Kênh đầu tư gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn
“Có tiền gửi ngân hàng tiết kiệm” có lẽ đã không còn là kênh sinh lời hấp dẫn trong bối cảnh thị trường biến động khi mức lãi suất huy động liên tục giảm. Chỉ cách đây một năm, gửi tiết kiệm ngân hàng được ví như kênh đầu tư sinh lời tốt, hấp dẫn và an toàn. Đó là thời điểm mà nhiều ngân hàng tung ra mức lãi suất huy động lên tới 9-11%.
Đơn cử như thời điểm tháng 10/2022, mức lãi suất tiền gửi của Ngân hàng VPBank lên tới 11,3% dành cho khoản tiền tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng. Với khoản tiền tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng -12 tháng, mức lãi suất tiền gửi dao động 9-10,2%/năm. Tại Ngân hàng TPBank, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm chạm mốc trên 9%/năm.
Khảo sát ở thời điểm tháng 11/2022, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở con số trên 9% như Kienlongbank, GPBank, BaoVietBank, PGBank, OCB, VietBank, Sacombank, SeABank... Tại nhóm ngân hàng quốc dân (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank), lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng xấp xỉ mức 8% một năm.
Thế nhưng, đến nay, lãi suất huy động của các nhà băng liên tục hạ. Điển hình như Ngân hàng VPBank, mức lãi suất gửi tiết kiệm cho kỳ hạn 6 tháng chỉ ở mức 7,1%/năm, giảm khoảng 2-3% so thời điểm vào hồi tháng 9, 10, 11/2022. Lãi suất huy động của ngân hàng TPBank cho kỳ hạn 6 tháng đang ở mức 7%/năm. Tại nhóm các ngân hàng quốc dân ở kỳ hạn 12 tháng, suất chỉ còn 6,3%/năm.
Mức lãi suất huy động của các nhà băng khác như Kienlongbank, GPBank, BaoVietBank, PGBank, OCB, VietBank, Sacombank, SeABank đều đã hạ xuống ở mức dưới 8%/năm.
Dòng tiền sẽ chuyển hướng vào lĩnh vực địa ốc?
Mức lãi suất liên tục giảm đã khiến kênh đầu tư “gửi vào tiết kiệm” không còn hấp dẫn sinh lời.
Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Công ty môi giới bất động sản đến từ Hà Nội cho biết: “Nếu như thời điểm nửa cuối năm 2022, xu hướng người dân lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng bởi lãi suất cao, an toàn trong khi thị trường địa ốc biến động. Lãi suất gửi lên tới 10%/năm, hấp dẫn hơn rất nhiều so với đầu tư bất động sản khi đó. Chưa kể, năm 2022 là thời điểm thị trường bắt đầu “xì hơi” nên tâm lý của nhiều người lựa chọn: Gửi tiết kiệm, chờ rút tiền vào thời điểm giá đất giảm mạnh và “săn” đất rẻ.
Đến thời điểm hiện tại, mức lãi suất huy động quay trở về thời điểm đầu năm 2022 tức tỷ suất lợi nhuận của “tiền đẻ ra tiền” không còn hấp dẫn. Có thể, dòng tiền sẽ chuyển hướng vào lĩnh vực địa ốc, nhất là khi giá đất, nhà cơ bản đã giảm khá sâu”.
Ông Dũng cũng tiết lộ: “Một số khách hàng của tôi cũng đang để tiền chờ linh động trong tài khoản với kế hoạch tìm kiếm lô căn nhà đất hoặc lô đất đẹp đầu tư”.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp này nhấn mạnh: Như quy luật, khi lãi suất tiền gửi cao, dòng tiền sẽ đổ mạnh vào nhà băng. Nhưng khi lãi suất tiền gửi hạ, tiền sẽ tìm kênh đầu tư mới như bất động sản hay chứng khoán.
TS.Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, khi lãi suất đã hạ nhiệt, room tín dụng đã mở, dòng tiền có xu hướng quay trở lại thị trường sẽ tìm kiếm những kênh đầu tư tiềm năng, đem lại lợi nhuận hơn gửi tiết kiệm.
Ông Đính cho rằng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư ưa thích, phù hợp với thói quen tích lũy tài sản, khả năng bảo toàn vốn khá tốt so với các kênh đầu tư khác dưới góc nhìn kinh tế học. Vị chuyên gia này dự báo, có thể bước sang quý III/2023, khi thị trường ấm lên, lãi suất huy động giảm, sẽ có lượng tiền đáo hạn ưu tiên quay trở thị trường nhà đất.
Song ở góc nhìn thận trọng hơn, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, lại nhận định: Việc lãi suất giảm khó tác động mạnh đến thị trường bất động sản. Dòng tiền cũng sẽ không đổ vào lĩnh vực địa ốc như kỳ vọng mà nằm chờ trong nhà băng.
Ông Hiển cho rằng, một số điều kiện để thị trường hồi phục đó là cần dòng tiền lớn đổ vào lĩnh vực địa ốc, tạo ra thanh khoản và động lực cho việc mua bán. Ngoài ra, giá bất động sản phải hạ. Nhưng theo ông Hiển, triển vọng năm 2024 không có khả năng xuất hiện một làn sóng mới của dòng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản.