Apple muốn sản xuất các dòng chip dựa trên tiến trình 3 nm tại nhà máy TSMC ở Phoenix, Arizona, Mỹ với hy vọng giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở châu Á. Trong cuộc họp với kỹ sư và nhân viên tại chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Đức, CEO Tim Cook còn tiết lộ tập đoàn sẽ mở rộng nguồn cung ứng chip sang các nhà máy ở châu Âu.
Bước tiến lớn của Apple
Theo CEO Apple, nhà máy ở Arizona dự tính đi vào hoạt động vào năm 2024. Do đó, họ có nhiều nhất là 2 năm để chuẩn bị cho kế hoạch này. “Còn với châu Âu, chúng tôi tin rằng sắp tới có thể nhập nguồn từ khu vực này vì sắp sửa xuất hiện thêm rất nhiều nhà máy ở đây”, Tim Cook nói với nhân viên.
Ông cho biết TSMC, đối tác gia công lớn nhất của Apple, sẽ xây dựng các nhà máy ở Arizona, dự kiến hoạt động vào năm 2024. Bên cạnh đó, hãng gia công linh kiện cũng đang nhắm đến một phân xưởng khác ở Mỹ với hy vọng sẽ tăng năng suất sản xuất vi xử lý tại quốc gia này.
Theo Bloomberg, vi xử lý là linh kiện trọng yếu của mọi dòng sản phẩm Táo khuyết, từ chiếc máy tính Mac Pro cao cấp, đến iPhone và cả AirPods. Những con chip này được thiết kế bởi Apple và sản xuất bởi TSMC. Do đó, sau nhiều năm phụ thuộc vào các quốc gia châu Á, việc mang chuỗi sản xuất về lại Mỹ sẽ là một bước tiến lớn của Apple.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là liệu những nhà máy mới xây này có đáp ứng nhu cầu của Apple hay không. TSMC cho biết công suất tại các xưởng Arizona dự kiến đạt khoảng 20.000 vi xử lý/tháng, đồng thời mới chỉ có thể sử dụng quy trình sản xuất 5 nm. Do đó, họ sẽ khó lòng thỏa mãn yêu cầu của Apple với những vi xử lý dựa trên tiến trình sản xuất 3 nm tân tiến hơn.
Giải pháp đưa ra hoặc là TSMC phải đẩy nhanh ngày công bố quy trình sản xuất chip mới, hoặc là Apple sẽ sử dụng những vi xử lý ít đòi hỏi công nghệ phức tạp hơn đối với chuỗi sản xuất tại Arizona, Bloomberg nhận định.
Hiện, hầu hết sản phẩm Apple đều được gia công ở Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực châu Á. Song, hãng công nghệ vẫn hợp tác với nhiều bên cung ứng linh kiện nội địa. Đơn cử như dòng Mac Pro bán ra tại Mỹ đã được sản xuất hoàn toàn ở Texas.
Tương tự Mỹ, châu Âu cũng đề ra rất nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển công nghệ gia công vi xử lý. Mặc dù Tim Cook không nói rõ nhà máy của họ sẽ được xây dựng ở khu vực nào của châu Âu, Bloomberg cho biết TSMC đang trong quá trình thảo luận với chính phủ Đức để xây nhà máy ở đây.
Theo trang tin, Apple đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại quốc gia này. Công ty đã thuê hàng trăm kỹ sư sản xuất chip ở đây với hy vọng sẽ thay thế vi xử lý của Qualcomm trên iPhone bằng modem 5G tự phát triển.
Tham vọng định hình lại ngành công nghiệp bán dẫn
Bên cạnh đó, Cook cho rằng Đạo luật Chips và Khoa học (Chips and Science Act) của Mỹ cùng với nỗ lực của châu Âu sẽ giúp thay đổi tương lai của ngành công nghiệp sản xuất vi xử lý. “Sẽ có nhiều khoản đầu tư khổng lồ vào năng suất và sức chứa của chuỗi sản xuất tại Mỹ và châu Âu để định hình thị phần của vi xử lý trên toàn cầu”, CEO Apple khẳng định tại buổi họp.
Theo Bloomberg, Intel cũng đang có kế hoạch xây thêm nhà máy ở Arizona và mở cửa sớm nhất vào năm 2024. Trong suốt nhiều năm qua, nhà sản xuất chip là đối tác cung ứng quan trọng của Apple nhưng sự hợp tác này sẽ không còn kéo dài lâu. Từ năm 2020 đến nay, Apple đã dần thay thế các bộ vi xử lý của Intel trong máy tính Mac bằng những chip do họ tự sản xuất.
Trước đó, hồi tháng 8, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ 52,7 tỷ USD cho việc hỗ trợ sản xuất chip nội địa và mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực này. Đây là một phần của Đạo luật Chips và Khoa học (Chips and Science Act), cạnh tranh với Trung Quốc trong thị trường chất bán dẫn, định hình ngành công nghiệp toàn cầu.
Hiện, chuỗi cung ứng của Apple đến từ nhà máy của TSMC ở Đài Loan, chiếm phần lớn thị trường sản xuất. Tim Cook cho biết 60% nguồn cung vi xử lý hiện nay trên toàn thế giới đều đến từ Đài Loan. “60% là một con số quá lớn, không chỉ đơn giản là một chiến lược định vị sản phẩm thông thường”, Cook nói.