Angelina Scott bị mắc bệnh rối loạn tim mạch và huyết áp cao. Hiện người phụ nữ 45 tuổi này phải sử dụng đồng thời 5 loại thuốc khác nhau.
Tuy nhiên, với tình hình lạm phát tăng cao cùng những hóa đơn y tế lên tới hàng trăm USD mỗi tháng, Scott và chồng đang dần suy kiệt về mặt tài chính.
Để cắt giảm chi phí, Scott đã ngừng dùng thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích. Cô cho biết loại thuốc này không được bảo hiểm chi trả và cô sẽ tốn vài trăm USD mỗi tháng để tiếp tục uống thuốc điều trị.
Lạm phát tăng cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính của các hộ gia đình. Không chỉ Angelina Scott, hàng triệu người Mỹ đang phải đưa ra quyết định bỏ mặc sức khỏe của bản thân.
Vào tháng 6 năm nay, chi phí chăm sóc sức khỏe của Mỹ đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá thực phẩm, khí đốt, tiền thuê nhà và các dịch vụ khác cũng đang tăng với tốc độ phi mã, nhiều người Mỹ đang phải vật lộn để trang trải chi phí chăm sóc y tế.
"Người dân đang phải đánh đổi giữa việc trả tiền mua thuốc, khám bệnh, điều trị và các chi phí sinh hoạt thường ngày”, Alan Balch - giám đốc điều hành của tổ chức Patient Advocate - cho biết.
Theo khảo sát từ Gallup và West Health, trong 6 tháng qua, cứ trong 5 người trưởng thành thì có 2 người - ước tính khoảng 98 triệu người Mỹ - đã trì hoãn, bỏ qua việc điều trị bệnh, cắt giảm tiền xăng xe, điện nước, thực phẩm hoặc vay tiền chỉ để trả các hóa đơn y tế.
Chi phí chăm sóc sức khỏe từ lâu đã trở thành gánh nặng tài chính đối với hàng triệu người Mỹ. Các chi phí liên quan đến y tế còn tăng nhanh hơn cả lạm phát trong những thập kỷ gần đây.
Tiền sinh hoạt tăng, tiền khám chữa bệnh cũng tăng, hàng triệu người Mỹ đang rơi vào cảnh bế tắc trong việc cân đối chi tiêu.