Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo về lượng giao dịch bất động sản để bán qua công chứng tháng 7/2023. Số liệu được tổng hợp từ báo cáo của 42/42 tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tính đến ngày 31/7.
Phần lớn giao dịch trong khu dân cư hiện hữu
Về phân khúc đất nền, tháng qua, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 1.412 giao dịch, tập trung phần lớn ở khu dân cư hiện hữu, với 1.395 giao dịch. Chỉ có 17 giao dịch đất nền tại các dự án, trong đó, tại TP. Bảo Lộc có 4 giao dịch, huyện Bảo Lâm có 12 giao dịch. So với tháng 6/2023, lượng giao dịch đất nền tại Lâm Đồng tháng 7/2023 đã tăng 92 giao dịch. Đáng chú ý, lượng giao dịch đất nền tại các dự án lại giảm, cụ thể khi tháng 6/2023 có 34 giao dịch thì tháng 7/2023 chỉ bằng một nửa.
Đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, cả tỉnh Lâm Đồng tháng qua có 148 giao dịch. Chủ yếu vẫn là nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu, với 145 giao dịch, tại các dự án nhà ở chỉ 3 giao dịch. Nếu so với 165 giao dịch của tháng 6/2023, lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ tháng 7/2023 của tỉnh giảm 17 giao dịch.
Còn về phân khúc căn hộ chung cư, tháng 7 và tháng 6/2023 đều chỉ có 3 giao dịch mỗi tháng.
Trong khi đó, thị trường cho thuê văn phòng và mặt bằng thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cũng không mấy khởi sắc. Nếu như tháng 6/2023, tổng lượng giao dịch của hai loại hình này là 61 giao dịch, thì tháng 7/2023 lại chỉ có 47 giao dịch.
Sở Tư pháp cho biết, thống kê toàn quý 2/2023, lượng giao dịch bất động sản đất nền, nhà ở riêng lẻ, chung cư, cho thuê văn phòng và mặt bằng thương mại trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 5.712 giao dịch, tăng 2.014 giao dịch so với quý trước.
Xử lý nghiêm các vi phạm
Theo tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, thị trường bất động sản của tỉnh cũng nổi cộm lên một số vấn đề. Trong đó, các ngành chức năng phát hiện trên mạng xã hội có tình trạng tổ chức, cá nhân bất chấp quy định để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, như: quảng cáo sai sự thật về dự án bất động sản; tổ chức mở bán, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, huy động vốn “lách luật” thông qua hình thức “hợp đồng đặt cọc”, “hợp đồng giữ chỗ”...
Ngoài ra, một bộ phận “cò đất” thuộc sàn, văn phòng giao dịch bất động sản còn thực hiện chiêu trò mua đi bán lại “thổi giá”, gây sốt ảo nhằm mục đích đẩy giá bất động sản lên cao; thu gom các loại đất chưa phải là đất ở để chuyển đổi mục đích sang làm đất ở…
Để ngăn chặn tình trạng này, UBND tỉnh đã liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường về công tác quản lý thị trường bất động sản. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông được yêu cầu xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện thông tin, truyền thông, trang mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bất động sản, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc chưa đảm bảo điều kiện giao dịch trên thị trường.
Ngoài ra thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng phải tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo mua bán bất động sản; phối hợp cùng đơn vị liên quan xử lý các hoạt động quảng cáo, kinh doanh bất động sản sai sự thật, đặc biệt là hoạt động quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội (Internet, Facebook, TikTok…). Quản lý chặt chẽ các trang tin, website… chỉ đăng tin quảng cáo dự án bất động sản đã đủ điều kiện được huy động vốn, đủ điều kiện được mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, hoạt động đấu giá đất, thu thuế kinh doanh bất động sản theo chức năng, nhiệm vụ. Phối hợp với công an tỉnh để cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu của những dự án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhằm làm cơ sở điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.