Tháng 1/2023, Salesforce tuyên bố sẽ sa thải khoảng 10% lực lượng lao động (~80.000 nhân viên). Cũng trong tháng đó, Amazon thông báo sẽ sa thải 18.000 nhân viên và tuần vừa rồi, họ tiếp tục cho biết đang có kế hoạch sẽ sa thải thêm khoảng 9.000 nhân viên. Trong khi đó, tháng 11 năm ngoái, Meta đã sa thải 11.000 nhân viên và vừa qua, họ cũng công bố kế hoạch sa thải khoảng 10.000 người.
Trong khi, làn sóng sa thải tàn nhẫn đã khiến nhiều người lao động luôn trong trạng thái lo lắng, bất an về tương lai, thì hầu hết các nhà đầu tư lại ủng hộ các công ty sa thải nhân viên vì cho rằng điều này sẽ giúp họ hoạt động hiệu quả hơn trong thời điểm này.
Một phần nguyên do giải thích tình trạng này là các công ty đã tuyển dụng quá nhiều trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, để giờ đây họ phải điều chỉnh quy mô nhân sự cho phù hợp với thị trường đang liên tục thay đổi. Tuy nhiên, khác với số đông, nhiều nhà quan sát cho rằng hy sinh nhân viên để làm hài lòng các nhà đầu tư là suy nghĩ ngắn hạn tồi tệ của các công ty: .
Phản ứng của các nhà đầu tư
Nếu các công ty đang cố gắng làm hài lòng các nhà đầu tư bằng cách sa thải nhân viên, thì phản ứng của các nhà đầu tư có thể đánh giá mức độ hiệu quả của biện pháp này.
Theo đó, sau khi thông báo về “cú vung rìu” mới nhất vào ngày 14/3, cổ phiếu Meta đã tăng 3 ngày liên tiếp hay cổ phiếu Alphabet đã tăng 7 ngày liên tiếp sau khi cắt giảm nhân sự vào cuối tháng 1.
Theo dữ liệu của Nasdaq, tính từ đầu năm nay, cổ phiếu của các công ty công nghệ đã tăng khoảng 13,8%. Trong đó, giá trị của các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn hẳn so với các công ty khác cùng lĩnh vực. Cụ thể, tính từ đầu năm 2023, cổ phiếu của Meta tăng khoảng 65,2%, Alphabet tăng hơn 18,2%, trong khi Amazon và Microsoft lần lượt đạt mức tăng 14,4% và 17,1%.
Thế nhưng, trái với xu thế chung, gã khổng lồ hàng đầu Silicon, Apple là một trong những công ty tiên phong chống lại làn sóng sa thải. Theo đó, bất chấp những khó khăn chung, Apple chỉ thực hiện các kế hoạch kỷ luật thắt chặt tài chính mà không cắt giảm nhân sự như nhiều công ty cùng ngành. Trong khi đó, cổ phiếu của họ vẫn tăng, thậm chí tăng nhiều hơn cả một số công ty đã cắt giảm nhân sự. Điều này đã cho thấy cắt giảm nhân sự không phải là điều kiện tiên quyết để một doanh nghiệp tăng giá trị thực sự trong thời điểm.
Một sự thật đáng buồn là các nhà đầu tư ngày càng thiếu kiên nhẫn, họ từ bỏ các công ty có tiềm năng tăng trưởng bền vững để tập trung vào các doanh nghiệp dễ dàng đạt lợi nhuận cao trong ngắn hạn.
Các công ty phải trả bao nhiêu cho quyết định sa thải?
Các nhà đầu tư có vẻ như đang ủng hộ việc sa thải vì giá cổ phiếu của các công ty sau khi sa thải hầu hết đều đã tăng trưởng. Khi đề cập đến việc cắt giảm chi phí, các nhà đầu tư dường như đều đồng tình, tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng hài lòng, họ cho rằng những quyết định đánh đổi trước mắt sẽ tác động tiêu cực đến vấn đề tài chính và con người về lâu dài.
Ray Wang, nhà sáng lập và là nhà phân tích tại Constellation Research, cho rằng đôi khi các công ty sẽ phải cắt giảm số lượng nhân viên vì sức khỏe lâu dài của họ: “Mặc dù việc cắt giảm hiện đang ảnh hưởng đến tinh thần của người lao động, nhưng chúng sẽ giúp các công ty công nghệ vượt qua cơn bão trước mắt và mang lại kết quả tích cực về lâu dài, mặc dù hiện tại việc này đang gây ra những tác động tiêu cực và đau đớn”.
Trái với quan điểm của Wang, Peter Cappelli, giáo sư đồng thời là giám đốc Trung tâm Nguồn nhân lực của trường Wharton, từng viết trong một bài báo rằng việc sa thải nhân viên không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả lâu dài như mong muốn của các lãnh đạo.
“Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ sự hỗ trợ nào từ việc sa thải nhân viên để giúp các công ty tăng hiệu quả hoạt động. Dù có nhiều ý kiến ủng hộ rằng ở thị trường suy thoái, việc sa thải sẽ giúp ích cho các công ty, tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy việc cắt giảm sẽ cải thiện khả năng sinh lời và giúp công ty vượt qua khó khăn ngay lập tức”, Cappelli giải thích.
Một bài báo vào tháng 12/2022 trên Harvard Business Review cũng cho thấy những khoản cắt giảm này hầu hết có thể phản tác dụng từ quan điểm của nhiều chuyên gia tài chính: Phần lớn các công ty tiến hành sa thải nhân viên không nhận thấy khả năng sinh lời được cải thiện, cho dù được đo bằng lợi nhuận trên tài sản, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hay lợi nhuận trên doanh thu. Việc sa thải đặc biệt khó khăn với hoạt động của các công ty phụ thuộc nhiều vào R&D, cường độ vốn thấp và tốc độ tăng trưởng cao. Phản ứng của thị trường đối với việc sa thải nhân công cũng kém tích cực hơn dự kiến, dù giá cổ phiếu của các công ty tiến hành sa thải nhìn chung là có tăng nhẹ trong những thời điểm đó. Việc sa thải được thực hiện chỉ với mục đích giảm chi phí tạm thời của các công ty còn với nhân viên, việc sa thải có thể tàn phá tài chính và cuộc sống của họ, tệ hơn nữa, các công ty có thể sẽ phá vỡ niềm tin của nhân viên.
“85% số người được hỏi đánh giá vấn đề mất việc làm là mối quan tâm hàng đầu của họ trong thời điểm thực hiện báo cáo “Trust Barometer” (2022)”, các tác giả viết. “Việc sa thải nhân viên phá vỡ lòng tin bằng cách cắt đứt mối liên hệ giữa nỗ lực và phần thưởng. Tiền đề của việc sa thải là nếu không phải vì điều kiện kinh tế mà công ty đang phải đối mặt, nhân viên sẽ giữ công việc của họ miễn là họ thực hiện tốt công việc đó”.
Bất kể nỗ lực và hiệu suất của những người bị mất việc như thế nào, việc họ có giữ được công việc hay không luôn phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế bên ngoài. Nhìn chung, việc sa thải nhân viên để giảm chi phí vận hành có thể giúp các công ty tăng giá trị và lợi nhuận trong ngắn hạn tuy nhiên không bền vững. Vì điều này có thể sẽ khiến tinh thần và lòng trung thành của họ giảm xuống. Vì vậy. trước khi thực hiện sa thải, các công ty cần xem xét cẩn thận các quyết định.