Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất tiết kiệm trực tuyến tại Nam A Bank thay đổi kể từ hôm nay (4/5), theo hướng điều chỉnh giảm. Kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1% xuống 8,5%/năm. Kỳ hạn 7-8 tháng cũng giảm 0,1% xuống 8,6%/năm, trong khi các kỳ hạn 9-11 tháng giảm 0,2% xuống 8,4%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được Nam A Bank giảm 0,2% xuống còn 8,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất được áp dụng với các kỳ hạn 13-14 tháng. Với các kỳ hạn từ 15 tháng trở đi, Nam A Bank giảm 0,2% lãi suất, đồng loạt tại mức 8,4%/năm.
Tương tự, Ngân hàng KienLongBank bắt đầu giảm mạnh 0,2%-0,4% lãi suất các kỳ hạn ngay sau kỳ nghỉ lễ. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2% còn 8,1%/năm, kỳ hạn 9 - 12 tháng giảm 0,3% còn 8,2%/năm; kỳ hạn 15-18 tháng giảm 0,4% còn 8%/năm.
Ngân hàng Saigonbank cũng giảm lãi suất huy động kể từ hôm nay (4/5), với mức giảm từ 7,9% xuống còn 7,6%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-8 tháng. Lãi suất các kỳ hạn từ 9-11 tháng cũng giảm 0,3%, từ 8% về mức 7,7%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại Saigonbank đang ở mức 8%/năm sau thời gian dài niêm yết tại 8,3%. Lãi suất kỳ hạn 13 tháng giảm về mức 8,6%/năm, đây là kỳ hạn có lãi suất cao nhất đối với tiết kiệm trực tuyến tại Saigonbank. Trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên đều giảm 0,3% về mức 7,6%/năm.
Trước đó, VPBank thay đổi lãi suất huy động tiết kiệm giảm 0,1 - 0,2%/năm so với mức đầu tháng 4. Tiết kiệm online 6 tháng còn 7,9 - 8%/năm, 12 và 13 tháng từ 8,1 - 8,2%/năm. Thế nhưng từ 15 tháng trở đi, lãi suất chỉ còn 7,3 - 7,4%/năm.
Tương tự, là ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn ở mức cao, MB mới đây cũng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm đi xuống khá thấp so với hồi tháng 3. Hiện lãi suất huy động không kỳ hạn của nhà băng này ở mức 0,3%/năm; 1 - 5 tháng từ 5,2 - 5,3%/năm; 6 - 11 tháng từ 6,5 - 6,6%/năm; 12 - 24 tháng từ 7,2 - 7,3%/năm. Thế nhưng từ 36 tháng trở lên lại quay đầu còn 7%/năm…
Hiện chỉ có 2 ngân hàng duy trì lãi suất từ 9% ở một số kỳ hạn, gồm: OCB có mức lãi suất lên 9,1%/năm đối với tiết kiệm online từ 13 tháng trở lên và ABBank huy động lãi suất 9,2%/năm đối với kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng cũng giảm từ 1 - 2%/năm so với cách đây 2 tuần. Lãi suất bình quân liên ngân hàng chốt ngày 28/4 kỳ hạn qua đêm là 4,61%/năm, 1 tuần 4,80%/năm, 2 tuần là 4,93%/năm, 1 tháng 5,24%/năm,…
Cùng với sự đi xuống của lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm dần ở hầu hết các kỳ hạn sau mỗi đợt đấu thầu và giảm mạnh trong những phiên đấu thầu cuối tháng 3, sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm một số lãi suất điều hành.
Trong khi lãi suất huy động của các ngân hàng giảm mạnh từ 2 - 3%/năm so với thời đỉnh điểm hồi tháng 1 thì lãi suất cho vay vẫn giảm chậm. Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay mới phát sinh đối với nền kinh tế đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Mới đây, lãnh đạo Vietcombank cho biết, từ ngày 1/5 đến hết 30/7, lãi suất cho vay tại Vietcombank sẽ đồng loạt giảm 0,5%/năm. “Hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank với khoảng 110.000 khách hàng sẽ được giảm tiếp 0,5%/năm lãi suất cho vay” - lãnh đạo Vietcombank cam kết.