Người Argentina vẫn đang ăn mừng sau chiến thắng lịch sử của đội tuyển quốc gia trong kỳ World Cup giữa lòng sa mạc. Nhưng chỉ 2 ngày sau khi La Albiceleste mang cúp vô địch về cho hàng triệu người dân, nền kinh tế Argentina đã đón tin xấu.
Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 21/12, nền kinh tế Argentina đã suy yếu trong tháng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, vào tháng 10, các hoạt động kinh tế tại nước này lao dốc 0,3% so với tháng 9.
Trong quý III, tỷ lệ thất nghiệp tại Argentina đã tăng từ 6,9% lên 7,1%. Theo cuộc khảo sát của các nhà phân tích của ngân hàng trung ương, nền kinh tế lớn thứ 2 Nam Mỹ sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay rồi lao dốc 1% vào năm sau.
Tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc do những bất ổn xoay quanh cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm sau. Tình trạng hạn hán cũng tác động tới xuất khẩu hàng hóa.
2 quý suy yếu liên tiếp
Đó không phải những vấn đề duy nhất của Argentina. Thâm hụt tài khóa đang gia tăng. Trong tháng 11, Chính phủ Argentina báo cáo thâm hụt tài khóa lên tới 227,8 tỷ peso, mức cao nhất (tính theo danh nghĩa) kể từ tháng 6.
Ngành công nghiệp du lịch - nguồn cung USD chính - ghi nhận ít khách đến hơn khách đi.
Dữ liệu chính thức cho thấy kể từ tháng 10/2021 đến tháng 10 năm nay, chênh lệch giữa khách đi và khách đến Argentina lên tới gần 600.000 người. Điều này sẽ gây áp lực hơn nữa lên đồng nội tệ.
Kỳ World Cup diễn ra ở Qatar sẽ khiến vấn đề càng thêm trầm trọng. Theo Đại sứ quán Argentina tại Qatar, khoảng 35.000 đến 40.000 người hâm mộ đã tới World Cup để cổ vũ cho đội tuyển. Đó là một trong những nhóm cổ động viên nước ngoài đông nhất kỳ World Cup năm nay.
Người hâm mộ Argentina đã bán của cải và vay mượn để tới kỳ World Cup đắt đỏ nhất lịch sử. "Các chính trị gia ở quê nhà làm chúng tôi thất vọng nhưng đội bóng thì không. Họ là niềm hy vọng duy nhất mà chúng tôi có", anh Nicolas Orellano - một luật sư, chủ công ty rượu ở Buenos Aires - chia sẻ.
Argentina đã trải qua những cuộc suy thoái triền miên kể từ thập niên 50. Trong nhiều thập kỷ, lạm phát tại nước này đều duy trì ở mức 2 chữ số. Vài tháng qua, đồng peso mất 30% giá trị. Dự trữ ngoại hối và đầu tư nước ngoài cạn kiệt. Niềm tin vào chính quyền Tổng thống Alberto Fernandez cũng chạm đáy.
Giới đầu tư lo ngại rằng ông Sergio Massa không hành động đủ để cải cách nền kinh tế. Hồi cuối tháng 7, chính quyền Tổng thống Argentina Alberto Fernández đã bổ nhiệm ông Massa - chủ tịch Hạ viện - làm siêu bộ trưởng phụ trách về kinh tế.
"Ông Massa chỉ đang chơi trò 'đập chuột'. Ông ấy không đưa ra bất cứ điều chỉnh hữu ích nào trước cuộc bầu cử năm 2023", ông Ted Mann - chuyên gia phân tích chứng khoán cấp cao tại AllianceBernstein - nhận định.
Hy vọng về một cú hích
Một số người Argentina tin rằng chức vô địch World Cup sẽ giúp thu hút du lịch, tạo việc làm và nâng cao vị thế của Argentina trên toàn cầu. Chẳng hạn, thành phố Rosario - quê nhà của Lionel Messi và Ángel Di María - đã trở thành một địa điểm du lịch.
"Thay vì da sống, thịt đông lạnh và lúa mì đã xây dựng nên thành phố, Messi được coi là một 'mặt hàng xuất khẩu của địa phương'", cây bút Chris Moss của The Telegraph nhận định.
Ngai vàng World Cup còn có thể thúc đẩy xuất khẩu. Điều này từng xảy ra với Brazil sau khi vô địch World Cup 2002. Bản thân Argentina cũng là một quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn.
Dĩ nhiên, tác động của ngai vàng World Cup đối với nền kinh tế Argentina đến nay vẫn chưa rõ ràng và còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng trên hết, chức vô địch đã mang lại cho hàng triệu người dân Argentina niềm hy vọng.
Màn trình diễn tuyệt vời của Lionel Messi và các đồng đội trên đất Qatar làm sống dậy nỗi khát khao và sự đoàn kết của đất nước, vốn đã lụi dần vì cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng.
Cô María Belén Pereyra, 32 tuổi, một giáo viên tiểu học, cho rằng những thay đổi của nền kinh tế sẽ không thể diễn ra chỉ sau một đêm, và cần sự đồng lòng của toàn dân.
"Chúng ta ăn mừng chiến thắng tại World Cup vì nó đại diện cho Argentina, nhưng đó chỉ là công lao của khoảng 30 người", cô nhận định.
"Để nền kinh tế thay đổi, tất cả phải cùng tạo ra một cú hích", cô nói thêm.