“Có lúc tôi nghĩ, không bắt máy thì tội bạn môi giới. Mà nghe điện thoại thì thực sự rất phiền vì không có nhu cầu. Có khi tôi từ chối, môi giới vẫn gọi lại liên tục. Đôi lúc, tôi nghĩ, các bạn bán BĐS như bán bó rau ngoài chợ vậy. Gọi mời bằng câu chuyện giảm giá, hàng ngộp nhan nhãn khắp nơi”, anh T bày tỏ quan điểm.
Vì không có nhu cầu nên anh T cũng không quan tâm xem những thông tin môi giới chào mời có thực sự là hàng ngộp hay không. Anh chỉ biết rằng, mỗi ngày trôi qua, anh đều nhận được cuộc gọi từ các môi giới khác nhau. Thời điểm anh mua đất để ở (sau này bất đắc dĩ thành đất đầu tư) cũng cách đây 4-5 năm. Đó cũng là lần duy nhất anh mua BĐS. Thế nhưng, những cuộc điện thoại “đeo bám” từ môi giới vẫn không ngừng với anh từ thời điểm đó đến nay. Các cuộc gọi tăng dần theo sự khó khăn của thị trường BĐS. Theo anh T, đã mấy năm nay anh không đầu tư thêm gì nhưng vẫn liên tục bị làm phiền bởi môi giới BĐS.
Gần đây, anh lại càng bị tấn công nhiều hơn bởi các tin nhắn rác và những cuộc gọi mời đầu tư hàng siêu rẻ do ngộp. Dù đã từ chối ngay khi môi giới nói qua về sản phẩm nhưng anh vẫn liên tục nhận thêm các cuộc gọi khác tương tự.
“Những thông điệp như: Em đang có lô đất ngộp giá chỉ bằng một nửa đầu năm. Hay, có một BĐS ngộp, chủ cần bán gấp, giá rẻ lắm ạ!... gần như xuất hiện trong hầu hết các cuộc gọi. Mỗi lần nghe máy xong, tôi cảm tưởng, thị trường khá u ám. Sản phẩm BĐS bán ra giá rẻ bèo, như một món hàng thông thường vậy. Thế nhưng, tôi cũng không mấy quan tâm”, anh T chia sẻ.
Anh T cho biết, môi giới liên tục mời anh đi xem đất nhưng anh từ chối vì không có nhu cầu mua BĐS thời điểm này. Một số khác thì spam tin nhắn bằng các hình ảnh thư mời, du lịch… có kèm nhận quà mang về.
Thời gian gần đây, chị Minh, một tiểu thương sống tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cũng liên tục bị tấn công bởi các môi giới chào BĐS ngộp. Chị Minh cho biết, có những lô đất môi giới nói qua điện thoại rằng, là hàng ngộp giá giảm đến gần 70%, vị trí sát Tp.HCM, đường xe hơi. Dù ban đầu không tin nhưng bị thuyết phục bởi mức giá rẻ, vì chủ kẹt nên mới bán mức giá thấp như vậy, chị và chồng cũng quyết định cùng môi giới đi xem mảnh đất. Thế nhưng, lô đất giới thiệu qua điện thoại khác xa với thực tế. Với mức giá 400 triệu đồng/nền (tức đã giảm 70%) hoá ra là đất vườn tận Tiền Giang, ở trong hẻm sâu, không có tiềm năng gì xung quanh. “Tính ra, mức giá ngộp 400 triệu đồng mà môi giới rao bán còn cao so với giá trị thực tế miếng đất”, chị Minh cho hay.
Ghi nhận cho thấy, các thông tin BĐS ngộp, bán lỗ, hay giá siêu rẻ… đã xuất hiện nhan nhãn trên các diễn đàn, bảng tin rao bán của môi giới BĐS. Thực hư về giá trị dù chưa được xác định nhưng hành động rao bán hàng ngộp ngày càng nhiều cho thấy, thị trường BĐS đang khó khăn thực sự. Thậm chí, các chiêu môi giới dụ khách mua đi xem đất với các thông tin mập mờ càng thể hiện sự “đuối sức” về sức mua. Tưởng rằng, việc dẫn khách đi xem BĐS là bình thường của môi giới BĐS nhưng hiện tại trở thành một niềm hi vọng “hiếm hoi” xuất hiện trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Theo một môi giới lâu năm, việc gọi điện cho nhà đầu tư đi xem đất thời điểm này không hề dễ dàng, mặc dù BĐS đó đã giảm giá 30-40%. Việc cân nhắc thời điểm xuống tiền hoặc chờ đợi giảm giá thêm ở các BĐS “ngộp” khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng, quyết định im lặng chờ đợi của họ là đúng đắn. Đó cũng là lý do càng vào cận Tết, thị trường BĐS càng im ắng giao dịch. Các hoạt động đi xem BĐS gần như tắt hẳn. Môi giới dù tìm đủ mọi cách cũng khó lòng kéo lại tình hình khi mà chính sách tín dụng chưa có động thái nào đáng kể.