Theo CNBC, nền kinh tế Mỹ trong tuần vừa qua đã ghi nhận nhiều tin tức tích cực. Cả giá hàng hoá nhập khẩu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) đều hạ nhiệt trong tháng 7.
Theo nhận định từ Cục Phân tích Kinh tế, những chỉ số trên sụt giảm là tin tốt, giúp củng cố niềm tin vào nền kinh tế của người dân Mỹ. Đồng thời, đó cũng là động lực thúc đẩy nền kinh tế tiến tới con số 4.000 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu trong năm nay.
Tín hiệu tích cực
Cụ thể, giá hàng hóa nhập khẩu của tháng 7 đã giảm 1,4% so với tháng 6. Đây là lần đầu tiên thước đo này đi xuống trong năm nay, phần nào giúp giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho người tiêu dùng. Trước đó, người dân nước này đã phải gánh chịu những hóa đơn khổng lồ cho thực phẩm, năng lượng và một loạt mặt hàng nhập khẩu khác.
Ngoài ra, Cục Thống kê Lao động cũng thông báo rằng so với tháng 6, chỉ số PPI của tháng 7 giảm khoảng 0,5%, còn chỉ số CPI đi ngang. Chuyển biến này có được phần lớn là nhờ vào việc giá năng lượng hạ nhiệt.
Mặt khác, theo một khảo sát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York công bố hồi đầu tuần, đa số người dân Mỹ nghĩ rằng lạm phát vẫn sẽ ở mức cao nhưng không đạt đỉnh như những tháng trước. Một cuộc khảo sát tâm lý khác của đại học Michigan cũng cho kết quả tương tự.
Nhìn chung, các số liệu tuần qua đã giúp gây dựng niềm tin của công chúng và các nhà hoạch định chính sách vào nền kinh tế nhiều hơn.
Dù vậy, giới chuyên gia vẫn cảnh báo rằng đây mới chỉ là báo cáo của một tháng và mọi người nên thận trọng.
Vẫn cần thận trọng
Nhìn chung, những con số của báo cáo tháng này đã cho thấy những tín hiệu lạc quan, nhưng nó không phải là một mệnh đề chắc chắn cho nền kinh tế Mỹ.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, giá hàng hoá nhập khẩu tháng 7 thực chất vẫn tăng tới hơn 8,8%, trong khi khi CPI cao hơn 8,5% và PPI bật tăng hơn 9,8%.
Bình luận về chỉ số CPI hiện tại, ông Krishna Guha - trưởng bộ phận chính sách toàn cầu và chiến lược ngân hàng cho Evercore ISI - cho hay: “Mặc dù số liệu mới của tháng này là nhất quán với nhận định áp lực lạm phát có lẽ đã đạt đỉnh, nhưng đây mới chỉ là tháng đầu tiên”. Ông Guha cho rằng thời gian tới còn cần phải chú trọng hơn nữa.
Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, cũng đưa ra nhận xét tương tự. Đối với ông Barkin, tin tức mới về lạm phát là “rất đáng hoan nghênh”, nhưng không có lý do nào để dừng đà tăng lãi suất.
“Còn một chặng đường rất dài cho đến khi FED cảm thấy có đủ bằng chứng thuyết phục rằng lạm phát đã được kiểm soát để họ có thể ngừng tăng lãi suất”, ông Guha nhận xét.
Tuần tới, FED và các nhà đầu tư sẽ theo dõi thêm về ảnh hưởng của lạm phát đối với chi tiêu để tìm ra hướng đi tiếp theo của nền kinh tế.
Sức mạnh tiêu dùng
Ngoài những số liệu trên, những phản ứng thực tế của người tiêu dùng trên thị trường bán lẻ cũng là một điều quan trọng.
Bộ Thương mại Mỹ dự kiến công bố báo cáo doanh số bán lẻ tháng 7 vào ngày 17/8 tới. Theo dự đoán của FactSet, doanh số bán lẻ toàn phần có thể nhích lên khoảng 0,2% trong tháng vừa rồi sau khi tăng 1% trong tháng 6.
Một dự báo tích cực khác là chi tiêu của những mặt hàng nằm trong chỉ số CPI lõi (chỉ số CPI không tính năng lượng và thực phẩm) có thể tăng 0,9%.
Tuy nhiên, Citigroup lại cho biết, dữ liệu thẻ tín dụng của họ cho thấy có khả năng doanh số bán lẻ sẽ giảm 1,1% trong tháng 7. Ngoài ra, Bank of American cũng nhận định thước đo này có thể sụt 0,2%.
Ông Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại hãng tư vấn RSM, cho biết: “Có vẻ lạm phát sắp đạt đỉnh”. Tuy nhiên, ông nói số liệu tuần này vẫn chưa thể thể làm lung lay quyết tâm của FED trong việc đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%.
“Tôi nghĩ rằng việc chỉ số lạm phát giảm bớt trong tháng 7 sẽ không làm thay đổi đường lối chính sách của FED. Những người tin rằng FED sẽ thay đổi mục tiêu lạm phát 2% nên từ bỏ suy nghĩ đó”, ông Brusuelas nhấn mạnh.
“Chúng ta cần thêm vài tháng nữa mới có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục cho việc lạm phát có thể đạt được mức 2% hay không”, vị chuyên gia bày tỏ.