Sau kỳ nghỉ Tết, Quốc Minh (26 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) nhanh chóng sửa lại CV, cập nhật thông tin trên nền tảng tuyển dụng.
Chia sẻ với Zing, anh cho biết có dự định nhảy việc từ lâu nhưng cố trụ lại vì khoản lương, thưởng cuối năm 2022. Công ty hiện tại không đáp ứng được lộ trình sự nghiệp mà anh đặt ra từ đầu.
"Nhiều đơn vị vào xem hồ sơ của tôi trên nền tảng tìm việc trực tuyến, tuy nhiên chưa ai liên lạc. Tôi chủ động nộp hồ sơ vào nhiều công ty khác nhau nhưng cũng không được gọi đi phỏng vấn", anh kể.
Không những vậy, Minh còn nhờ đồng nghiệp cũ và các mối quan hệ xung quanh giới thiệu các công ty đang tuyển dụng. Nửa tháng sau Tết, hành trình nhảy việc của anh vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
Nhảy việc đầu năm
Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM về thị trường lao động sau Tết Nguyên đán Quý Mão, nhu cầu tuyển dụng ở lao động lành nghề có xu hướng tăng trong các ngành công nghệ thông tin, điện - điện tử, chế biến thực phẩm, xây dựng; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kinh doanh - bán hàng; marketing; tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch; khách sạn…
Nét nổi bật của thị trường lao động sau Tết là các doanh nghiệp sẽ tập trung tuyển một số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh vào năm 2023. Đây là cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm phù hợp.
Tuy vậy, trên thực tế, không phải nhân sự nào cũng dễ dàng tìm được công việc như ý. Nhu cầu, nguyện vọng về mức lương, thưởng cùng môi trường doanh nghiệp khiến họ chật vật tìm kiếm nơi dừng chân lý tưởng.
Tương tự Quốc Minh, Minh Thư (26 tuổi, quận 1, TP.HCM) khá e ngại khi ai đó hỏi đến công việc của mình. Nhảy việc trong giai đoạn tuyển dụng sôi động nhất của năm, Thư biết mình cần cạnh tranh với rất nhiều đối thủ.
Nhiều tháng qua, nhân viên văn phòng này cố tìm cho mình một công việc phù hợp trong khối ngành hành chính nhân sự hoặc chuyên viên tư vấn, nhưng vô vọng.
Trước đây, chỉ cần một tuần tìm kiếm trên các website tuyển dụng, cô đã lọc được công việc ưng ý để nộp CV.
"Các trang tuyển dụng giờ đây dường như chỉ chủ yếu đăng tuyển newbie (người mới vào nghề), thực tập sinh... Số ít công ty tìm kiếm cấp chuyên viên, nhân sự chính thức, nhưng tôi gửi hồ sơ cả tháng vẫn không thấy họ phản hồi", cô kể lại.
Trong khi đó, Bảo Trang (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), chuyên viên marketing, vừa ăn một cái Tết không mấy vui vẻ tại quê nhà. Cuối năm 2022, cô bất ngờ nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự tại công ty.
Chuyện sa thải đột ngột khiến Trang rơi vào trạng thái bị động, không có kế hoạch cụ thể. Nhận một tháng lương được đền bù, cô quyết định về quê nghỉ ngơi, dành thời gian tìm kiếm công việc tốt hơn.
Tuy nhiên, nhìn bạn bè, đồng nghiệp quay lại văn phòng sau Tết, cô sốt ruột vì chưa tìm được công việc như ý.
"Tôi vẫn đang ở nhà, mong có việc sớm để quay trở lại ổn định cuộc sống ở thành phố. Tôi chi tiền để được sử dụng những mẫu CV đẹp, đưa hồ sơ của mình lên top, hy vọng các bên tuyển dụng nhìn thấy", cô cho hay.
"Làm đại" một việc
Tính đến nay, Bảo Trang đã thất nghiệp hơn 2 tháng. Cô muốn quay trở lại cuộc sống ở thành phố nhưng lại không cáng đáng được mức chi phí sinh hoạt quá cao tại đây.
Cả ngày, Trang chỉ ôm máy tính, ra vào các trang web tìm việc, cập nhật các hoạt động, dự án cũ trên mạng xã hội để gây sự chú ý.
"Tôi không muốn làm việc tại công ty quy mô nhỏ, kém tiếng tăm. Nhưng có lẽ tôi phải đành nộp CV vào những nơi như vậy để vượt qua cơn khủng hoảng thất nghiệp", cô thở dài.
"Làm đại" là cụm từ Bảo Trang hay đề cập tới khi ai đó đề nghị giới thiệu một công việc mới. Trước tình hình khó khăn của bản thân, cô cho biết mình không còn dám "kén cá chọn canh".
Trong khi đó, Quốc Minh sốt ruột một phần vì đã quá chán công việc cũ, đồng thời lo nhảy việc trễ sẽ ảnh hưởng đến lương, thưởng trong năm của anh.
"Nếu vài tháng nữa mới tìm được việc ưng ý, tôi sợ chưa thích nghi môi trường mới, hiệu suất không đạt, đánh giá, lương, thưởng cuối năm sẽ ảnh hưởng theo", anh phân trần.
Minh là người có kế hoạch và lộ trình rõ ràng cho sự nghiệp của mình. Việc thị trường lao động không sôi động như mọi năm nằm ngoài dự tính của anh.
"Những công ty phù hợp tôi đều nộp CV, dù họ chưa có nhu cầu tuyển dụng. Tôi hy vọng có việc mới vào đầu tháng 3, chấp nhận mức lương không chênh lệch với hiện tại", anh khẳng định.
Còn với Minh Thư, sợ CV bị đánh giá thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, cô quyết định học thêm các khóa học quản trị nhân sự để bổ sung vào hồ sơ, hy vọng có thể cạnh tranh với các ứng viên khác.
Rút một khoản tiền tiết kiệm để chi trả cho khóa học online, Thư vẫn lo lắng như vậy là chưa đủ để cô tìm được công việc tốt, thu nhập cao hơn.
"Mãi không tìm được việc mới, trong khi công việc hiện tại bị cắt giảm lương, hoa hồng liên tục khiến tôi rất sốt ruột", Thư nói.
Trong tương lai, cô cho biết có lẽ sẽ phải tìm hiểu thêm các sản phẩm kinh doanh online, hy vọng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn trong mùa đông tuyển dụng.
Nhân sự kỳ vọng điều gì?
Mới đây, Navigos Group công bố "Báo cáo Khảo sát lương 2023: Thực trạng thu nhập & Kỳ vọng của người lao động" dựa trên phân tích từ hơn 4.100 ứng viên tại 23 ngành nghề trên cả nước.
Phần lớn người tham gia khảo sát đa phần thuộc thế hệ Gen Y - 69,28%, Gen Z chiếm 19,03%. Tiếp theo là Gen X với 11,59% và một phần nhỏ người thuộc thế hệ Baby Boomers.
Khi được hỏi về sự kỳ vọng về chính sách lương thưởng của công ty trong năm 2023, gần một nửa người tham gia khảo sát (45,62%) kỳ vọng lương sẽ được tăng đều hàng năm từ 10% trở lên.
Ngoài ra, người lao động kỳ vọng có thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch, trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm...
Bên cạnh đó, người lao động cũng mong đợi sự an toàn từ doanh nghiệp, sự nghiệp vẫn ổn định khi có các yếu tố/rủi ro bất ngờ xảy ra và kỳ vọng văn hóa doanh nghiệp thay đổi với môi trường cởi mở và thẳng thắn chia sẻ thông tin.
Trong 3-6 tháng tới, gần một nửa người tham gia khảo sát (44,28%) chưa có ý định thay đổi công việc mới trừ khi tìm thấy cơ hội mới tốt hơn. Tuy nhiên, nếu nhảy việc, 19,33% kỳ vọng mức lương tăng ít nhất 30%, 19,18% kỳ vọng tăng ít nhất 20% so với thu nhập bình quân.
Trao đổi với Zing, bà Đặng Trịnh Nhã Hương, Giám đốc khu vực miền Nam của Navigos Search, Navigos Group, dự đoán trong năm 2023, một số nhóm ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng bao gồm bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và xuất nhập khẩu, ngành sữa, ngân hàng (chỉ với nhóm các vị trí tuyển dụng thiên về chuyển đổi số), lương thực thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, dệt may, công nghệ thông tin, năng lượng, dầu khí, xây dựng (phân khúc nhà xưởng - khu công nghiệp và hạ tầng).
Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng giảm như ngân hàng, bán lẻ bất động sản thương mại, chế biến gỗ nội thất, ngành thép.
Từ những yêu cầu tuyển dụng phía khách hàng, bà Hương nhận định trong năm 2023, các doanh nghiệp có khuynh hướng muốn tìm kiếm những ứng viên đa năng, linh hoạt khi đảm đương, tiếp nhận công việc mới bất kỳ.
"Nhà tuyển dụng cũng sẵn sàng đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ mới để quan tâm và chăm lo cho đời sống cá nhân của nhân viên", bà Hương nói và cho biết một số xu hướng làm việc của năm 2023 sẽ ngày càng được doanh nghiệp và người lao động quan tâm như:
- Đa năng và đa dạng hóa đầu mục công việc để sẵn sàng nhận thêm nhiệm vụ công việc mới.
- Làm việc từ xa hoặc làm việc kết hợp ở bất kỳ nơi đâu.
- Tự chủ trong công việc.
- Quan tâm đến chế độ đãi ngộ nhân viên.