Từ ngày 8/6 đến sáng 9/6, đã có 62 đại biểu đặt câu hỏi, 12 lượt tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Các vấn đề nổi lên được đại biểu chất vấn là việc giảm giá xăng dầu; trách nhiệm kiểm soát giá sách giáo khoa; thất thu thuế với xe biếu tặng; thất thoát đất đai từ cổ phần hóa; bất cập trên thị trường vốn, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp; tín dụng bất động sản...
Lãnh đạo ngành tài chính và ngân hàng cũng đưa ra nhiều lời hứa với các đại biểu Quốc hội.
Hứa nghiên cứu thêm việc giảm thuế xăng, dầu
Ngay đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính sáng 8/6, nhiều đại biểu cho rằng cần có biện pháp giảm các khoản thuế đang thu với xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá mặt hàng này liên tục lập kỷ lục.
Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết vấn đề có giảm thuế xăng dầu thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Hiện thuế bảo vệ môi trường còn 2.000 đồng/lít, nhưng theo quy định của luật, Thường vụ Quốc hội chỉ được quyết định giảm thêm tối đa 1.000 đồng/lít nữa, nếu muốn giảm 2.000 đồng thì phải được sự chấp thuận của Quốc hội”, ông nói.
Với các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế xuất nhập khẩu (8%), thuế VAT (10%)... hiện nay việc giảm các loại thuế này cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Bộ trưởng hứa với các đại biểu Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động, báo cáo với Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có thể giảm thêm thuế với xăng dầu nhằm giảm giá mặt hàng này.
Tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chưa đồng tình và cho rằng kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nên việc can thiệp quá nhiều sẽ khiến thị trường vận hành không phù hợp.
Trả lời tranh luận, Bộ trưởng cho rằng xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước bình ổn giá, vì vậy, khi giá tự vận động đến một mức độ nào đó thì Nhà nước phải can thiệp vào để giảm.
Làm lành mạnh hóa thị trường vốn
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đặt vấn đề về bong bóng trên thị trường chứng khoán, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nền kinh tế. "Bộ Tài chính có công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện bong bóng trên chứng khoán và giải pháp ổn định thị trường này thời gian tới?", ông hỏi.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện Bộ đã có những giải pháp để tăng cường kiểm tra hoạt động của thị trường, đưa trí tuệ nhân tạo vào hoạt động theo dõi nghiệp vụ phát sinh, yêu cầu báo cáo về các cổ phiếu lên xuống đột ngột, thiết lập sàn giao dịch riêng cho trái phiếu riêng lẻ để theo dõi.
Ông hứa trong thời gian tới, cùng với các giải pháp hoàn thiện Nghị định 153, tới đây, Bộ Tài chính sẽ đề xuất với Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán, quy định rõ điều kiện phát hành, như doanh nghiệp phải có lãi, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, mục đích phát hành...
“Thời gian qua đã phát hiện nhiều vi phạm thông qua quá trình kiểm tra, không những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán mà còn có cả hành vi lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Bộ đã chuyển hồ sơ một số vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Giá vàng miếng SJC cao bất thường
Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiều 8/6, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (TP Hà Nội), đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đã yêu cầu Thống đốc giải trình nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC cao đột biến và trách nhiệm của NHNN.
Thừa nhận, Thống đốc NHNN cho biết giá vàng của các thương hiệu khác ngoài SJC, tức vàng nguyên liệu, chênh lệch với quốc tế chỉ vào khoảng 2 triệu/lượng. Tuy nhiên, riêng vàng SJC có mức chênh khoảng 16-17 triệu/lượng.
Nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là việc thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế, từ năm 2012 khi thực hiện Nghị định 24 và đặc biệt là từ năm 2014 trở lại đây khi NHNN không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng.
Thống đốc NHNN cho rằng riêng với mặt hàng vàng miếng SJC, người dân mua cao thì cũng bán với giá cao, trong khi các thương hiệu khác mua thấp và bán thấp, nên việc này không có dấu hiệu bất thường. “Với SJC là một thương hiệu vàng mà người dân ưa chuộng hơn cả, cho nên họ niêm yết giá cao”, bà Hồng cho biết.
Về tranh luận có hay không việc để SJC độc quyền sản xuất vàng miếng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết lý do chọn SJC là đơn vị gia công vàng miếng cho NHNN vì đây là thương hiệu được người dân ưa chuộng (chiếm 90% thị phần) từ trước khi Nghị định 24 được ban hành.
Đề phòng rủi ro khi cho vay bất động sản
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt vấn đề siết chặt tín dụng bất động sản có thể dẫn tới các hệ lụy là thị trường đình trệ, người nghèo, người thu nhập thấp ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ.
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết quan tâm lớn nhất của các ngân hàng thương mại khi cho vay là rủi ro mất vốn, khi cho khách hàng vay vốn thì phải đảm bảo khả năng thu hồi được nợ. Tuy nhiên, còn một rủi ro khác rất quan trọng với các nhà băng liên quan lĩnh vực bất động sản chính là rủi ro thanh khoản.
Thống đốc NHNN lý giải, bản chất của tín dụng bất động sản là giá trị lớn, kỳ hạn dài, trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn. Vì vậy, nếu các ngân hàng cho vay không kiểm soát với lĩnh vực bất động sản có thể dẫn đến trường hợp mất thanh khoản, khách hàng đến rút tiền nhưng lại chưa đòi được nợ từ các khoản vay dài hạn.
"NHNN đã có chỉ đạo các nhà băng khi cho vay có tài sản đảm bảo là bất động sản, phải thường xuyên đánh giá lại tài sản để nhận diện rủi ro, đặc biệt là những bất động sản ở địa bàn mà giá nhà đất biến động mạnh...", bà nói.