Thông tin từ Tổng cục Du lịch trên cơ sở dữ liệu của Google. Ngoài ra, theo Tổng cục Du lịch, các điểm đến được cộng đồng quốc tế tìm kiếm nhiều nhất đều là các trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Vũng Tàu.
Ở chiều ngược lại, lượng tìm kiếm thông tin du lịch nước ngoài của người Việt Nam cũng đang tăng cao sau một thời gian dài bị dồn nén do dịch bệnh. Lượng tìm kiếm du lịch nước ngoài của người dân được ghi nhận tăng gấp 3 lần trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8/2022.
Trong đó, các thị trường được du khách Việt tìm kiếm nhiều nhất bao gồm Singapore, Thái Lan, Campuchia, Mỹ, Úc, Malaysia, Indonesia, Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nam Phi, Nhật Bản,... Điều này cho thấy, các điểm đến gần ở khu vực Đông Nam Á đang là xu hướng ưu tiên của du khách Việt sau đại dịch.
Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đón trên 1,4 triệu lượt khách quốc tế, trong đó riêng tháng 8/2022 có 486,4 nghìn lượt, tăng 38% so với tháng trước. Số liệu thống kê cho thấy các thị trường khách quốc tế đang dần phục hồi tuy nhiên tốc độ không đồng đều. Một số thị trường ở Đông Nam Á phục hồi tốt. Khách từ Campuchia trong tháng 8/2022 thậm chí tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19. Thị trường Lào cũng tăng 136%. Còn thị trường Singapore và Thái Lan chỉ còn giảm lần lượt 29% và 36% so với trước đại dịch.
Trong khi đó, tốc độ phục hồi của các thị trường từ châu Âu cho thấy tín hiệu khả quan. Tuy số lượng khách đến trong tháng 8/2022 chưa nhiều nhưng khoảng cách so với mức năm 2019 đã dần thu hẹp. Với 10,8 nghìn lượt khách Đức, 12,6 nghìn lượt khách Anh và 10,4 nghìn lượt khách Pháp, mức giảm của các thị trường này là khoảng từ 35% đến 60% so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường khu vực Đông Bắc Á có tốc độ phục hồi chậm nhất do vẫn áp dụng chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Theo kịch bản tăng trưởng mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách du lịch quốc tế trên toàn cầu năm 2022 sẽ đạt 55% đến 70% mức trước đại dịch (năm 2019). Trong đó, châu Âu đạt 65%-80%; châu Mỹ đạt 63%-76%. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo chỉ đạt tối đa 30% do nhiều nơi vẫn còn áp dụng chính sách phòng chống dịch chặt chẽ.