Theo CNBC, Mỹ đang tiến gần hơn đến bờ vực suy thoái, sau khi lạm phát tăng vọt và tâm lý người tiêu dùng lao dốc nghiêm trọng.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981. Lạm phát ở Mỹ được thúc đẩy bởi giá xăng, hàng hóa và dịch vụ tăng vọt.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết giá năng lượng đã tăng 34,6% trong năm qua, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2005, còn giá lương thực tăng 10,1%, lần đầu vượt mức 10% hồi tháng 3/1981.
Niềm tin suy yếu
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA), trong tháng 5, giá xăng ở Mỹ tăng khoảng 4,1% lên mức trung bình khoảng 4,37 USD /gallon (1 gallon tương đương 3,78 lít).
Theo số liệu của Đại học Michigan, chỉ số đo lường mức độ lạc quan của người tiêu dùng đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978. Con số này thấp hơn thời điểm làn sóng dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, cuộc khủng hoảng tài chính và khi lạm phát đạt đỉnh vào năm 1981.
CNN đưa tin theo một báo cáo mới của công ty nghiên cứu thị trường The NPD Group, cứ 10 người tiêu dùng thì có hơn 8 người đang lên kế hoạch tính toán lại, hoặc giảm chi tiêu trong 3-6 tháng tới.
Giới quan sát cho rằng Mỹ khó thoát khỏi một cuộc suy thoái. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nền kinh tế bắt đầu suy thoái vào quý III/2022", ông Peter Boockvar - Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group - nhận định.
Khó có thể tính toán chính xác thời điểm nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái. Nhưng theo những con số gần đây, suy thoái có thể tới sớm hơn dự báo trước đó của giới quan sát.
Chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ổn định, nhưng tỷ lệ tiết kiệm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008. Đó là thời điểm Lehman Brothers sụp đổ và khởi nguồn cho một cuộc khủng hoảng tài chính.
Theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tài sản của các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ đã giảm 500 tỷ USD xuống còn 149.300 tỷ USD trong quý I/2022.
Đó là một sự thay đổi đáng chú ý, sau khi tài sản của các hộ gia đình tăng vọt vào năm 2020 nhờ giá nhà và cổ phiếu tăng phi mã.
Kinh tế Mỹ ghi nhận tăng trưởng âm 1,4% trong quý I. Nếu tiếp tục lao dốc trong quý II, nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào suy thoái, tức chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế âm liên tục trong 2 quý.
Khó tránh suy thoái
Thị trường mạnh mẽ lao động hiện là lá chắn lớn giúp chống lại rủi ro suy thoái. Nhưng thị trường lao động cũng đã phát đi những tín hiệu kém khả quan.
Cụ thể, trong tháng 5, bảng lương phi nông nghiệp - thể hiện sự thay đổi về tổng số người lao động hưởng lương tại Mỹ, không bao gồm ngành công nghiệp và các công chức nhà nước - đã ghi nhận mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 4/2021.
Bảng lương phi nông nghiệp được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hàng tháng và là một trong những báo cáo kinh tế vĩ mô quan trọng nhất.
Ngày càng nhiều công ty thông báo, hoặc cảnh báo rằng tâm lý người tiêu dùng đang xuống dốc nghiêm trọng, bởi họ lo ngại về việc thu nhập khả dụng giảm
Ông Rick Rider, CIO mảng thu nhập cố định toàn cầu tại BlackRock
Thêm vào đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong tuần trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 1.
Phố Wall kết thúc phiên giao dịch tuần qua trong sắc đỏ. Chỉ số Dow Jones giảm 880 điểm, tương đương 2,73%, xuống 31.392 điểm, còn chỉ số S&P 500 mất 116,96 điểm còn 3.900 điểm.
Riêng chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ chứng kiến mức giảm 414,2 điểm, tương đương 3,52%, về 11.340 điểm.
Theo CNN, giới đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu và trái phiếu vì lo ngại rằng FED sẽ tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát tăng nóng. Thêm vào đó, triển vọng tương đối khả quan đối với thu nhập doanh nghiệp khó có thể kéo dài.
FED đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay và phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu.
"Ngày càng nhiều công ty thông báo, hoặc cảnh báo rằng tâm lý người tiêu dùng đang xuống dốc nghiêm trọng, bởi họ lo ngại về việc thu nhập khả dụng giảm. Do đó, những người tiêu dùng này có thể cắt giảm chi tiêu đáng kể", ông Rick Rider - CIO mảng thu nhập cố định toàn cầu tại BlackRock - bình luận.
Ông Rieder lo ngại rằng khi lạm phát tăng nóng, việc FED thắt chặt chính sách quá mức là rủi ro lớn nhất đối với chi tiêu của người tiêu dùng và thị trường việc làm. "Ngân hàng trung ương có thể tạo ra một sai lầm chính sách tai hại", ông cảnh báo.