Nhắc đến hãng công nghệ bội thu ở thị trường Trung Quốc, người ta thường nghĩ đến Alibaba hay Tencent, những gã khổng lồ Internet của quốc gia tỷ dân. Nhưng trên thực tế, hãng công nghệ thu lợi nhuận cao nhất ở Trung Quốc lại đến từ Mỹ, Apple.
Giữa đại dịch, hoạt động kinh doanh của tập đoàn này tại Trung Quốc đã phát triển với tốc độ chóng mặt khi lợi nhuận của hãng còn lớn hơn doanh thu của 2 công ty công nghệ lớn nhất nước này cộng lại, Financial Times cho biết.
Giao kèo giữa Apple và Trung Quốc
Cụ thể, lợi nhuận từ hoạt động của Táo khuyết đã tăng 104%, đạt mốc 31,2 tỷ USD chỉ trong vòng một năm. Trong khi đó, Tencent và Alibaba chỉ thu về lần lượt 15,2 tỷ USD và 13,5 tỷ USD trong năm 2022.
Theo Financial Times, con số ấn tượng này có được là nhờ giao kèo hợp tác giữa Apple và chính quyền Trung Quốc, cho phép iPhone lãi đậm bất chấp chủ trương siết chặt quản lý lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Táo khuyết còn hưởng lợi từ lệnh trừng phạt của Mỹ lên Huawei, dễ dàng đánh bại đối thủ lớn nhất của mình tại quốc gia tỷ dân.
Apple phát triển với tốc độ chóng mặt tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Financial Times.
Thỏa thuận giữa hai bên đã giúp Táo khuyết được tự do sử dụng nguồn nhân công giá rẻ và hệ thống nhà máy dồi dào, đồng thời trở thành thương hiệu đắt giá trên thị trường đông dân nhất thế giới, Financial Times nhận định.
Apple đánh bại Huawei, thống trị thị trường Trung Quốc
Cách đây 3 năm trước, Huawei từng vượt mặt Apple, chỉ xếp sau Samsung trong doanh số smartphone toàn cầu. Điều này có được là nhờ thành công lớn của Huawei và thương hiệu con Honor tại thị trường Trung Quốc, chiếm đến 42% thị phần vào tháng 3/2020.
“Huawei lúc ấy như ‘công ty quốc dân’. Người dân Trung Quốc muốn thể hiện lòng yêu nước bằng cách mua điện thoại Huawei”, Archie Zhang, nhà phân tích tại Counterpoint, cho biết.
Đến tháng 6/2020, Huawei vẫn dẫn đầu với kết nối 5G trên smartphone, đưa doanh số sản phẩm mới nhất đạt 7 triệu thiết bị chỉ trong một tháng. Khi đó, Apple chỉ là kẻ đến sau khi chiếc iPhone 12 có 5G xuất hiện tại thị trường Trung Quốc muộn hơn 4 tháng so với Huawei.
Tuy nhiên, lệnh cấm của chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu tác động mạnh tới Huawei từ nửa cuối năm 2020, khiến doanh thu mất một nửa, chỉ còn 38,3 tỷ USD, theo số liệu từ S&P GMI.
Hai năm sau, thị phần của Huawei tại thị trường Trung Quốc giảm từ 29% xuống còn 7%. Trong khi đó, Apple lại thu bộn khi từ 9% đã vươn lên chiếm 17% thị phần smartphone ở quốc gia tỷ dân.
“Hiện tại, Apple là kẻ thống trị thị trường smartphone cao cấp (hơn 600 USD) bởi nếu muốn tìm mua điện thoại giá 1.000 USD, iPhone chính là lựa chọn duy nhất”, nhà phân tích Archie Zhang cho biết.
Apple nhanh chóng vượt mặt Huawei chỉ trong vòng vài năm. Ảnh: Financial Times.
Apple “dễ dãi” với Trung Quốc
Song, các nhà phân tích cho rằng việc phụ thuộc vào Trung Quốc đã khiến Apple quá “dễ dãi” với mọi yêu cầu của quốc gia này. Về phần Trung Quốc, họ nhận được rất nhiều lợi ích như cơ hội nghề nghiệp và cả uy tín trên trường quốc tế, Brian Merchant, cây bút của Motherboard, chia sẻ.
“Hợp tác với Apple sẽ giúp các công ty nhận được nhiều tiền hơn và nâng cao tiêu chuẩn của mình. Điều này đã giúp cải thiện mức thu nhập của tầng lớp trung lưu của nước này”, ông nói.
Táo khuyết cũng phải gồng mình để chạy theo thị hiếu của người dân Trung Quốc. Ngay khi nghe tin các hãng nội địa ra mắt smartphone màn hình lớn, camera công nghệ cao hay sim kép, những nhân viên tại Trung Quốc đã nhanh chóng hối thúc Apple học theo xu thế, ra mắt những thiết bị tương tự.
Thậm chí, Tim Cook còn ra mắt nhiều tính năng như chế độ chụp ban đêm, quét mã QR theo góp ý của khách hàng Trung Quốc. “Chúng tôi rất cố gắng lắng nghe người dùng của mình ở Trung Quốc”, CEO Apple khẳng định.
Cái giá phải trả
Nhưng gần đây, nhiều lo ngại xoay quanh chuỗi cung ứng của Apple đã nổ ra. Các chuyên gia cho rằng Táo khuyết chỉ tập trung dây chuyền sản xuất của mình vào một quốc gia duy nhất. Hậu quả là hãng công nghệ đã lao đao không ít khi sản lượng của các nhà máy sản xuất iPhone giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tim Cook đã nhiều lần ghé thăm Trung Quốc và thay đổi sản phẩm theo nhu cầu của thị trường tỷ dân. Ảnh: Business Insider.
Bên cạnh đó, theo Financial Times, cú bắt tay với Trung Quốc cũng khiến Apple phải trả giá khi phải “cầu xin” những khoản đầu tư khổng lồ hay giữ im lặng trước những vấn đề nhạy cảm. Hãng đã phải chuyển kho dữ liệu người dùng Trung Quốc đến trung tâm dữ liệu được quản lý bởi chính quyền tỉnh Quý Châu, đồng thời xóa hàng nghìn ứng dụng ra khỏi App Store chỉ vì lệnh kiểm duyệt của quốc gia tỷ dân.
“Tham vọng xây dựng một hệ sinh thái đóng, được kiểm soát gắt gao mọi trải nghiệm người dùng của Apple hoàn toàn tương đồng với chủ trương quản lý của Trung Quốc”, Nathan Freitas, Giám đốc tại Guardian Project chuyên phát triển công cụ bảo mật di động, nhận định.