Những chính sách thắt chặt về nội dung phát sóng của chính quyền Trung Quốc đang làm khó các streamer. Ảnh: Bloomberg.
Theo Bloomberg, ngôi sao livestream nổi tiếng Viya đã làm dậy sóng dư luận khi “chốt đơn" thành công lượng đơn hàng lên tới 1 tỷ USD. Các sản phẩm, từ dầu gội đầu cho đến khăn quàng cổ, đều được cô bán hết sạch trong một buổi phát trực tiếp kéo dài 14 giờ trong khuôn khổ Lễ độc thân năm ngoái tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Viya sẽ không còn xuất hiện trong Lễ độc thân năm nay. Mọi thông tin về cô đã biến mất khỏi Internet kể từ khi nữ streamer 37 tuổi này nhận bản án trốn thuế. Sự vắng mặt của một loạt các “ông hoàng", “bà chúa" livestream bắt nguồn từ những chính sách kiểm soát nội dung ngày càng thắt chặt của chính quyền Trung Quốc. Điều này có thể khiến Lễ độc thân năm nay tại quốc gia tỷ dân sẽ không còn nhộn nhịp và sôi động như mọi khi.
Sự mạnh tay của chính quyền
Sự giám sát gắt gao từ phía cơ quan chức năng đối với các công ty Internet tại Trung Quốc được coi là nguyên nhân chính dẫn đến những lo ngại về việc sụt giảm doanh số bán hàng trong ngày 11/11 năm nay.
Alibaba, gã khổng lồ công nghệ thống trị ngày hội mua sắm này, dự kiến mức tăng trưởng doanh thu sẽ chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn. Thậm chí, Bloomberg Intelligence còn dự đoán sàn thương mại điện tử trên sẽ đối mặt với lần suy giảm giá trị giao dịch chưa từng có trong sự kiện năm nay.
Sự phát triển của ngành công nghiệp bán hàng livestream đã đi vào “làn ranh đỏ" mà chính phủ Trung Quốc đặt ra. Việc định hình văn hóa quốc gia và kiềm chế sức ảnh hưởng của người nổi tiếng đang được các cơ quan ban ngành ưu tiên chú trọng.
Tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng mỗi năm thông qua việc livestream tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Theo số liệu của Công ty AlixPartners, trong một cuộc khảo sát với quy mô 2.000 tại Trung Quốc, khoảng 3/4 người tiêu dùng cho biết họ sẽ xem và mua hàng trên một buổi livestream trong năm nay, giảm so với mức 97% của năm trước. Một số người cho rằng những tin tức tiêu cực liên quan đến người bán hàng livestream đã khiến họ ít hào hứng tham gia mua sắm hơn.
Chủ trương “thịnh vượng chung” của Bắc Kinh đang hướng đến kiềm chế sự giàu có dư thừa và hạn chế tầm ảnh hưởng của những công ty tư nhân về lĩnh vực truyền thông và công nghệ.
Các công ty công nghệ, đặc biệt là về thương mại điện tử, đã bị ảnh hưởng từ chính sách trên từ cuối năm 2020. Vào thời điểm đó, các nhà chức trách đã tạm dừng đợt IPO của Ant Group, công ty liên kết của Tập đoàn Alibaba, sau phát ngôn chỉ trích của Jack Ma với các cơ quan quản lý.
Thay đổi để thích nghi
Nữ streamer Viya từng được coi là tương lai của ngành mua sắm trực tuyến. Trong sự nghiệp của mình, cô đã hợp tác với Kim Kardashian trên sóng livestream và bán hết 15.000 chai nước hoa chỉ trong vài phút.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng của cô đã kết thúc vào tháng 12 năm ngoái, khi cơ quan thuế Trung Quốc yêu cầu cô phải trả 1,34 tỷ nhân dân tệ, tương đương 185 triệu USD, bao gồm tiền thuế, phí chậm nộp và tiền phạt. Kể từ từ đó trở đi, Viya đã không còn xuất hiện trên bất cứ phương tiện truyền thông nào.
Các ngôi sao livestream tại Trung Quốc đang đánh mất hình ảnh của bản thân vì những tai tiếng. Ảnh: Getty Images.
Một trường hợp khác, “ông hoàng” livestream Li Jiaqi đã vướng vào một vụ bê bối khi anh lên sóng trực tiếp cùng một chiếc bánh hình xe tăng trong thời điểm nhạy cảm chính trị tại Trung Quốc. Sau sự kiện đó, “vua son môi” của Trung Quốc đã biến mất khỏi Internet trong 3 tháng.
Những hành động tiêu cực của các ngôi sao livestream có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh phía các công ty trong toàn ngành. Tội danh trốn thuế của Viya đã làm giảm giá cổ phiếu của hàng loạt công ty về bán hàng livestream như TVZone Media và Shanghai Fengyuzhu Culture and Technology.
Những công ty bán lẻ toàn cầu đã sử dụng nhân viên nội bộ trong các buổi phát livestream nhiều hơn. Nike, L'Oreal SA và Fast Retailing Co.'s Uniqlo, cũng như các nhãn hiệu địa phương như Anta Sports Products, đều đã thu hút hơn 20 triệu người theo dõi tại các trang livestream trên Taobao.
“Trong bối cảnh những ngôi sao bán hàng livestream dần mất hình tượng của mình, các thương hiệu đang tăng tốc phát triển các studio phát trực tiếp của riêng họ”, ông Dave Xie, chuyên gia đến từ Công ty Oliver Wyman, cho biết.
Bên cạnh đó, các nhãn hàng cũng đang tránh ký kết các loại hợp đồng dài hạn với những streamer và tập trung nhiều hơn vào các giao dịch ngắn hạn.
Một số công ty thậm chí đang sử dụng trí thông nhân tạo để tham gia bán hàng livestream. Theo số liệu từ Công ty Forrester Research, 20% số nhãn hàng từ Trung Quốc sẽ sử dụng thần tượng ảo vào năm 2023.
Ngoài ra, những streamer nổi tiếng cũng đang tìm cách để lấy lại hình tượng của bản thân. Vào buổi livestream bán hàng trước Lễ độc thân, anh Li Jiaqi đã có một sự tái xuất ấn tượng khi thu về 460 triệu lượt xem và bán được tổng giá trị hàng hóa lên tới 21,5 tỷ nhân dân tệ, tương đương 3 tỷ USD, gấp đôi kỷ lục của chính anh vào năm ngoái.