Theo báo cáo tài chính mới nhất, lợi nhuận của Toyota Motor Corp đã lao dốc 42% trong quý vừa qua do lạm phát và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong quý I (theo năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6), lợi nhuận hoạt động của Toyota đã giảm xuống 578,66 tỷ yen (tương đương 4,3 tỷ USD ). Cùng kỳ năm trước, hãng kiếm về 997,4 tỷ yen ( 7,45 tỷ USD ).
Trong một tuyên bố hôm 4/8, Toyota thừa nhận đây là "một giai đoạn khó khăn". Hãng xe đã nhiều lần cắt giảm mục tiêu sản lượng hàng tháng do tình trạng khan hiếm chất bán dẫn và việc dừng hoạt động các nhà máy ở Trung Quốc do dịch Covid-19.
Lợi nhuận của hãng sản xuất xe đã giảm nhiều hơn ước tính trước đó của các chuyên gia phân tích. Theo khảo sát của Refinitiv, các chuyên gia cho rằng Toyota sẽ chứng kiến lợi nhuận giảm 15% trong quý I.
Sau thông tin, giá cổ phiếu Toyota đã giảm 3%, trước khi hãng công bố lợi nhuận, cổ phiếu đã mất thêm 0,5% thị giá.
"Tình hình rất tồi tệ", nhà phân tích Koichi Sugimoto của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities bình luận. Ông Sugimoto cho rằng nguyên nhân chủ yếu là chi phí sản xuất tăng cao.
Toyota cho biết chi phí nguyên vật liệu lên tới 315 tỷ yen.
Tuy nhiên, hãng xe vẫn giữ nguyên dự báo về lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính này. Toyota cũng có kế hoạch sản xuất 9,7 triệu xe do nhu cầu tiêu thụ vẫn cao.
Việc đồng yen suy yếu không thể bù đắp hoàn toàn tác động từ chi phí nguyên vật liệu tăng cao
Ông Seiji Sugiura - nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo
Đại diện Toyota cho biết đầu vào chip đã được bảo đảm, hãng cũng không còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự ở một số nhà máy do dịch bệnh.
Người này khẳng định sản lượng của hãng xe sẽ tăng vào nửa cuối năm tài chính.
Ông Sugimoto cho rằng các vấn đề về nguồn cung sẽ được giải quyết sau khi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu thuyên giảm. Cùng với đó là việc Trung Quốc kiểm soát tốt dịch Covid-19.
Giống những hãng xe khác, Toyota đang vật lộn với chi phí tăng cao. Lạm phát cũng có thể làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Toyota đã nâng dự báo lợi nhuận ròng cả năm lên 4%, ước đạt 2.360 tỷ yen. Do đồng tiền Nhật Bản suy yếu, hãng sẽ hưởng lợi khi quy đổi doanh thu từ các thị trường quốc tế sang đồng yen.
Tuy nhiên, theo ông Seiji Sugiura - nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo, việc đồng yen suy yếu không thể bù đắp hoàn toàn tác động từ chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Toyota dự kiến chi phí nguyên vật liệu trong cả năm sẽ tăng 17%, lên 1.700 tỷ yen so với ước tính trước đó, phần lớn do giá thép và nhôm tăng.
Tuy nhiên, hãng đã bước đầu thành công trong việc giải quyết những vấn đề về chuỗi cung ứng.
Nhà sản xuất ôtô này đã cắt giảm mục tiêu sản lượng hàng tháng 3 lần trong quý I theo năm tài chính (tháng 4-6), giảm 10% so với mục tiêu ban đầu do tình trạng thiếu chất bán dẫn và ảnh hưởng từ những đợt phong tỏa tại Trung Quốc.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, hoạt động sản xuất tại đất nước tỷ dân đã đi xuống vào tháng 7. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) chỉ đạt 49 điểm trong tháng, thấp hơn 50,2 điểm hồi tháng 6. Nguyên nhân là nhu cầu yếu và các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19.
"Chúng tôi không thể sản xuất đủ. Khách hàng trên toàn cầu đang chờ được giao xe", đại diện Toyota cho biết.