Khi máy sưởi trong nhà của Lydia Millen bị hỏng vào cuối tháng 11, cô đặt phòng tại Savoy, khách sạn lâu đời nhất nước Anh, nơi các phòng được mạ vàng có giá 700-5.500 USD/đêm.
“Tôi sẽ tận dụng triệt để nguồn nước nóng tuyệt vời của họ”, sao mạng người Anh nói với hơn 807.000 người theo dõi trên TikTok của cô.
Đoạn clip nhanh chóng thu về hơn 4 triệu lượt xem cùng với vô số bình luận, phần lớn là châm biếm và chỉ trích.
Nhiều người so sánh Millen với Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette, nhân vật lịch sử nổi tiếng với lối sống xa hoa.
Một số khác đùa cợt phỏng theo hành động khoe khoang của cô, như “TV bị hỏng nên tôi thuê chuyên cơ riêng để đến Qatar xem bóng đá”.
Theo Wired, phản ứng dữ dội chống lại Millen đã đặt ra một câu hỏi thú vị: Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, chính xác điều gì sẽ xảy ra với những người có ảnh hưởng?
Việc sáng tạo nội dung của những sao mạng có lối sống phô trương sẽ trở nên như thế nào khi ngày càng nhiều fan của họ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt?
Thay đổi cách tiếp cận
Khi dịp Black Friday năm nay diễn ra, Sophie Wood (25 tuổi), sống ở New York (Mỹ), không đăng tải bất kỳ bài đăng nào liên quan đến mua sắm, giảm giá.
Cô là một nhà sáng tạo nội dung về thời trang, làm đẹp và phong cách sống từ năm 2015, có hơn 59.000 người theo dõi trên khoản mạng xã hội.
“Tôi nghĩ thật ngớ ngẩn khi khuyến khích chi tiêu phù phiếm vào thời điểm như thế này, khi rất nhiều người bị mất việc làm. Tôi sẽ bị coi là người thiếu nhạy cảm nếu tiếp tục mua sắm và trưng bày những món mình đang mua”, cô chia sẻ.
Wood, người từng thực hiện các chiến dịch cho Urban Outfitters, Crocs, HBO Max và Google, cho biết gần đây, cô bắt đầu làm việc với các thương hiệu thời trang bền vững.
Cô cũng ít đăng hình ảnh về những món quà và gói PR mình nhận được bởi “chúng đem lại cảm giác khoe khoang”. Thậm chí, cô yêu cầu một số doanh nghiệp loại tên mình khỏi danh sách tặng quà.
Thế nhưng, Wood chưa nhận thấy sự thay đổi trong cách các công ty tiếp cận những chiến dịch quảng cáo.
Trong khi đó, Amy Zwirn, người đứng đầu các agency tại công ty tiếp thị Influencer ở London (Anh), khẳng định các thương hiệu đang trở nên sáng suốt hơn về việc chọn lựa những tài năng để làm việc cùng, cụ thể là “những tiếng nói đáng tin cậy”.
Zwirn tin rằng nếu Vương quốc Anh rơi vào suy thoái, các doanh nghiệp sẽ tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng bằng bằng cách tìm kiếm những người có ảnh hưởng cụ thể để làm đại sứ lâu dài, thay vì thực hiện các chiến dịch với nhiều nhà sáng tạo cùng lúc.
“So với việc trao đổi trực tiếp với thương hiệu, trò chuyện với nhà sáng tạo nội dung yêu thích của bạn trong thời điểm bấp bênh vẫn sẽ rất khác”, cô nói.
Lối thoát cho thực tại
Tuy nhiên, liệu điều đó có thể áp dụng với những sao mạng nổi tiếng với phong cách sống hào nhoáng, sang trọng như Millen?
Mae Karwowski, người sáng lập nền tảng tiếp thị người ảnh hưởng Obviously (New York, Mỹ), cho biết sự thật là khán giả không nhất thiết muốn nhà sáng tạo nội dung phải sống thực tế hơn.
“Mọi người thích xem nội dung xa xỉ như một thứ gì đó truyền cảm hứng hoặc lối thoát cho thực tại. Ngay cả khi họ không đủ khả năng mua một chiếc túi Hermès, họ muốn tìm hiểu về cách người khác sở hữu nó”, cô nói.
Theo Karwowski, các ảnh, clip thể hiện lối sống giàu có, sang chảnh sẽ không biến mất. Có vẻ như chi tiêu cho hàng xa xỉ cũng vậy. Doanh số bán hàng của Hermès đã tăng 24% trên toàn cầu trong quý 3 năm nay, trong khi Moët cho biết hãng sắp hết rượu champagne cao cấp do nhu cầu cao.
Kenneth Lord, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh doanh của Đại học East Michigan và là chuyên gia về quảng bá thương hiệu bằng người nổi tiếng, nói rằng các nhãn hàng lớn, uy tín quan tâm đến việc duy trì hình ảnh sang trọng nhiều hơn là sự thiếu nhạy cảm với một bộ phận lớn công chúng, bởi dù sao “những người đó không thuộc thị trường của họ”.
Ông Lord dành thời gian ước tính chi phí trang phục và phụ kiện mà Millen chia sẻ trong video sửa soạn trước khi tới khách sạn Savoy.
“Hơn 38.800 USD. Vậy cô ấy đang nhắm đến ai? Đương nhiên không phải những người đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình kinh tế”, ông nói.
Chuyên gia tin rằng những người khao khát được như Millen sẽ không cảm thấy bị xúc phạm bởi những lựa chọn của cô ấy.
“Đối với những người đang bị ảnh hưởng bởi Millen, nếu họ thực sự đang ở trong thị trường đáp ứng được những nhu cầu xa xỉ đó, họ sẽ có rất nhiều tiền để tiêu xài. Do đó, họ sẽ chẳng thấy phiền nếu Millen tới khách sạn sang trọng chỉ để thoát khỏi cảnh hỏng máy sưởi tạm thời”, ông Lord nói thêm.
Về phần mình, Karwowski cho biết cô không thấy xa xỉ phẩm “sẽ trở thành nhóm bị tác động trong ngành kinh tế sáng tạo”. Tuy nhiên, một số người có ảnh hưởng sẽ bắt đầu hạn chế mua sắm và bày tỏ lòng biết ơn nhiều hơn với fan của họ.
“Tính tương đối sẽ đồng hành một chặng đường dài. Nếu tôi xem những nội dung sang chảnh và thừa hiểu mình không đủ khả năng chi trả những thứ đó, tôi muốn biết nhân vật trong clip là một người tốt và họ hiểu được rằng họ may mắn như thế nào”, cô nói.
Dù những người chi tiêu xa xỉ dường như sẽ không thay đổi, nội dung sáng tạo liên quan lối sống sang chảnh chắc chắn sẽ ngày càng dẫn đến nhiều chỉ trích, phản đối hơn.
Millen không phải sao mạng duy nhất khiến Internet phẫn nộ trong những tháng gần đây. Đầu tháng 11, Tara Lynn, người có ảnh hưởng về lĩnh vực lifestyle, bị chỉ trích vì chi 10.000 USD cho hai vé xem Harry Styles biểu diễn.
Tháng 9, Mikayla Nogueira, sao mạng về lĩnh vực làm đẹp, bị chế giễu vì một clip cũ. Trong đoạn video, cô phàn nàn công việc của mình thật khó khăn vì “mãi tới 17h19 mới được kết thúc giờ làm”.
Millen không trả lời yêu cầu bình luận của Wired, nhưng cô đã đăng thêm 10 video nữa kể từ clip đi khách sạn gây tranh cãi của mình.