Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống có dấu hiệu căng thẳng, lãi suất liên ngân hàng đã bật tăng mạnh trong tuần qua, lên mức cao nhất trong hơn 10 năm.
Theo đó, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80 - 90% tổng khối lượng giao dịch) trong phiên 4/10 đã tăng gấp rưỡi, từ mức 5,26% trong phiên 3/10 lên 7,88%/năm. Đến ngày 5/10, lãi suất vay qua đêm tăng lên 8,44%/năm - mức cao nhất kể từ đầu năm 2012. Dù hạ nhiệt xuống còn 7,86% trong phiên 6/10, lãi suất liên ngân hàng vẫn đang ở vùng đỉnh 10 năm.
Không chỉ kỳ hạn qua đêm, lãi suất tại các kỳ hạn dài hơn cũng tăng mạnh. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 9 tháng hiện đã lên tới 10%/năm.
NHNN liên tục bơm thanh khoản, hạ nhiệt thị trường
Trước diễn biến trên thị trường liên ngân hàng, NHNN đã liên tục bơm tiền vào hệ thống thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO).
Riêng phiên giao dịch 7/10, có hơn 3.771 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giảm xuống còn 5,5%/năm từ mức 6,9%/năm và 6,5%/năm ghi nhận trong hai phiên trước đó, trong khi có gần 1.000 tỷ đồng đáo hạn. Đồng thời, nhà điều hành cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút tiền về như 4 phiên trước đó.
Như vậy, NHNN đã bơm ròng 2.771 tỷ đồng ra thị trường trong phiên cuối tuần này. Đây là phiên bơm thanh khoản thứ 5 liên tiếp của của NHNN, tổng lượng cung ứng ròng đạt gần 38.000 tỷ.
Kể từ khi nâng lãi suất điều hành vào ngày 23/9, NHNN đã liên tục bổ sung thanh khoản cho hệ thống với 10/11 phiên gần nhất ở trong trạng thái bơm ròng. Tính chung, NHNN đã cung ứng thêm cho hệ thống hơn 84.000 tỷ kể từ đó đến nay.
Lãi suất huy động tiếp tục tăng, đã có ngân hàng lớn niêm yết 8%/năm
Không chỉ thị trường 2, lãi suất trên thị trường 1 (giữa ngân hàng và dân cư) cũng tiếp tục được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng trong tuần qua. Trong đó, Sacombank vừa công bố biểu lãi suất mới, áp dụng từ ngày 6/10 với mức cao nhất của Sacombank đã chạm mốc 8%/năm dành cho hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, kỳ hạn 36 tháng.
Trước đó, các ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, MB,… cũng đã đẩy lãi suất huy động cao nhất lên quanh 7,5%/năm, trong khi nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) có lãi suất cao nhất là 6,8%/năm.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã quay lại thời điểm trước dịch Covid-19. Theo Chứng khoán BVSC, diễn biến tăng của lãi suất huy động trong tháng 10 sẽ còn mạnh hơn nhiều so với mức tăng của tháng 9.
Kết quả khảo sát của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV năm 2022 cho biết, các TCTD đánh giá mặt bằng lãi suất huy động-cho vay tiếp tục xu hướng tăng trong quý IV/2022 và cả năm 2022.
Cụ thể, 59-61% TCTD được khảo sát kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37 điểm % trong quý IV/2022, chỉ có 7-9% kỳ vọng lãi suất giảm nhẹ. Dự báo cho cả năm 2022, có 66-69% TCTD kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56-0,57 điểm %, chỉ có 8-10% số được khảo sát kỳ vọng lãi suất giảm.
Cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục lao dốc mạnh trong tuần giao dịch đầu tháng 10 (3-7/10/2022). Theo đó, chỉ 3 mã không giảm giá trong tuần qua, trong khi 24 mã còn lại chìm trong sắc đỏ.
Nhiều phiên giảm sàn đã khiến loạt mã ngân hàng giảm hơn 15% chỉ trong 1 tuần như LPB (-19%), STB (-18,7%), OCB (-17%), SHB (-16,9%), ABB (-16,7%), TCB (-16,2%), ACB (-16%), MBB (-15,3%).
Chỉ có 2 cổ phiếu tăng giá tuần này là EIB (8,8%) và VBB (1,1%). Trong khi KLB giữ được giá tham chiếu.
Thanh khoản toàn ngành tăng mạnh trong tuần qua, đạt gần 10.000 tỷ đồng - mức thanh khoản cao hiếm thấy trong những tháng gần đây. Riêng phiên giao dịch cuối tuần (7/10) ghi nhận giá trị giao dịch lên tới 3.500 tỷ đồng, gấp khoảng 2 lần các phiên gần nhất.
4 ngân hàng được nới thêm "room" tín dụng
Trong báo cáo mới phát hành hành, Chứng khoán VnDirect cho biết 4 ngân hàng TMCP gồm có VPBank, HDBank, MB và Vietcombank đã được điều chỉnh thêm hạn mức tín dụng cho năm 2022. Đáng chú ý, đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo tính toán của nhóm phân tích, sau đợt điều chỉnh này, sẽ có thêm khoảng 83,5 nghìn tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Đồng thời, tính đến thời điểm hiện tại, hạn mức tăng trưởng tín dụng của 18 ngân hàng (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) đạt khoảng 13,6%.
"Đây là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì", nhóm nghiên cứu tại VNDirect nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước trấn an người gửi tiền tại SCB
Sáng nay 8/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát đi thông báo cho biết, ngày 7/10/2022, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.
Về việc này Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.
NHNN khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.