Theo CNBC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gần đây đã cảnh báo việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC+) bất ngờ cắt giảm sản lượng dầu có thể làm thâm hụt nguồn cung dự kiến và gây cản trở sự phục hồi của nền kinh tế.
Trong báo cáo thị trường mới nhất của mình, IEA cho biết động thái “phòng ngừa” của OPEC+ là một tin xấu đối với người tiêu dùng giữa thời điểm bất ổn kinh tế gia tăng.
“Người tiêu dùng đã phải đối mặt với tình trạng tăng giá đối với các nhu yếu phẩm cơ bản. Tuy nhiên, họ bây giờ sẽ phải thắt chặt hơn nữa các khoản chi tiêu của mình. Đây là tín hiệu xấu cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế”, báo cáo của IEA nhận định.
OPEC+ là một nhóm bao gồm 23 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và được lãnh đạo bởi Saudi Arabia và Nga. Tổ chức này sẽ thường xuyên trao đổi để xác định lượng dầu thô bán ra trên thị trường toàn cầu.
Vào ngày 2/4, một số thành viên OPEC+ đã thông báo rằng họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Quyết định này đã bị phía Nhà Trắng phản đối gay gắt.
Trước đó, Nga cũng đã cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày từ tháng 3 cho đến ít nhất là cuối năm nay. Điều đó đồng nghĩa với việc tổng mức cắt giảm của các thành viên OPEC+ đang vượt quá 1,6 triệu thùng/ngày.
IEA cho biết việc lượng dự trữ dầu đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2021 có thể đã tạo cơ sở để OPEC+ có thể triển khai kế hoạch trên.
“Thị trường sẽ thâm hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay”, bà Toril Bosoni, người đứng đầu bộ phận thị trường và công nghiệp dầu mỏ tại IEA, nhận định.
Bà Bosoni cho biết động thái cắt giảm của OPEC+ sẽ làm nguồn cung dầu thế giới giảm 400.000 thùng/ngày vào cuối năm. Sự gia tăng sản lượng của các nước ngoài OPEC, bao gồm Mỹ, Brazil, Canada và Na Uy, không thể bù đắp được sự tổn thất của thị trường.
“Nhu cầu và giá bán dầu sẽ tiếp tục tăng trong khoảng thời gian còn lại của năm”, bà Bosoni chia sẻ thêm. Hiện giá dầu WTI dao động quanh mức 82,39 USD/thùng. Giá dầu thô Brent đạt khoảng 86,33 USD/thùng.