Theo CNBC, giữa những rối ren chính trị, khủng hoảng kinh tế, các cuộc biểu tình và đình công của người lao động có thể tạo nên một mùa hè bất ổn tại Anh.
Lạm phát tháng 6 của Anh vừa chạm mốc 9,4%, mức cao nhất trong vòng 40 năm. Thu nhập không theo kịp lạm phát khiến người lao động bất bình.
Theo báo cáo được Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố hôm 19/7, trong tháng 3, 4 và 5, mức tăng lương của khu vực tư nhân và khu vực công lần lượt là 7,2% và 1,5%, trung bình đạt 6,2%.
Như vậy, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thu nhập thực tế của người Anh đã lao dốc 3,7%. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 21 năm.
Làn sóng bất bình
Tốc độ tăng lương của khu vực công ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2017. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh 11% trong năm nay.
Người lao động của mọi ngành nghề đã có những động thái phản đối, từ các tài xế, lính cứu hỏa, bác sĩ, y tá, giáo viên, nhân viên bưu điện, công chức, luật sư đến kỹ sư.
Cách đây vài tuần, các công nhân đường sắt tại Anh đã đình công để phản đối điều kiện làm việc khắc nghiệt và thu nhập ít ỏi. Nghiệp đoàn công nhân Đường sắt, Hàng hải và Vận tải sẽ tổ chức một cuộc biểu tình kéo dài 24 giờ vào ngày 27/7.
Hôm 19/7, hơn 115.000 nhân viên của Royal Mail - thành viên Liên đoàn Công nhân Truyền thông (CWU) - đã bỏ phiếu cho một cuộc đình công nhằm phản đối về mức lương. Tỷ lệ đồng ý áp đảo với 97,6%.
Royal Mail từng là công ty quốc doanh độc quyền trong lĩnh vực bưu chính. Sau gần 500 thuộc sở hữu của chính phủ Anh, công ty được tư nhân hóa vào năm 2015.
Công ty vừa thua lỗ 92 triệu bảng Anh ( 110 triệu USD) trong quý I. Doanh thu lao dốc 11,5%, khối lượng bưu kiện cũng sụt giảm 15%. Nguyên nhân là người tiêu dùng hạn chế mua sắm trực tuyến vì lạm phát.
Phó tổng thư ký CWU Terry Pullinger khẳng định 97,6% phiếu ủng hộ là "thước đo phẫn nộ" của các công nhân Royal Mail.
Theo ông, các công nhân của Royal Mail là những người lao động thiết yếu trong thời kỳ đại dịch.
"Sau mọi thứ họ làm trong năm qua, thậm chí lâu hơn, các cổ đông nhận hàng triệu bảng Anh, lãnh đạo và thành viên hội đồng quản trị của công ty được trả khoản lương khổng lồ. Trong khi đó, những nhân viên giao hàng chỉ được tăng lương 2%", ông lập luận.
"Điều đó là không thể chấp nhận nổi", ông Pullinger nhấn mạnh.
Vòng xoáy lạm phát
Ofgem - cơ quan quản lý năng lượng của Anh - đã tăng mức giá trần năng lượng lên 54% trong tháng 4. Giới quan sát dự báo giới hạn giá sẽ tiếp tục đi lên vào tháng 10. Điều này có thể đẩy lạm phát tại Anh lên cao hơn nữa.
Trong khi đó, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đã tạo ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Các hộ gia đình thu nhập thấp thậm chí phải lựa chọn giữa ăn uống và sưởi ấm.
Gánh nặng lạm phát đè nặng lên triển vọng kinh tế Anh. Theo ONS, GDP tháng 5 ước giảm 0,3%, cả 3 lĩnh vực chính của nền kinh tế - dịch vụ, chế tạo và xây dựng - đều lao dốc. Trong tháng 5, doanh số bán lẻ ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp.
Chi phí sinh hoạt tăng cao đã gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế Anh, vốn được thúc đẩy bởi sức mạnh tiêu dùng
Ông Hussain Mehdi - chiến lược gia vĩ mô và đầu tư tại HSBC Asset Management
Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Trong một báo cáo được công bố hồi đầu tháng, Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo rằng triển vọng của nền kinh tế đã xấu đi.
Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo nền kinh tế Anh đang sắp rơi vào tình trạng đình đốn. Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP sẽ là 0% trong năm 2023, mức thấp nhất trong G7.
"Chi phí sinh hoạt tăng cao đã gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế Anh, vốn được thúc đẩy bởi sức mạnh tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là nguy cơ suy thoái kinh tế đang gia tăng mạnh ở Anh", ông Hussain Mehdi - chiến lược gia vĩ mô và đầu tư tại HSBC Asset Management - nhận định.
Các kế hoạch biểu tình của người lao động Anh gợi nhớ tới "mùa đông bất mãn" vào những năm 1978-1979. Thời điểm đó, nước Anh mất tương đương 30 triệu ngày làm việc vì các cuộc đình công trong thời kỳ lạm phát cao.
Sau đó, Anh đã đẩy mạnh luật chống đình công. Trong nhiều thập kỷ kể từ đó, số thành viên trong các công đoàn cũng giảm mạnh. Nhưng khi Anh chao đảo vì cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, những động thái của các công đoàn thu hút sự chú ý của công chúng hơn.