Ba năm trước, khi đợt sụt giảm lịch sử của giá dầu thô gây ra bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu, ông Trump đã dẫn đầu một nỗ lực của các nước phương Tây nhằm thuyết phục Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản lượng, hỗ trợ thị trường dầu mỏ.
Các đợt cắt giảm của OPEC+ sau đó đã ngăn chặn sự sụp đổ của ngành dầu đá phiến ở Mỹ. Ông Trump ca ngợi sự giúp đỡ của Riyadh và Moscow.
Ba năm sau, sự hợp tác như vậy đã biến mất. Xung đột Ukraine đã khiến châu Âu muốn loại bỏ năng lượng Nga, trong khi các nước G7 tìm cách áp trần giá dầu của Moscow. Giá dầu thô tăng vọt vào năm ngoái đã khắc sâu thêm rạn nứt giữa Riyadh và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Sự chia rẽ có thể lại được chứng kiến một lần nữa trong tuần này, khi Riyadh và các đồng minh OPEC+ gây sốc cho thị trường dầu mỏ khi cam kết tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu thô.
Greg Priddy, chuyên gia tư vấn tại Spout Run Advisory ở Washington, cho rằng bất ngờ từ liên minh này là một “bước ngoặt”, mang ý nghĩa kinh tế và chính trị vượt ra ngoài thị trường dầu mỏ.
Nguy cơ mọi thứ sụp đổ
Giới phân tích cho rằng áp lực tăng giá dầu lớn hơn sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực hạ nhiệt lạm phát của các ngân hàng trung ương.
Trên hết, những đợt cắt giảm sản lượng mới nhất đã bộc lộ thêm nhiều biến động trong địa chính trị năng lượng. Khi nhiều chiến lược gia tin rằng thời kỳ này sẽ được đánh dấu bởi nhu cầu dầu giảm và sự khó khăn của các quốc gia dầu mỏ như Saudi Arabia và Nga, quyền lực đang tràn về Riyadh.
“Saudi Arabia hiện sẵn sàng chịu đựng những căng thẳng với Washington để theo đuổi lợi ích kinh tế của mình. OPEC đã trở lại ghế lái. Đó là một thị trường mà Saudi Arabia đang nắm quyền quyết định”, Helima Croft, người đứng đầu bộ phận hàng hóa của RBC Capital Markets, cho biết.
Tuy nhiên, Saudi Arabia và nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ phải đối diện với rủi ro rất lớn nếu họ đẩy mọi chuyện đi quá xa.
“Lạm phát của chúng ta đang cao, các nền kinh tế có khả năng rơi vào suy thoái và đây là tình huống mà bạn cần giá dầu thấp hơn trong một thời gian ngắn để nền kinh tế phục hồi”, chuyên gia Adi Imsirovic, tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (OIES), nhận định.
“Nếu các ngân hàng trung ương không còn khả năng cắt giảm lãi suất theo cách cũ, OPEC+ có thể chịu trách nhiệm cho việc kéo toàn bộ nền kinh tế thế giới vào suy thoái”, ông nói thêm.
Giá dầu tăng vọt sau khi Saudi Arabia và các nước OPEC+ khác ngày 2/4 bất ngờ tuyên bố cắt giảm thêm tổng cộng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 1% nhu cầu toàn cầu. Việc cắt giảm tự nguyện này sẽ bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến cuối năm, theo Reuters.
Ngay cả trước khi việc cắt giảm được công bố, các nhà phân tích và dự báo của Phố Wall đã dự đoán nguồn cung sẽ không thể đáp ứng nhu cầu tăng cao vào mùa hè, dẫn đến giá tăng đột biến vào nửa cuối năm 2023.
Bây giờ câu hỏi đặt ra là liệu việc cắt giảm bất ngờ của OPEC+ có khiến giá dầu tăng quá nhanh so với sức chịu đựng mong manh của nền kinh tế toàn cầu hay không, đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát.
“Trong khi nhiều quốc gia nghèo hơn đang phải vật lộn với nợ nần và đồng USD mạnh, việc tăng giá dầu hiện nay có nguy cơ dẫn thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính lớn hơn. Tại đây, giá dầu cao làm trầm trọng thêm các yếu tố gây bất ổn khác và chúng ta có thể chứng kiến sự sụp đổ của mọi thứ, kể cả giá dầu”, Amy Myers Jaffe, giáo sư tại Đại học New York, cho hay.
Đánh cược vào thị trường thế giới
Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác tin rằng Saudi Arabia đang đánh cược rằng nền kinh tế thế giới có thể gánh giá dầu đắt đỏ hơn, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.
Amrita Sen, trưởng bộ phận nghiên cứu của Energy Aspects, cho biết Saudi Arabia ý thức được về nhu cầu đang giảm sút, nhưng tin rằng mức giá lên tới 120 USD là có thể chấp nhận được.
Giữa lúc đó, các nước sản xuất dầu mỏ cũng đang cảm thấy tác động của lạm phát cao hơn và đang cố gắng tăng doanh thu của chính họ để ứng phó, nhà quản lý quỹ phòng hộ dầu mỏ Pierre Andurand lập luận. Và dầu thô vẫn tương đối rẻ, ông Andurand nói thêm.
Trong tuyên bố hôm 2/4, Saudi Arabia cho biết việc cắt giảm 500.000 thùng/ngày của họ là “nhằm mục đích hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ”.
Tuy nhiên, nước này cũng cần nhiều tiền hơn để phục vụ dự án Tầm nhìn 2030, chẳng hạn sự phát triển của thành phố tương lai Neom trên Biển Đỏ. Từ lâu, tầm nhìn này là trọng tâm trong kế hoạch cải cách Saudi Arabia của Thái tử Mohammed bin Salman, nhưng đã gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư quốc tế.
Vấn đề trong nước có thể đã thúc đẩy những cắt giảm mới nhất của Saudi Arabia, nhưng ảnh hưởng của điều đó sẽ được cảm nhận bên ngoài đất nước. Động thái này được coi là bằng chứng rõ ràng hơn về mối quan hệ rạn nứt của họ với Washington.
Dẫu vậy, Financial Times cho rằng cả hai bên đều khó chịu với nhau. Việc chính quyền ông Biden tập trung vào biến đổi khí hậu đã không được lòng các quốc gia sản xuất dầu mỏ. Việc Mỹ xuất hàng triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược vào năm ngoái trong nỗ lực hạ giá xăng dầu cũng vậy.
“Ảnh hưởng của Mỹ đối với chính sách dầu mỏ của Saudi đã 'không còn nữa'”, ông Roger Diwan, chuyên gia về OPEC tại S&P Global Commodity Insights, nhận định.
Bên cạnh đó, với OPEC+, liên minh này cũng không quá lo lắng về việc cạnh tranh thị phần với các đối thủ. Không như thập kỷ trước, sản lượng đá phiến của Mỹ không còn tăng trưởng với tốc độ nhanh, do đó liên minh dầu mỏ có thể giảm lo ngại đối thủ sẽ sớm bổ sung vào phần thiếu hụt.
Mặc dù phản ứng của chính quyền ông Biden đối với lần cắt giảm mới nhất không quá mạnh, căng thẳng sẽ có thể lại hiển hiện nếu giá dầu tăng trở lại mức 100 USD/thùng hoặc nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Chính quyền ông Biden hiểu rõ rằng giá xăng dầu tăng cao có thể ảnh hưởng đến bầu cử.