Ở một thị trường mà truyện tranh nhập khẩu vẫn đang chiếm đa số thì những tín hiệu vui ấy cho phép hy vọng về một ngành công nghiệp truyện tranh trong tương lai.
Gỡ “tiếng oan” cho truyện tranh
Cách đây chưa lâu, không ít người cho rằng giới trẻ “làm chuyện điên rồ” khi xếp hàng xuyên đêm chỉ để chờ mua một tập truyện tranh sẽ phát hành vào sáng hôm sau, hay kiên nhẫn chờ dưới mưa để được vào tham gia lễ hội truyện tranh.
Tương tự, người ta cảm thấy không thể hiểu nổi vì sao độc giả trẻ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để sưu tập truyện tranh cũ hoặc mua bằng được những phiên bản truyện giới hạn. Trong bối cảnh ấy, nhiều phụ huynh cảm thấy không an tâm khi con em mình thường chúi đầu vào cuốn truyện tranh thay vì chăm chỉ đọc truyện chữ để rèn ngôn ngữ, để trí tưởng tượng bay xa hay nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn như lối nghĩ thông thường về việc đọc văn chương.
Thực tế ở nhiều quốc gia, truyện tranh được coi là môn “nghệ thuật thứ 9”. Không đơn thuần để giải trí, phục vụ trẻ em, truyện tranh thực sự là một phương thức biểu đạt có khả năng truyền tải bất kỳ câu chuyện nào và dành cho mọi đối tượng người đọc. Đặc biệt, những năm gần đây, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ cũng như cuộc sống hiện đại gấp gáp khiến con người ngày càng có xu hướng xem nhiều hơn đọc, thích động hơn tĩnh… và truyện tranh đã đáp ứng được những yêu cầu này.
Ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Bỉ, Mỹ, Đức, Canada…, thị trường truyện tranh có sự tăng trưởng mạnh, hình thành những “gu” truyện tranh riêng. Không chỉ sáng tác truyện tranh mới mà giờ đây đã xuất hiện xu hướng “truyện tranh hóa” các tác phẩm văn học kinh điển, sách khoa học hay câu chuyện về danh nhân. Nền công nghiệp truyện tranh phát triển với tác phẩm gốc là truyện tranh và nhiều tác phẩm phái sinh từ truyện tranh như phim hoạt hình, phim điện ảnh, sản phẩm tiêu dùng… mang lại nguồn thu khổng lồ.
Tại Việt Nam, "nỗi oan" của truyện tranh tồn tại từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, mặc cho những lời khuyên phiến diện và định kiến, thị trường truyện tranh vẫn sôi động và bùng nổ trong cộng đồng đọc. Với các đơn vị đi đầu trong lĩnh vực xuất bản truyện tranh như Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng hay NXB Trẻ, truyện tranh là mảng sách mang lại doanh thu tốt. Không chỉ hướng đến trẻ em, đối tượng độc giả của truyện tranh ngày càng đa dạng.
Tại buổi ra mắt cuốn truyện tranh Sơn Goal! cách đây ít lâu, một độc giả không ngần ngại chia sẻ: “Tôi đã hơn 30 tuổi nhưng vẫn là fan hâm mộ truyện tranh”.
Nhà văn, dịch giả Nhật Phi từng tâm sự rằng anh thuộc “thế hệ tác giả trẻ lớn lên trong những không gian mới đa văn hóa, nhiều sắc màu với tivi, truyện tranh và game”. Nhưng, những điều ấy không ảnh hưởng đến khả năng đọc và viết văn; thậm chí, ở trong những không gian tưởng tượng siêu hình ấy, lớp tác giả trẻ như Nhật Phi còn được sắm vai và sống một cuộc đời ảo song song với cuộc đời thực, thế nên rất nhiều tác phẩm của họ có đề tài là khoa học viễn tưởng, kỳ ảo, giả tưởng.
Dấu ấn văn hóa Việt trong truyện tranh
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều tác giả Việt dấn bước thử sức trong địa hạt truyện tranh. Nhiều bộ truyện đã tạo nên cơn sốt với độc giả Việt, như Twins - Con nhà lính, Học sinh chân kinh, Lớp học mật ngữ, Nhật ký Mèo Mốc, Thỏ Bảy Màu, Pikalong, Chiêu Hoàng kỷ…
Đặc biệt, có những bộ truyện tranh Made in Vietnam đã được vinh danh tại giải thưởng truyện tranh quốc tế như Long thần tướng của nhóm Phong Dương Comics, Ðịa ngục môn của Can Tiểu Hy, Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm. Đây là tín hiệu vui, cho thấy sự khởi sắc của ngành truyện tranh nước nhà dù rằng trước đó, Việt Nam đã có một số bộ truyện tranh ghi dấu ấn như Dũng sĩ Hesman, Cô Tiên xanh, Thần đồng Đất Việt, Trạng Quỳnh, Tý Quậy, Cậu bé rồng…
Có thể nhận ra rằng điều tạo nên màu sắc và sức hút cho những cuốn truyện tranh được yêu thích là “chất Việt” trong nội dung truyện. Trước đây, Thần đồng đất Việt gặt hái thành công là bởi yếu tố văn hóa Việt được đưa vào truyện rất nhuần nhuyễn, từ những cái tên, những câu chuyện hay từng mẩu đối thoại đậm chất dân gian xưa nhưng vẫn gần gũi với đời thường hôm nay.
Long thần tướng là truyện tranh dã sử, mà qua từng trang truyện, độc giả có thể hình dung rõ nét về trang phục, thú chơi, nếp sinh hoạt của người Việt một thời. Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm là những câu chuyện sinh hoạt hàng ngày của một thầy đồ và một thầy lang trong bối cảnh làng quê Việt Nam thời phong kiến.
Con nhà lính xoay quanh cuộc sống gia đình, trường lớp của cặp song sinh trong ngôi nhà có nhiều thế hệ là quân nhân. Hay tập truyện tranh Ly và Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết, Nào ta cùng ăn đậm dấu ấn phong tục Việt hiện thời qua chuyện đón Tết, các món ăn quen thuộc…
Yếu tố dân gian không chỉ “gây thương nhớ” với những độc giả nước nhà mà với ban giám khảo - độc giả ở các giải thưởng quốc tế cũng bị cuốn hút vào câu chuyện khám phá văn hóa. Theo ông Aoyagi Masayuki, Giám đốc bộ phận xuất bản NXB Kadokawa (Nhật Bản), đơn vị hợp tác với NXB Kim Đồng để cho ra mắt bộ truyện tranh đầu tiên về bóng đá Việt Nam mang tên Sơn, Goal!, vẻ đẹp của văn hóa truyện tranh nằm ở chính nội dung truyện với bối cảnh, nhân vật phù hợp với hình ảnh của quốc gia có bộ truyện tranh đó.
Sơn, Goal! lấy bối cảnh tại Việt Nam nhưng tác phẩm không chỉ dành cho độc giả Việt Nam mà còn hướng đến bạn đọc thế giới. “Bóng đá sẽ là thứ ngôn ngữ chung giúp chúng ta hiểu nhau”, đó là thông điệp mà bộ truyện muốn truyền tải rộng rãi; qua bộ truyện, độc giả thiếu nhi nhận ra tầm quan trọng của tình bạn và sự nỗ lực cùng nhau phấn đấu.
Tương lai của truyện tranh Việt
Sở hữu một cộng đồng đọc khá đông đảo nhưng trên thị trường truyện tranh Việt Nam, hàng ngoại vẫn chiếm đa số. Các tác giả truyện tranh hiện nay phần lớn “gặp” độc giả của mình qua "đường tiểu ngạch”. Mèo Mốc chẳng hạn, ban đầu anh chàng này xuất hiện với những trang truyện tranh đăng trên mạng xã hội, không ngờ lại được rất nhiều bạn trẻ tìm đọc và chia sẻ, rồi từ đó tạo nên cơn sốt Mèo Mốc và tác phẩm mới chính thức được xuất bản.
Bộ truyện Long thần tướng lại được “chào đời” theo hình thức gây quỹ trong cộng đồng. Dường như hiện nay, đa số đơn vị xuất bản chưa mặn mà với mảnh đất truyện tranh Việt vốn rất giàu tiềm năng.
Thiếu sự đầu tư bài bản, nguồn kinh phí hạn chế và thói quen đọc truyện không trả phí của độc giả, đó là những khó khăn mà nhiều tác giả đam mê truyện tranh nêu lên. Ở Việt Nam, truyện tranh, cũng như các ngành sáng tạo hình ảnh khác, vẫn còn đang ở những bước đi chập chững đầu tiên, Việt Nam thiếu hẳn một hệ sinh thái hỗ trợ cho sự phát triển các ngành công nghiệp hình ảnh ở Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Hà, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nêu quan điểm: Một hệ sinh thái truyện tranh không đơn thuần gồm các tác giả, họa sĩ, nhà xuất bản... mà còn có các quỹ đầu tư, cơ sở hạ tầng, các cửa hàng đại lý nhượng quyền trực tiếp và trực tuyến, viện nghiên cứu phát triển, thậm chí là các chính sách về sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại quốc tế. Đây là điều mà ngành truyện tranh Việt Nam còn thiếu.
Việt Nam có rất ít khóa đào tạo về sáng tác truyện tranh cũng như thiếu các cuộc thi để phát hiện và bồi dưỡng tác giả truyện tranh mới. Kinh nghiệm từ nước Pháp mà Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Thierry Vergon từng chia sẻ, đó là cần có những chính sách, dự án cụ thể để phát triển ngành truyện tranh nói riêng, sáng tạo hình ảnh nói chung, như tổ chức Liên hoan truyện tranh quốc tế, khai trương bảo tàng truyện tranh, xây dựng cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp, thiết lập mạng lưới đào tạo và xây dựng các quỹ hỗ trợ sản xuất…
Chỉ khi có sự nỗ lực tham gia từ nhiều phía thì mới có thể mở lối cho truyện tranh, hướng tới xây dựng công nghiệp truyện tranh phát triển.