Theo CNBC, các tín hiệu được giới quan sát dùng để dự đoán về một cuộc suy thoái của Mỹ đang ghi nhận xu hướng trái chiều.
Các cuộc khảo sát về khu vực sản xuất của Mỹ đã phát đi tín hiệu suy thoái trong nhiều tháng. Nhưng làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ đến nay vẫn chưa lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, sức mạnh tiêu dùng, chẳng hạn du lịch, đang bùng nổ.
Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) "bỏ quãng" một đợt tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6, hy vọng về một cú tiếp đất nhẹ nhàng của nền kinh tế sẽ nảy mầm trở lại.
Trong tuần này, Goldman Sachs đã hạ dự báo nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới xuống còn 25%.
Nhưng liệu sức mạnh tiêu dùng của Mỹ có còn được duy trì, khi các khoản tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch giảm dần, còn lãi suất vẫn tăng. Một số chiến lược gia tin rằng suy thoái kinh tế sẽ chỉ là vấn đề thời gian, nếu Fed vẫn còn cố gắng kìm hãm lạm phát.
Người tiêu dùng bối rối
Thị trường nhà ở là một trong những chỉ báo quan trọng đối với người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ. Nhưng rất khó để đánh giá chính xác về thị trường này dựa theo các dữ liệu mới đây.
Doanh số bán nhà mới đã tăng trở lại trong những tháng gần đây, dù lãi vay mua nhà vẫn cao và ngành ngân hàng rơi vào khủng hoảng.
Nhưng đó không phải là tín hiệu tốt đối với sức mạnh chi tiêu trong giai đoạn này. Nguyên nhân nằm ở sự sụt giảm nghiêm trọng về nguồn cung nhà ở. Tình trạng thiếu hụt đang ngày càng trầm trọng và thổi phồng nhu cầu một cách giả tạo.
Ngay cả các tập đoàn lớn cũng phát đi những tín hiệu khác nhau. Tháng trước, Target đã cảnh báo về doanh số bán hàng chậm lại. Hãng bán lẻ Dollar General cũng cắt giảm triển vọng cả năm.
Nhưng hôm 31/5 vừa qua, American Airlines đã nâng ước tính lợi nhuận sơ bộ nhờ nhu cầu mạnh hơn và chi phí nhiên liệu giảm đi. Hãng quần áo cao cấp Lululemon cũng đưa ra ước tính doanh thu và lợi nhuận khả quan trong quý tài chính đầu tiên và cả năm.
Sự mâu thuẫn đó nêu bật lên bức tranh kinh tế hậu đại dịch. Người tiêu dùng vung tiền vào một số lĩnh vực như du lịch, nhưng các hãng bán lẻ vẫn bi quan về doanh số bán hàng.
Hơn nữa, sự phục hồi trong sức mạnh chi tiêu cũng thay đổi theo các tầng lớp thu nhập khác nhau.
"Theo các dữ liệu tổng hợp, có sự phân chia lớn giữa phân khúc người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình, và nhóm có thu nhập cao hơn", bà Goodwin bình luận.
"Sự phân chia không chỉ xảy ra theo thu nhập, mà còn cả độ tuổi", bà chỉ ra tỷ lệ vỡ nợ thẻ tín dụng.
Thị trường lao động đang cho thấy gì?
Niềm hy vọng của kinh tế Mỹ nằm ở thị trường lao động. Tăng trưởng việc làm sẽ thúc đẩy sức mạnh chi tiêu của nhóm người lao động có thu nhập thấp, và ngăn chặn tình trạng phục hồi không đồng đều.
Các tập đoàn lớn từ Meta Platforms, Disney đến Goldman Sachs đã sa thải hàng loạt nhân sự, nhưng báo cáo việc làm hàng tháng vẫn vượt xa kỳ vọng.
Theo ông Nick Bunker - Giám đốc nghiên cứu kinh tế khu vực Bắc Mỹ tại trang web việc làm Indeed - thị trường việc làm cũng đang hạ nhiệt. "Mọi thứ đã khiêm tốn hơn, dù chúng vẫn còn rất mạnh", ông nói thêm
Để kìm hãm lạm phát, Fed buộc phải hạ nhiệt thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế, từ đó ngăn chặn vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm. Kể từ tháng 3 năm ngoái, cơ quan này đã tăng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp.
Nhưng các báo cáo việc làm tháng 5 đã phơi bày mâu thuẫn. Nước Mỹ có thêm 339.000 việc làm, nhưng tỷ lệ thất nghiệp lên tới 3,7%. Hôm 8/6, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng bất ngờ tăng vọt.