Cả 3 tổng thống một nhiệm kỳ gần nhất gồm Jimmy Carter, George H.W. Bush và Donald Trump, đều mất hy vọng tái đắc cử sau khi tình hình kinh tế Mỹ lao dốc, theo Bloomberg.
Nhưng cũng có nhiều nhà lãnh đạo khác như Richard Nixon, Ronald Reagan và George W. Bush giành được nhiệm kỳ thứ 2 sau khi lèo lái nền kinh tế Mỹ trong tình trạng suy thoái.
Điểm khác biệt lớn nhất chính là thời điểm suy thoái. Các tổng thống 2 nhiệm kỳ gặp phải khủng hoảng kinh tế vào đầu thời gian lãnh đạo nước Mỹ của họ. Trong khi đó, những tổng thống một nhiệm kỳ gặp khó khăn kinh tế vào đúng thời điểm cử tri quyết định có nên bầu cho họ hay không.
Điều đó có nghĩa một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ ngắn hạn trước khi hồi phục trong năm 2024 là kịch bản tốt nhất cho đảng Dân chủ.
"Những ví dụ trong quá khứ cho thấy một cuộc suy thoái kinh tế vào cuối năm 2023 sẽ có lợi cho hy vọng tái đắc cử của Tổng thống Biden so với suy thoái vào đầu năm 2024", Larry Bartels, nhà nghiên cứu mối liên hệ giữa chính trị và kinh tế tại Đại học Vanderbilt, nhận định.
Nhà phân tích này cũng bổ sung rằng ông Biden không có nhiều lựa chọn để định hướng nền kinh tế trong ngắn hạn.
Những dự báo kinh tế sau quyết định giữ nguyên mức lãi suất vào hôm 14/6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là dấu hiệu thể hiện các nhà hoạch định chính sách nghĩ rằng rủi ro suy thoái kinh tế đã thấp hơn trước.
Các dự báo trung hạn cho thấy GDP Mỹ sẽ tăng lên từ mức 0,4% lên 1% vào năm 2023. Quá trình tăng trưởng sẽ được đẩy mạnh vào năm 2024 và 2025.
Sau quyết định hôm 14/6, giới đầu tư trái phiếu tin rằng tình hình suy thoái kinh tế có thể diễn ra vào năm sau.
Mỹ có 65% khả năng rơi vào suy thoái kinh tế
Một cuộc suy thoái kinh tế thời hiện đại thường kéo dài 10 tháng.
Vì vậy, một cuộc suy thoái sớm và ngắn sẽ giúp Tổng thống Biden có thời gian khôi phục nền kinh tế trước cuộc bầu cử năm 2024. Cuộc suy thoái muộn, nghiêm trọng và dài hạn sẽ khiến ông Biden gia nhập danh sách các tổng thống một nhiệm kỳ của Mỹ.
Trả lời Bloomberg, các chuyên gia kinh tế đồng thuận rằng Mỹ có 65% nguy cơ trải qua một cuộc suy thoái trong 12 tháng tới, tăng so với mức 31% vào năm 2022.
Cũng trong cuộc khảo sát, các chuyên gia nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ hồi phục với tốc độ chậm, tăng trưởng ở mức gần 2% vào năm sau.
"Không phải tình trạng kinh tế nói chung. Hướng đi của nền kinh tế vào 6 tháng trước cuộc bầu cử mới là yếu tố ảnh hưởng đến phiếu bầu", Celinda Lake, người phụ trách công tác khảo sát trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden vào năm 2020.
Dù chỉ trích nhau về vấn đề văn hóa - xã hội, các ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đều thống nhất rằng nền kinh tế không khởi sắc khi Tổng thống Biden cầm lái.
Họ đổ lỗi cho ông Biden đã để tình trạng lạm phát ở Mỹ tăng lên 9,1% vào giữa năm 2022, mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Theo dữ liệu vào hôm 13/6, mức lạm phát của Mỹ đã giảm xuống còn 4%.
Trong video tuyên bố tranh cử vào đầu tháng 6, cựu Phó tổng thống Mike Pence đã nhắc đến một "cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng". Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump trong suốt gần một năm qua đã nói rằng nước Mỹ đang trong tình trạng suy thoái.
Về phần mình, Tổng thống Biden khẳng định cuộc suy thoái kinh tế không phải một điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Trong bài phát biểu vận động tranh cử hôm 17/6 tại thành phố Philadelphia, Tổng thống Biden nhắc lại những thành tựu mà nền kinh tế đạt được kể từ cuộc suy thoái sau đại dịch Covid-19. Ông cũng khẳng định các dự luật về cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và sản phẩm bán dẫn sẽ giúp xây dựng nước Mỹ trong tương lai.
"Những khoản đầu tư mà chúng ta đã thực hiện trong 3 năm qua có khả năng thay đổi đất nước trong 5 thập kỷ tới. Các bạn sẽ ở trung tâm của quá trình chuyển đổi này", Tổng thống Biden cho biết.
Người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates cho biết các dự báo suy thoái kinh tế xuất hiện nhiều như "kết quả khảo sát tiêu cực đối với đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022"
Nhưng trong một bài viết trên tờ Wall Street Journal vào tháng này, ông chủ Nhà Trắng cũng thừa nhận rằng nước Mỹ "cần phải đánh giá những rủi ro và tự bảo vệ mình".
"Chỉ số khốn khổ"
Do mỗi lần suy thoái kinh tế đều khác nhau, không thể dự đoán được cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào.
Joel Prakken, người phụ trách phân tích kinh tế Mỹ tại tập đoàn dữ liệu tài chính S&P Global Market Intelligence, nhận định với Bloomberg rằng chỉ số khốn khổ - kết hợp số liệu lạm phát và thất nghiệp - sẽ sụt giảm vào tháng 11/2024. Tuy nhiên, những số liệu này có thể sẽ không được đại diện trong lá phiếu của cử tri vào năm tới.
"Lạm phát đang ở mức cao bất thường và khi tỷ lệ thất nghiệp, dù ở mức thấp, không thể được duy trì trong thời gian dài. Giai đoạn sắp tới sẽ rất tồi tệ, dù chúng ta có đặt tên cho khoảng thời gian này là gì đi chăng nữa", Prakken cho biết.
Nhà kinh tế chính trị Christopher Wlezien của Đại học Texas tại thành phố Austin thì cho rằng cử tri bắt đầu để ý đến cách Tổng thống Biden quản lý nền kinh tế từ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, bỏ qua hai năm đầu nhiệm kỳ của ông do tác động từ đại dịch trước đó.
Nếu đây là sự thật thì Tổng thống Biden đang ở trong khu vực nguy hiểm, ông Wlezien nhận định.
"Cử tri có một cái nhìn ngắn hạn. Họ không nhìn lại quá xa vào quá khứ, nhưng họ sẽ đánh giá quá trình phát triển của nền kinh tế Mỹ trong 2 năm qua", vị chuyên gia này bổ sung.