Theo báo cáo thị trường mới nhất của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý IV/2022 đạt gần 59.000 tỷ đồng, tăng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Thống kê này chỉ bao gồm các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ năm 2019 tới nay, không bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn. VNDirect ước tính có khoảng hơn 140.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trong 9 tháng đầu năm 2022.
Trong quý IV/2022, bất động sản là nhóm ngành có lượng trái phiếu đáo hạn lớn nhất với tổng giá trị đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có giá trị đáo hạn cao nhất gồm Công ty SS và các công ty con 3.000 tỷ đồng, Tập đoàn Novaland 3.000 tỷ đồng, Công ty CP Bách Hưng Vương gần 3.000 tỷ đồng...
Dự báo, đến năm 2023 số lượng đáo hạn trái phiếu lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, trong khi dòng vốn vẫn tắc nghẽn, Nghị định 65 cho phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản và khách hàng thì mất niềm tin.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với khối lượng tương đối lớn. Để đảm bảo thị trường trái phiếu phát triển ổn định, bền vững, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng hàng loạt các giải pháp.
Cụ thể, Bộ Xây dựng tăng cường quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, minh bạch. Trong đó, Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về tỷ lệ an toàn tài chính của doanh nghiệp bất động sản sau khi cấp phép xây dựng, đầu tư các dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ này phối hợp quản lý giám sát và cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản về rủi ro tăng trưởng nóng, qua đó hạn chế tình trạng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu bằng mọi giá với lãi suất cao.
Bộ Xây dựng phải thường xuyên cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính về tình hình của thị trường bất động sản và các rủi ro để phối hợp trong công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ Tài chính, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Nghị định quy định: "Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp kiểm tra, giám sát việc chào bán, giao dịch và cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu theo quy định tại nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan".
Trong đó, có các quy định rất chặt chẽ như yêu cầu “doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành trái phiếu, quy định mệnh giá trái phiếu là 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng, quy định người mua trái phiếu phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp…”.
Có thể từ nay đến năm 2023, một số doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn trái phiếu nhưng chưa thể đáp ứng được ngay các quy định “bổ sung” này nên khó hội đủ điều kiện để được phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Do vậy, các doanh nghiệp bất động sản sẽ ngày càng khó tiếp cận thị trường vốn trái phiếu hơn so với trước đây.
Ông Võ Hồng Thắng, mới đây chia sẻ với báo chí cho biết, với tình hình hiện tại, khi các kênh huy động vốn chính của doanh nghiệp “kênh trái phiếu, ngân hàng, huy động từ khách hàng” gần như bị “tắc nghẽn”, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước nguy cơ sống còn.
Thực tế, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thời gian qua nhiều sàn giao dịch đã đóng cửa; nhiều chủ đầu tư đã cắt giảm quy mô, giảm nhân sự, giảm lương… Mặc dù nguồn cung ít, giá cao nhưng chủ đầu tư muốn thu hút khách hàng vẫn đưa ra chương trình chiết khấu 30-40%. Tuy nhiên, điều cốt yếu, căn bản là dòng vốn và pháp lý cho dự án chưa được khơi thông thì thị trường vẫn tắc.
Để thị trường vốn trở nên minh bạch và thông thoáng hơn, theo ông Võ Hồng Thắng, cần có sự tháo gỡ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó:
Thứ nhất, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư trên thị trường bất động sản được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản của các chủ đầu tư có uy tín, đầy đủ pháp lý, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước xem xét lại, nên sửa đổi Thông tư số 20/2021/TT-NHNN để cho phép các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) được cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Thứ ba, về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Xem xét, mở rộng nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tháo gỡ quy trình thủ tục cấp phép dự án mới để giải tỏa việc khan hiếm nguồn cung mới trên thị trường, nhất là phân khúc nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Về phía doanh nghiệp: Trong điều kiện bức tranh kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc, để tồn tại và vượt qua giông bão, chủ đầu tư cần tối ưu chi phí, tập trung ngành nghề cốt lõi và phát triển sản phẩm/dự án thuộc phân khúc thế mạnh của mình. Với những doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu sắp đáo hạn mà chưa thu xếp được nguồn vốn cần chủ động đàm phán, thương lượng với trái chủ phương án trả nợ (có thể xem xét việc hoán đổi bất động sản đang có) trước khi quá muộn.