Cuộc đua lãi suất ngày càng "nóng" khi các ngân hàng liên tục đẩy lãi suất huy động lên mức cao mới. Ảnh: Hoàng Hà.
Chỉ trong chưa đầy nửa tháng từ cuối tháng 9 đến nay, biểu lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã ghi nhận xu hướng tăng rất mạnh.
Không chỉ đẩy lãi suất huy động ngắn hạn (dưới 12 tháng) lên mặt bằng mới, các khoản huy động tiền gửi trung, dài hạn (12 tháng trở lên) cũng đã liên tục ghi nhận các mốc lãi suất mới.
Lãi suất huy động gần chạm mốc 9%/năm
Trong thông báo mới nhất, ABBank cho biết đang áp dụng chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm ưu đãi từ ngày 10/10 đến hết năm nay. Trong đó, ngân hàng này đưa ra mức lãi suất lên tới 7,8%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng. So với biểu lãi suất tiền gửi thông thường tại chính nhà băng này đang áp dụng, mức lãi suất ưu đãi kể trên cao hơn tới 1,4 điểm %.
Tương tự, với khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trong chương trình ưu đãi, ABBank đưa ra mức lãi suất là 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm. Không chỉ là mức lãi cao nhất tại ABBank, đây còn là mốc lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường hiện nay.
Đáng chú ý, các mức lãi suất kể trên của ABBank không yêu cầu khách hàng về số tiền gửi tối thiểu mà chỉ yêu cầu là tài khoản tiết kiệm mở mới tại ngân hàng. Ngoài ra, với các khoản tiết kiệm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, tuỳ vào kỳ hạn gửi, khách hàng sẽ được tặng thêm tiền mặt tương đương 0,3-0,8%/năm lãi suất cho tháng gửi đầu tiên.
Với động thái kể trên, ABBank đã trở thành nhà băng tiếp theo sau SCB, MSB, ngân hàng số Cake by VPBank, SeABank, DongABank, Vietcapital Bank đưa ra các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm có lãi suất trên 8%/năm.
ABBank là ngân hàng tiếp theo nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm vượt mốc 8%/năm. Ảnh: Hoàng Hà.
Trước đó, biểu lãi suất tiền gửi áp dụng từ ngày 8/10 của SCB đã ghi nhận mức tăng 1 điểm % lãi suất huy động ở các kỳ hạn trên 9 tháng.
Cụ thể, với các khoản tiền gửi online, mức lãi suất cao nhất nhà băng này đưa ra cho khách hàng cá nhân là 8,9%/năm với kỳ hạn 36 tháng. Với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất khách hàng tại đây có thể nhận được là 8,55%/năm, cao nhất hệ thống ngân hàng nếu xét tại kỳ hạn gửi 12 tháng.
Ở các kỳ hạn ngắn hạn, mức lãi suất SCB đưa ra cũng thuộc nhóm cao nhất thị trường với 8,25%/năm khi gửi 9 tháng; 7,95%/năm khi gửi 6 tháng và 5%/năm khi gửi 1-5 tháng.
Với hình thức gửi tại quầy, mức lãi suất SCB đưa ra cũng lên tới 8,1%/năm với tiền gửi kỳ hạn 18 tháng và 8%/năm khi gửi 15 tháng; 7,4%/năm khi gửi 12 tháng.
Trong khi đó, VPBank sau khi tăng lãi suất thêm 0,7-1 điểm % vào cuối tháng 9, đến ngày 6/10 tiếp tục áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân với mức tăng 0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, với hình thức gửi tại quầy, ngân hàng này đưa ra mức lãi suất phổ biến khoảng 4-4,8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, không thay đổi so với trước đó. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi 6 tháng đã tăng từ vùng 5,8-6,6%/năm lên 6,1-6,9%/năm, tùy hạn mức gửi.
Ở kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng cũng chấp nhận chi trả mức lãi suất 6,5-7,3%/năm, cao hơn 0,3 điểm % so với cuối tháng 9.
Hiện lãi suất cao nhất VPBank áp dụng với các khoản tiền gửi tại quầy là 7,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng.
Nếu chọn kênh online, lãi suất khách gửi tiền tại VPBank nhận được sẽ cao hơn 0,2 điểm % ở hầu hết kỳ hạn.
Trong đó, lãi suất gửi 6 tháng phổ biến ở 6,3-7,1%/năm; gửi 12 tháng hưởng lãi suất 6,7-7,5%/năm và gửi 36 tháng nhận lãi suất 7,2-8%/năm.
Lãi suất còn tăng đến cuối năm
Một ngân hàng tư nhân lớn khác cũng đưa ra biểu lãi suất mới từ ngày 7/10 là Techcombank.
Theo đó, với tiền gửi tại quầy, nhà băng này hiện đưa ra mức lãi kịch trần 5%/năm với kỳ hạn 1 và 3 tháng, áp dụng cho các khoản tiền gửi mở mới.
Tương tự, với tiền gửi mở mới kỳ hạn 6 tháng, dải lãi suất Techcombank đưa ra cũng tăng vọt lên mức 6,7-7,2%/năm và kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 7-7,5%/năm. Đây cũng là các mốc lãi suất cao nhất nhà băng này đưa ra hiện nay. So với tháng 9, các mức lãi suất ưu đãi này đã tăng hơn 1 điểm %.
- Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng thương mại (%/năm):
Với các kỳ hạn còn lại, lãi suất gửi 1-5 tháng phổ biến ở mức 3,55-5%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng hưởng lãi suất 5,75-6,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên hưởng lãi suất 6,15-7%/năm, đều tăng cao hơn nhiều so với tháng 9.
Trước đó, Sacombank cũng niêm yết biểu lãi suất mới từ 6/10, ghi nhận mức tăng ở một loạt kỳ hạn, áp dụng với hình thức gửi tại quầy và online.
Bao gồm, lãi suất tiền gửi 1-5 tháng tại quầy đạt mức 4,6-5%/năm; 6-11 tháng hưởng lãi suất 6,5-6,95%/năm; 12 tháng nhận lãi suất 7%/năm và trên 12 tháng là 7,1-7,5%/năm.
Nếu gửi online, mức lãi suất Sacombank chi trả tại các kỳ hạn cao hơn tương ứng 0,4-0,5 điểm %. Trong đó, lãi suất gửi 6 tháng là 7%/năm; 12 tháng là 7,4%/năm và lãi suất tối đa khách hàng nhận được là 8%/năm, áp dụng với tiền gửi kỳ hạn 36 tháng.
Ghi nhận trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích tại VNDirect cho biết không chỉ lãi suất tiền gửi trên thị trường 1 (ngân hàng với cư dân), lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại vào đầu tháng 9.
Các ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng nâng lãi suất tiền gửi sau động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) đã nâng lãi suất tiền gửi 6 tháng lên 4,7-4,8%/năm (+0,7%) và 12 tháng lên 6,4%/năm (+0,8%).
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng tư nhân đạt mức bình quân xấp xỉ 7%/năm và cao nhất đạt gần 8%/năm (áp dụng với tiền gửi tại quầy).
Các chuyên gia tại đây cho rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại có thể neo ở mức cao trong giai đoạn cuối năm nay.
Bước sang năm 2023, lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng thêm 0,4-0,5 điểm %, kéo lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các nhà băng lên mức 6,8-7%/năm (bình quân) vào cuối năm. Trong khi đó, đà tăng của lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng 0,6-1 điểm % vào năm 2023.