tổ chức, dựa theo giấy phép hoạt động. Đồng thời vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính nước ngoài và trong nước theo quy định của pháp luật và phát hành chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức.
Ngoài ra, công ty còn có cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, có bao gồm cho vay tiêu dùng và cho vay trả góp, cũng như phát hành thẻ tín dụng, theo thông tin từ giấy phép hoạt động.
Nợ ngày càng tăng, lợi nhuận liên tục giảm
Việc hoạt động kinh doanh ở Việt Nam của Home Credit gặp nhiều khó khăn hơn các công ty đối thủ do không có hậu thuẫn của ngân hàng dẫn đến tiếp cận tệp khách hàng cũng như nguồn vốn vay ưu đãi. Trong khi đó, FE Credit có hậu thuẫn khi cổ đông lớn là VP Bank, MCredit là công ty con của MB và HD Saison là công ty con của HDBank.
Đói vốn khiến công ty tài chính này phải liên tục tăng huy động qua kênh trái phiếu, điều này đẩy nợ phải trả có xu hướng tăng mạnh.
Từ con số khoảng 14.000 tỷ đồng cuối năm 2017, nợ phải trả của Home Credit đã tăng 50% lên hơn 21.000 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu gần như chững lại do không có thêm nguồn vốn mới từ bên ngoài mà chỉ chuyển từ túi trái sang túi phải giữa lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và vốn của tổ chức tín dụng.
Tăng nợ cũng đẩy quy mô tài sản của Home Credit tăng mạnh. Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của công ty tài chính này đã vượt 1 tỷ USD lên mức 26.571 tỷ đồng, tăng gần 50% so với thời điểm 4 năm trước.
Tuy nhiên, doanh thu gần như không có sự cải thiện trong giai đoạn này và trồi sụt quanh mức 5.000 tỷ đồng.
Thiếu nguồn lực tài chính đủ mạnh trong khi thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt đẩy Home Credit vào giai đoạn suy thoái từ năm 2017.
Lợi nhuận sau thuế của công ty tài chính này liên tục sụt giảm trong 4 năm qua xuống mức 550 tỷ đồng vào năm 2021, chỉ bằng 1/3 so với năm 2017.
Gánh nặng lãi vay cũng là một trong những yếu tố ăn mòn đáng kể lợi nhuận của Home Credit.
Việc thiếu bóng dáng của các định chế tài chính đằng sau buộc công ty tài chính này phải tăng vay nợ để hoạt động kinh doanh và giữ thị phần.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Công điện về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát điều tra các vấn đề có liên quan đến thị trường chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm lành mạnh hóa thị trường.
Khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng...
Khẩn trương điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời cũng cần nhanh chóng bổ sung, sửa đổi và thay thế những lỗ hổng trong các quy định về đất đai, chứng khoán, thị trường vốn và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.