Câu chuyện được chị Quỳnh Anh, nhân viên văn phòng 26 tuổi, sinh sống và làm việc tại TP.HCM được hơn 3 năm, chia sẻ với Zing.
Lương của mình không quá cao, ở mức 10 triệu đồng/tháng. Con số này chỉ bằng 1/3 giá của iPhone 14 Pro tại thị trường Việt Nam.
Năm nay mình quyết định lựa chọn hình thức trả góp với thời hạn 12 tháng để sở hữu mẫu máy sớm, xem như một món quà cho bản thân. Ngoài ra, mình cũng muốn trải nghiệm tính năng Dynamic Island mới trên dòng iPhone 14 Pro vì đang dùng iPhone X.
Chia nhỏ số tiền mỗi tháng
Thay vì mua trả thẳng (trả hết giá trị máy một lần), mình lựa chọn mua máy bằng phương thức trả góp. Với cách chia nhỏ số tiền mỗi tháng, mình sẽ không bị áp lực phải dồn tiền một lần mà vẫn có khả năng chi trả những nhu cầu khác trong cuộc sống.
Mình thường lựa chọn mẫu iPhone Pro thay vì mẫu iPhone Pro Max vì thích kích cỡ nhỏ, cầm vừa tay.
iPhone 14 Pro có giá niêm yết 30 triệu đồng, mình lựa chọn hình thức trả góp qua thẻ tín dụng với thời hạn 12 tháng. Cụ thể, mỗi tháng mình sẽ trả 2.744.829 đồng. Số tiền này chiếm khoảng 30% thu nhập của mình.
Khoản chênh lệch mình phải trả sau 12 tháng so với trả thẳng là gần 3 triệu đồng. Theo cá nhân mình, số tiền 3 triệu đồng chi thêm để dùng iPhone 14 ngay khi vừa ra mắt là xứng đáng vì chia ra mỗi tháng mình chỉ mất thêm khoảng 250.000 đồng. Bản thân mình lựa chọn 12 tháng vì giúp chia nhỏ khoản tiền phải trả hàng tháng.
Ngoài việc lựa chọn trả góp 12 tháng, bạn có thể tùy chọn trả trong 3, 6 hoặc 9 tháng. Số tháng trả góp tùy thuộc vào kinh tế của mỗi người.
Trả góp thời hạn càng lâu, số tiền chênh lệch càng lớn. Nếu trả góp trong vòng 3 tháng, mỗi tháng mình phải trả 10.237.242 đồng và số tiền chênh lệch rơi vào khoảng 720.000 đồng.
Với tùy chọn 6 tháng, mỗi tháng mình phải trả 5.176.938 đồng. Sau khi trả xong 6 tháng, mình sẽ phải trả 31.061.628 đồng, con số này cao hơn so với mức giá niêm yết hơn 1 triệu đồng.
Nếu chọn trả trong vòng 9 tháng, tổng số tiền mình đóng sẽ là 32.580.117 đồng. Cụ thể, mỗi tháng mình phải đóng 3.620.013 đồng, số tiền chênh lệch rơi vào khoảng 2,6 triệu đồng so với trả thẳng.
Ngoài việc trả góp có phí thông qua thẻ tín dụng tại các cửa hàng một vài người bạn của mình chọn trả góp 0% thông qua các trang thương mại điện tử.
Hình thức này cũng có 4 tùy chọn thời hạn trả góp là 3, 6, 9 và 12 tháng. Tuy nhiên với tâm lý ngại mua các sản phẩm điện tử qua phương thức online nên mình vẫn chịu mất phí chênh lệch và ra mua hàng trực tiếp.
Áp lực
Khi trả góp qua thẻ tín dụng cần chú ý trả đúng hạn. Thẻ của mình chốt sao kê vào ngày 20 hàng tháng và cần trả trước ngày 5 tháng sau. Nếu như bị quá hạn, chủ thẻ sẽ bị phạt 80.000 đồng.
Số tiền phạt tuy không lớn nhưng nếu đóng muộn sẽ ảnh hưởng tới điểm FICO (điểm tín dụng). Điểm FICO thấp sẽ ảnh hưởng tới sự uy tín của cá nhân với các bên cho vay. Vì vậy, mình thường đóng tiền trả góp ngay vào ngày đầu tiên hàng tháng để tránh việc quên sót.
Với mình số tiền hơn 2,7 triệu đồng/tháng không quá khó để dành ra. Chỉ cần bản thân bớt những khoản tiền đi ăn, đi chơi và mua quần áo là được.
Tổng tiền lương 10 triệu đồng, mình để dành trả góp 2,7 triệu đồng cho điện thoại. Tiền thuê nhà và điện nước dao động 4-4,5 triệu đồng mỗi tháng do mình ở ghép chung cư với bạn.
Vị chi mỗi tháng mình mình vẫn còn dư 2,8-3,3 triệu đồng. Mình không mất quá nhiều tiền ăn vì thường tự đi chợ và nấu ở nhà. Cá nhân mình thấy khoản tiền này vẫn đủ để mình chi tiêu mỗi tháng.
Ngoài áp lực về việc trả tiền đúng hạn, mình cũng bị nhiều bạn bè cho rằng đã "vung tay quá trán" khi bỏ tiền ra mua iPhone 14 Pro với mức lương chỉ bằng 1/3 giá trị máy.
Một người bạn đã nói với mình rằng bao giờ thu nhập ít cũng phải 100 triệu đồng/tháng thì mới nên mua một chiếc điện thoại 30 triệu đồng.
Tuy nhiên mình nghĩ đây là sở thích cá nhân của mỗi người. Chiếc điện thoại mới sẽ còn đồng hành cùng mình trong khoảng 2-3 năm tới, lại là thiết bị mình tương tác, sử dụng nhiều nhất mỗi ngày.
Nhưng cũng chính vì khoản trả góp này mà có những lúc mình gặp phải khó khăn tài chính. Khoảng thời gian cuối năm, đám cưới của bạn bè diễn ra khá nhiều, có những tháng mình đã mất 2-3 triệu đồng cho tiền mừng.
Nếu là bạn thân thì con số này còn cao hơn. Đã có những lúc mình phải vay mượn bạn bè để chi tiêu, sống qua ngày.
Không chỉ mỗi đám cưới, việc mua iPhone trả góp cũng khiến mình phải tằn tiện trong chi tiêu, mua sắm. Mình không dám đi ăn uống, thư giãn cuối tuần với bạn bè vào mỗi dịp cuối tuần.
Cần cân đối tài chính
Theo bà Mina Chung, nhà sáng lập Money With Mina, dưới góc độ chuyên gia việc các bạn trẻ chỉ có mức lương 10 triệu đồng nhưng vẫn chi số tiền tương ứng 3 tháng lương cho những sản phẩm công nghệ là thói quen tiêu dùng ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tiết kiệm dài hạn.
Việc dành hết 3 tháng lương để mua một thiết bị công nghệ mới có nghĩa là người trẻ đã chi trả quá khả năng tài chính của bản thân. "Vậy mục đích mua chiếc iPhone 14 mới này để làm gì và nó có thật sự cần thiết? Thứ cần thiết cho cuộc sống này là điện nước, ăn uống và tiền thuê nhà", bà Chung chia sẻ với Zing.
"Nếu không có tiền để chi cho những vấn đề trên, bạn sẽ phải nhịn đói và ở ngoài đường. Một chiếc iPhone 14 mới với giá 30 triệu đồng không thật sự cần thiết cho cuộc sống. Nếu bạn chọn trả góp hoặc vay để mua món đồ này, nó sẽ ảnh hưởng không tốt cho tài chính của bạn", chuyên gia này nhận định.
Thay vì mua iPhone, chuyên gia này nhận định người trẻ cần một cái quỹ dự phòng riêng cho bản thân trong những tình huống bất khả kháng.