6h, Lâm Anh (28 tuổi, Hà Nội) dậy làm việc sau giấc ngủ đêm vỏn vẹn 4 tiếng. Bé Bông - con gái cô - đang trong giai đoạn khủng hoảng, thường xuyên thức đêm và quấy khóc.
Một tháng qua, người mẹ trẻ không có nổi giấc ngủ trọn vẹn.
Dù vậy, mỗi ngày, Lâm Anh vẫn làm việc 14 tiếng, từ 6h đến 20h. Lịch làm việc này không thay đổi từ đầu năm đến nay, chủ yếu do cô đang nhận làm thêm một công việc ngoài giờ hành chính để có tiền thuê người giúp việc, hỗ trợ trông con khi vợ chồng đi làm.
Công việc phụ, việc ngoài giờ, nghề tay trái (side job, side hustle) được coi là xu hướng làm việc của nhiều nhân sự. Gia tăng thu nhập là mục tiêu chính của những người này và trở nên đặc biệt cấp bách với những ai đã có gia đình và chịu áp lực lớn về tài chính.
Làm thêm để thuê giúp việc
Lương từ công việc văn phòng của hai vợ chồng Lâm Anh chỉ đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của gia đình 3 người. Từ ngày đi làm lại sau 6 tháng nghỉ thai sản, cô luân phiên nhờ ông bà nội, ngoại hỗ trợ chăm bé Bông.
Tuy nhiên, cha mẹ ở quê đều có công việc riêng, nên Lâm Anh phải tìm người giúp việc, chấp nhận trả lương 7 triệu đồng/tháng. Cân đối các khoản thu nhập và chi tiêu, cô cố gắng làm thêm để có tiền trả lương cho người giúp việc.
May mắn tìm được công việc nhập liệu online, hàng tháng, người mẹ này có thể kiếm thêm khoảng 7 triệu đồng.
Thỉnh thoảng, Lâm Anh nhờ chồng phụ giúp làm thêm. Tháng đột biến, 2 vợ chồng có thể kiếm được 10 triệu đồng từ công việc ngoài giờ này.
"Khoản thu nhập này giúp tôi có tiền trả lương cho người giúp việc. Đôi khi dư được 1-2 triệu đồng để mua thêm bỉm, sữa cho con", Lâm Anh kể.
Trong khi đó, Thanh Vân (29 tuổi, Hà Nội) cho hay ở giai đoạn cao điểm đã làm cùng lúc 3 công việc: quản lý một khách sạn của gia đình, sáng tạo nội dung cho một công ty media và bán thêm đồ ăn dặm cho trẻ.
Với Vân, quản lý khách sạn là công việc quan trọng nhất và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình, còn lại là các công việc làm thêm để gia tăng thu nhập.
Hàng tháng, gia đình Vân chi khoảng 30-35 triệu đồng cho sinh hoạt, ăn uống, tiền học của 2 con.
Thực tế, khoản thu từ khách sạn đáp ứng cơ bản nhu cầu chi tiêu của gia đình. Tuy nhiên để có tích lũy, Vân chọn làm thêm các công việc khác.
Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số tháng 3/2022 khảo sát 621 phụ nữ tại Hà Nội nhận định về các giá trị liên quan tới đời sống vật chất, kinh tế, thể chất của gia đình. Trong đó, 83,9% người dưới 35 tuổi muốn cuộc sống tiện nghi và có tài sản để dành, 78,8% muốn có điều kiện tham gia các hoạt động du lịch, giải trí. Về nhà ở, thay vì tiêu chí "có nhà riêng để ở", phần lớn (67,8%) chọn "có nhà riêng khang trang, rộng rãi".
Báo cáo cho thấy phụ nữ ngày càng đầu tư và hướng tới các giá trị thiên về chất lượng cuộc sống. Điều kiện kinh tế ngày càng tốt hơn khiến đa số phụ nữ trong khảo sát nhận thấy sự cần thiết của các giá trị không chỉ đảm bảo nhu cầu sống cơ bản nữa, mà còn hướng tới các giá trị thu hưởng cuộc sống nhiều hơn.
Phương Thảo (27 tuổi, Nghệ An) là kế toán viên của một bệnh viện tại địa phương. Chồng Thảo cũng công tác cùng cơ quan. Trước khi có con, thu nhập từ công việc tại bệnh viện của hai vợ chồng cơ bản đáp ứng các nhu cầu chi tiêu hàng ngày.
Tuy nhiên từ khi sinh thêm con cách đây khoảng 4 tháng, hai vợ chồng nhận thấy tiền lương chỉ tương đương 50% tổng mức chi tiêu của cả gia đình. Hai vợ chồng quyết định dùng đến khoản thu nhập từ công việc làm thêm của Thảo để đủ trang trải chi phí.
"Tôi bắt đầu làm thêm từ 3 năm trước, công việc là sáng tạo nội dung, phục vụ hoạt động marketing cho một công ty về mẹ và bé tại Hà Nội. Lúc đó, tôi làm chủ yếu vì thích, ngoài ra cũng có thể kiếm thêm một khoản tiền để tự do mua sắm, đi du lịch…", Thảo kể.
Sau này khi đã gắn bó đủ lâu, Thảo dần có vị trí hơn tại công ty, nhờ đó thu nhập từ việc làm thêm tăng dần. Vai trò của công việc này cũng thay đổi theo.
"Từ ngày sinh con, công việc này đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình, giúp hai vợ chồng có thêm tiền để chi tiêu, mua sắm cho con và có thêm một khoản tiết kiệm nhỏ", Thảo chia sẻ.
Tại Việt Nam, theo khảo sát của QandMe trên 300 người lao động, 66% cho biết có làm thêm công việc phụ, trong đó 70% làm với mức độ thường xuyên.
Theo báo cáo của Manpower, công ty cung cấp các giải pháp nhân sự toàn diện tại Việt Nam, cho biết có 87% người lao động Việt ưa chuộng các công việc bán thời gian như phụ trách dự án hoặc việc freelance. Trong nhiều trường hợp, họ tìm tới các dự án freelance để tăng thu nhập, hoặc tìm cơ hội phát triển chuyên môn.
Áp lực
Hàng ngày, Lâm Anh phải dậy từ 6h, bất kể ngày thường hay cuối tuần, ngày lễ hay ngày Tết để đảm bảo dữ liệu được cập nhật đầy đủ trước giờ hành chính. Mẹ bỉm sữa kể có những giai đoạn bé Bông rơi vào tuần khủng hoảng, hai vợ chồng thay phiên nhau thức đêm để trông con, nhưng sáng hôm sau vẫn phải dậy đúng giờ để làm việc.
"Tôi chấp nhận không còn ngày nghỉ nào kể từ lúc nhận việc làm thêm này, nhiều lúc cũng kiệt sức. Nhưng chỉ khi làm 2 công việc cùng lúc thì mới đủ để chi tiêu gia đình", Lâm Anh chia sẻ.
May mắn hơn Lâm Anh, công việc kế toán của Phương Thảo không quá bận, cộng thêm việc Thảo đã quen với chuyện làm thêm từ trước nên không cảm thấy áp lực hay mệt mỏi. Vợ chồng Thảo có lợi thế ở gần bố mẹ nên được ông bà giúp đỡ việc nhà, hỗ trợ trông bé.
Với Thanh Vân, công việc ở khách sạn không cần quá nhiều thời gian nên cô có thể chủ động nhận thêm nghề phụ bên ngoài. Một năm nay, Vân còn sắp xếp thời gian để tham gia một lớp học ngoại ngữ.
"Làm nhiều công việc cùng lúc, chăm sóc 2 con nhỏ rồi còn học ngoại ngữ, thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy quá tải, áp lực", Thanh Vân cho hay.
"Tôi thường phải dậy sớm hơn để có thời gian làm việc nhà, đi ngủ muộn hơn để tìm tư liệu dạy con, chuẩn bị bài vở để học ngoại ngữ. Cuộc sống bận rộn nhưng tôi thường suy nghĩ theo hướng tích cực là mình đang sống có ích, đang tiến lên mỗi ngày, đa dạng nguồn thu nhập. Hiện tại tôi rất hài lòng với cuộc sống và các lựa chọn của mình", Vân chia sẻ.
Vừa chăm con, vừa phải đảm bảo chất lượng công việc chính, Lâm Anh, Thanh Vân và Phương Thảo đều cho rằng họ phù hợp với những công việc nhẹ nhàng, vui vẻ, ít phải di chuyển.
Thanh Vân quan niệm những công việc chị làm thêm hiện nay đều mang đến niềm vui, cảm giác mới mẻ. Dù vậy, nghề tay trái, theo Vân đánh giá, cần phải nhẹ nhàng, linh động, không yêu cầu đi công tác hay quá khắt khe về mặt tổ chức.
"Tôi hoàn toàn chủ động trong công việc của mình, không bị gò bó thời gian. Tôi có thể sắp xếp thời gian làm việc một cách linh hoạt, miễn rằng mọi công việc đều hoàn thành đúng kế hoạch và đáp ứng chất lượng", Thanh Vân chia sẻ.
Trong khi đó, Lâm Anh nói rằng cô chọn nhập dữ liệu vì công việc này không đòi hỏi sự sáng tạo hay yêu cầu khắt khe về năng lực.
"Tôi cũng không cần đến cơ quan hay gặp gỡ đồng nghiệp. Xác định đây chỉ là công việc phụ, giúp mình có tiền trang trải trong giai đoạn này, tôi hoàn toàn không tính đến việc gắn bó lâu dài".