Bánh pandesal là loại bánh mì cuộn mà người Philippines thường chấm với cà phê hoặc trộn với phô mai. Matimyas Bakery, một tiệm bánh ở ngoại ô Manila, từng bán loại bánh này với khối lượng 35 g.
Tuy nhiên, khi chi phí nguyên liệu tại địa phương và các mặt hàng nhập khẩu tăng cao trong những tháng gần đây, cửa hàng này đã giảm dần kích thước của bánh xuống còn khoảng 25g để tránh giá bánh tăng 2,5 peso (khoảng 0,04 USD).
Bánh pandesal được gọi là “bánh mì của người nghèo” vì giá của nó tương đối rẻ.
Bản thân những cửa hàng cũng không hề hào hứng với việc tăng giá. Jam Mauleon, đồng sở hữu tiệm bánh Matimyas Bakery, cho biết cô sợ rằng chỉ cần tăng giá nhẹ cũng sẽ khiến những khách hàng có ít tiền trong khu phố của cô tìm đến một tiệm bánh đối thủ cách đó 5 dãy nhà.
Trả lời AFP, cô Mauleon cho biết: "Chúng tôi phải giảm khẩu phần để tồn tại”.
Khi Philippines dỡ bỏ các hạn chế vì Covid-19 và học sinh bắt đầu quay trở lại trường trong năm nay, cô Mauleon đã hy vọng có thể làm ăn khấm khá hơn.
Tuy nhiên, kể từ tháng 12, giá nguyên liệu làm bánh đã tăng đáng kể. Giá bột mì đã tăng hơn 30%, giá đường tăng 25% và giá muối tăng 40%, cô cho biết.
Đối với bà mẹ 5 con Laarni Guarino, giá cả tăng cao đồng nghĩa với việc gia đình cô có ít bánh hơn vào bữa sáng.
Cô Guarino cho biết: "Chúng tôi sẽ phải tính toán lại ngân sách của mình. Từ 5 cái cho mỗi bé, các con tôi sẽ chỉ còn được ăn từ 3 đến 4 phần”.
Nhà lập pháp và nhà kinh tế Joey Salceda cho biết bánh mì là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của “lạm phát thu nhỏ” – thuật ngữ chỉ kích thước của một sản phẩm nhỏ hơn nhưng giá vẫn giữ nguyên.
"Giá lúa mì đã tăng 165%", ông cho biết. Ông cũng kêu gọi các tiệm bánh tăng cường vitamin và khoáng chất trong các sản phẩm của mình.
Lạm phát ở Philippines chạm mức 6,1% trong tháng 6, mức cao nhất trong gần 4 năm qua. Giá nhiên liệu tăng mạnh đã đẩy giá thực phẩm và vận tải lên cao ở quốc đảo này.