“Thả lỏng một, hai chân làm trụ và phải đứng thật vững, chân trái cao hơn chân phải, khoảng cách giữa hai chân là khoảng nửa bàn chân. Thấp tay xuống, thoải mái cổ tay, người thả lỏng một chút đi ạ”.
Thảo Nguyên, cô giáo dạy lớp violon vừa nói, vừa phải căn chỉnh các động tác tay cho học viên khi bắt đầu kéo đàn.
20 phút đầu, cô Nguyên không ngừng nhắc nhở về các động tác như nghiêng đầu, đưa cây vĩ, nhìn bản nhạc và cách bấm, xếp ngón, khuôn tay sao cho chuẩn chỉnh.
Xuân Văn (52 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty xây dựng) đang nhíu mày đọc bản nhạc. Ở độ tuổi này, khi đọc bản nhạc, ông không thể nào nhớ nhanh. Vì vậy, khi kéo cây vĩ phải vừa nheo mắt, đọc, tỳ tay, tức mọi thứ đều phải hoạt động một cách tổng thể.
Những lúc chệch nhịp, cô Nguyên lại căn chỉnh, hướng dẫn lại các thao tác giúp ông Văn thực hiện đúng và nhớ lâu hơn.
“Hiện tại, mắt chú đang phải nhìn vào bài, chân đập nhịp, miệng đọc hay trong đầu phải suy nghĩ đánh những nốt nào, tức là mình phải vận dụng nhiều giác quan để đánh nên dễ bị xao nhãng. Đây là vấn đề không phải chỉ riêng mình chú, nhiều học viên trước đó cũng gặp phải”, cô Nguyên nói.
Khó từ cách cầm đàn
Ông Văn loay hoay vài phút trước khi bước vào đánh bài nhạc. Với ông, khó nhất vẫn là tay cầm cây vĩ và kéo vĩ sao cho cân, tiếng kêu phải chuẩn. Nhiều khi tay cứng, mắt mải nhìn thứ khác, ông không tập trung được vào bài nhạc.
"Khuỷu tay thấp không được cao, không gồng vai, thả lỏng tay một chút", cô Nguyên nhắc.
30 phút đầu, cô Nguyên vừa hướng dẫn ông Văn, vừa chỉ ra nguyên nhân. Nữ giáo viên lấy ví dụ về ngón này bệt sẽ ảnh hưởng và hậu quả như thế nào, cách khắc phục ra sao, hay vì sao phải đưa tay lên, nâng, gập cổ tay... Điều này giúp người học tự hình dung đang sai ở đâu và giúp họ tự chỉnh sửa, luyện tập.
“Chú là người cứng tay nên phải mất nhiều thời gian để chỉnh, thậm chí phải dành 5-6 buổi để tập riêng phần này", cô Nguyên nói.
Sau nhiều lần căn chỉnh, ông tỏ ra vui vẻ khi các động tác kéo vĩ đi đúng nhịp hay tay mềm hơn.
Nghỉ 10 phút, ông Văn hào hứng kể khi tham gia buổi đầu học violon, ông cho rằng việc vận dụng linh hoạt các ngón tay khi cầm đàn là điều rất quan trọng.
Ông kể lúc mới học, khi cầm cây vĩ chưa biết ngón tay bấm phải cứng, ngón tay cái trỏ phải tỳ vào cây vĩ, ngón tay út làm sao giữ được độ cân hay hai ngón tay giữa phải ôm vào đàn. Ban đầu sợ rơi, ông cầm chặt, nhưng chặt quá cũng gây khó khăn trong quá trình đánh đàn, nên ông Văn phải linh hoạt trong cách cầm đàn sao cho thoải mái, phù hợp.
Ông Văn nhớ lại khoảnh khắc lắp gối đàn bị ngược, khi đàn tỳ vào vai sẽ không chuẩn, việc cầm đàn vì thế sẽ bị lệch nên kéo theo tư thế, kéo tay cũng lệch. Điều này ông cũng được cô giáo nhắc nhở, căn chỉnh thường xuyên.
“Khi học buổi đầu, tôi thích cây đàn thật, nhưng khi cầm lên, thấy khó từ cách cầm đàn, cách lên dây, sau đó cầm cây vĩ như thế nào. Khi đánh đàn sai nhịp, tiếng đàn không êm. Tất cả kỹ thuật đó phải luyện tập thường xuyên mới thành thạo được”, ông Văn chia sẻ.
“Khó nhất là đoạn cầm cây vĩ”, Vũ Giang (26 tuổi, nhân văn văn phòng) vừa luyện tập vừa nói về công đoạn khó nhất khi học violon.
Hôm nay là buổi thứ ba, Giang được học đánh có thêm phách, đánh nốt, tư thế tay và kéo như thế nào cho đúng. Trước đó, nữ nhân viên được học cách cầm vĩ, cầm đàn và giữ đàn.
“Khó nhất là cầm cây vĩ, violon không có phím rõ ràng như piano hay guitar nên phải luyện tập để các ngón tay nhớ được các nốt trên dây. Chỉ cần bấm lệch vài ly thôi là đủ để cho âm thanh bị sai”, Giang nhấn mạnh.
Nhiều khi cầm cây vĩ trơn, trượt, cô Nguyên liên tục nhắc nhở và căn chỉnh cho Giang về các động tác và hướng dẫn học cách giữ sao cho chắc và đúng.
Luyện tập mỗi ngày
Cuối buổi, Thảo Nguyên đánh giá những ưu và nhược điểm của từng học viên trong lớp. Cô nhận thấy sự thay đổi tích cực của ông Văn sau các bài luyện tập.
"Chú thay đổi nhiều từ lúc mới tập, tay của chú mềm hơn, khuôn tay chuẩn. Tuy nhiên, những bài trước đánh khá tốt, nhưng khi học bài khó hơn thì chú dễ bị sai. Vì vậy trong quá trình tập luyện, chú cần phải chỉnh các động tác rất nhiều", cô Nguyên nhận xét.
Trước đây, lớp cô Nguyên từng có nhiều người tuổi đăng ký học, người lớn nhất đã tuổi 73. Mục đích chung của họ đến với violon là đều yêu âm nhạc, yêu thích những giai điệu du dương của cây đàn này.
Tuy nhiên, cô Nguyên cho rằng lỗi chung họ gặp phải khi đánh violon là đều cứng tay, mắt kém. Do đó, với người lớn tuổi, cô thường vạch sẵn nốt cao độ để họ có thể bấm được.
Nữ giáo viên chia sẻ thêm mỗi người học với tốc độ khác nhau, nên không có cách nào để xác định chính xác thế nào là nhanh, là chậm. Năng khiếu hay tài năng không phải yếu tố quyết định mà là thời gian luyện tập miệt mài.
"Mình phải cảm nhận được lực cầm của vĩ để miết sao cho đúng, chuẩn hướng đi và hay, ví dụ một đường đi vĩ thẳng từ đầu đến cuối nhưng cũng có bạn đánh hay và không hay. Khi thấy tiếng kêu rít, họ sẽ lắng nghe và chỉnh sửa, lực tay mạnh hoặc nhẹ, miết hơn sẽ cho tiếng đàn hay hơn. Càng đánh, luyện tập càng nhiều thì sẽ đánh được càng nhanh", cô Nguyên chia sẻ với Zing.
Nữ giáo viên cho biết thêm nhiều bạn từ độ tuổi từ 15-20 tuổi, thậm chí nhỏ hơn, vẫn sẽ bị cứng tay. Ngoài ra, đánh nhanh được hay không còn phụ thuộc vào khả năng tiếp thu. Cô Nguyên nói tiếp thu ở đây không chỉ dừng lại ở kiến thức, lý thuyết âm nhạc mà còn là thời gian tập luyện, bạn nào tập luyện nhiều, tay dễ đánh hơn, học nhanh hơn.
Kỹ thuật khó vậy, song các học viên đều không căng thẳng. Với ông Văn, đến với violon là khoảng thời gian giúp ông được thư giãn, tìm lại nguồn vui cho bản thân và giảm đi áp lực trong công việc, cuộc sống.
Ông cho biết so với guitar, cách chơi violon khó hơn. Ông Văn từng đắn đo trước khi tham gia lớp học này bởi tuổi đã cao, tay lại cứng. Mặt khác, loại hình nhạc cụ này đòi hỏi các tư thế tay, chân linh hoạt, người học phải kiên trì, nỗ lực trong quá trình học.
“Trước đây, tôi từng học violon nhưng vì không có thời gian nên tạm nghỉ, hiện tại khi học lại, tôi muốn tập trung học chuẩn các kỹ thuật, kỹ năng cơ bản ngay từ đầu, chậm cũng được. Người trẻ cần 1 đến 2 buổi có thể học được, nhiều khi tôi phải mất 4 buổi với một nội dung như thế. Vì vậy, thời gian tới tôi phải cố gắng tập luyện nhiều hơn nữa”, ông Văn cho biết thêm.
Ngoài học trên lớp, ông Văn dành thời gian luyện tập kỹ thuật tại nhà. Ông duy trì 2-3 ngày/tuần tập, mỗi lần tập 30 phút bao gồm giai điệu, tay cầm, tất cả các động tác và bản nhạc cô giáo dạy, hôm sau đến lớp kiểm tra lại, điều này giúp ông ghi nhớ các động tác được nhanh hơn.
Với Vũ Giang, ngoài thời gian đi làm, cô gái trẻ dành 2 buổi/tuần tham gia lớp violon kéo dài 1 giờ đồng hồ. Về nhà, mỗi tối cô luyện tập thêm 15-20 phút với cây vĩ, những bài tập với ngón tay. Điều này sẽ giúp cô đẩy nhanh quá trình học và đánh chính xác các nốt nhạc.
Khi kết thúc khóa học trong vòng 20 buổi, cô gái trẻ hy vọng có thể vận dụng những kỹ năng đã học để giao lưu, học hỏi thêm từ mọi người. Với Giang, việc biết thêm một loại hình nhạc cụ mới là điều thú vị, không chỉ hiện tại mà cả sau này.