Ngày 3/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 1143/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng liên quan đến việc xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, không bao gồm các dự án đường sắt đô thị.
Quyết định 1143/QĐ-TTg nêu rõ Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng Ban.
Phó Trưởng Ban thường trực là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Các Phó Trưởng Ban gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan có liên quan.
Các cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện thành công Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Ban Chỉ đạo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực, đấy nhanh tiến độ, tổ chức thực hiện thành công Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo đối với Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất các giải pháp trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các bất cập, phát sinh trong thực tiễn (nếu có) liên quan đến việc thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tôc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Ban Chỉ đạo được mời các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học tư vấn trong quá trình chỉ đạo thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác do Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến việc xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Trước đó, ngày 26/07/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 5676/VPCP-CN về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Tại công văn này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trước ngày 5/8 phải hoàn thành việc đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt tốc độ cao khác kết nối liên vùng và quốc tế trong hệ thống đường sắt quốc gia theo đúng quy định.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn và là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
Do đó, dự án cần có sự chỉ đạo tập trung từ cấp cao nhất, có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; đồng thời, cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật như: công nghệ, tốc độ khai thác, đối tượng phục vụ, mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế, điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn.
Gần đây, Bộ Giao thông vận tải tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như: Châu Âu, Trung Quốc để cập nhật, bổ sung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, Bộ Giao thông vận tải cũng huy động tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025.